MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN: Cẩn trọng trái phiếu bất động sản

26-12-2020 - 14:03 PM | Bất động sản

CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN: Cẩn trọng trái phiếu bất động sản

Chỉ tính riêng trong 1 tuần từ 15 - 22/12, theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có loạt doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ với số vốn huy động lên đến nhiều ngàn tỷ đồng.

Đáng chú ý, thông qua các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ này, các doanh nghiệp đều thu về lượng tiền rất lớn từ vài trăm tỷ đồng đến cả hàng ngàn tỷ đồng.

Doanh nghiệp "đua nhau" phát hành trái phiếu

Cụ thể, "khủng" nhất trong các doanh nghiệp BĐS vừa công bố thông tin là Công ty TNHH Đầu tư và Tư vấn Quảng lý Biển Đông (địa chỉ tại Hà Nội) khi phát hành mã trái phiếu BIENDONG2020 thu về 1.320 tỷ đồng, trái phiếu có kỳ hạn 54 tháng. Đại lý phát hành và đại diện người sở hữu trái phiếu là Công ty CP Chứng khoán VPS. Thông báo của tổ chức phát hành không nêu rõ tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu này.

Một cái tên khác cũng làm "rúng động" thị trường khi phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 1000 tỷ đồng là Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - Công ty TNHH (HUD) với mã trái phiếu HUDH2025001.

Trái phiếu HUDH2025001 có kỳ hạn 5 năm (14/12/2020 – 14/12/2025). Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng và toàn bộ tài sản gắn liền trên đất đối với lô đất 2.4 NO đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân (Hà Nội).

Một doanh nghiệp BĐS khác cũng có đợt phát hành thành công 700 tỷ đồng trái phiếu là Công ty CP Kinh doanh và phát triển Bình Dương với lô trái phiếu mã TDC.BOND.2020.700. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm (9/11/2020 – 15/11/2025).

Bản công bố thông tin của tổ chức phát hành không nêu rõ tài sản đảm bảo của lô trái phiếu. Tổ chức tư vấn hồ sơ phát hành trái phiếu là Công ty CP Chứng khoán Navibank.

Tiếp theo trong danh sách là cái tên khá quen thuộc Công ty CP SUNSHINE AM cũng vừa công bố phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm (11/11/2020-12/11/2021) với lãi suất 11%/năm. Bản công bố thông tin không nêu rõ tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu này.

Có cùng địa chỉ đăng ký trụ sở chính với Công ty CP SUNSHINE AM, trong danh sách các doanh nghiệp vừa phát hành trái phiếu là cái tên Công ty CP đầu tư xây dựng Xuân Đỉnh. Đơn vị này cũng vừa phát hành thành công 550 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm với lãi suất 11%/năm. Cả hai lô trái phiếu của SUNSHINE AM và Công ty Xuân Đỉnh đều có đại lý phát hành là Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong.

Một doanh nghiệp khác cũng vừa phát hành thành công 150 tỷ đồng trái phiếu là Công ty CP Địa ốc Châu Sơn (địa chỉ tại Hà Nội). Lô trái phiếu có kỳ hạn 1 năm (15/12/2020 – 16/12/2021), tài sản đảm bảo là hơn 79 triệu cổ phiếu của doanh nghiệp này, tương đương 72,5% vốn điều lệ và quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất của 53 căn shophouse thuộc dự án Dịch vụ thương mại, công cộng và nhà ở (Golden Mark Shophouse Cẩm Phả).

Nhà đầu tư cần "chuyên nghiệp hóa"

Việc các doanh nghiệp BĐS liên tục phát hành hàng ngàn tỷ đồng trái phiếu được xem là đang mở ra kênh đầu tư tốt cho các nhà đầu tư trong bối cảnh lãi suất ngân hàng xuống thấp hiện nay. Tuy nhiên, việc bùng nổ phát hành này cũng đặt ra nhiều vấn đề về tính an toàn cho các trái chủ.

CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN: Cẩn trọng trái phiếu bất động sản - Ảnh 1.

Nhà đầu tư không chuyên cần tự "chuyên nghiệp hóa" để giảm thiểu rủi ro khi tham gia sân chơi trái phiếu DN BĐS

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, Chuyên gia tài chính ngân hàng, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng bên cạnh các lợi ích như tạo ra kênh đầu tư tốt, giúp doanh nghiệp huy động vốn thì điều này cũng tiềm ẩn một số rủi ro cho các nhà đầu tư như việc nhiều trái phiếu do các doanh nghiệp BĐS yếu kém thực hiện, không có hoặc báo cáo tài chính không đầy đủ, phát hành trái phiếu ở mức lãi suất cao để hút nhà đầu tư.

Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu thì hiện tại Việt Nam có không ít nhà đầu tư chưa có khả năng phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành. Điều này vô hình chung đang tạo ra rủi ro lớn cho nền kinh tế khi nhiều trái phiếu doanh nghiệp có thể trở thành nợ xấu. Khi đó, nếu một NĐT vì lãi suất cao mua trái phiếu vào thay vì gửi tiền ngân hàng với lãi suất hiện ở mức 7-8% sẽ gặp phải nhiều rủi ro cho đồng vốn của mình.

Từ thực tế đó, lưu ý của TS. Nguyễn Trí Hiếu dành cho các nhà đầu tư là phải tự "chuyên nghiệp hóa" để tối thiểu hóa rủi ro là lựa chọn trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành uy tín, tốt nhất là có báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập, có phương án sử dụng vốn huy động được rõ ràng, minh bạch. Và điều quan trọng nhất là khi ký hợp đồng mua trái phiếu cần phải có sự tham vấn của luật sư chuyên ngành.

Theo Lê Sáng

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên