[Câu chuyện cuối tuần] Những cổ phiếu dễ nhầm lẫn trên TTCK Việt Nam
Những trường hợp tiêu biểu nhất có thể kể tới TCT Xây lắp dầu khí với tên gọi là PVC nhưng mã chứng khoán là PVX; CTCK HSC nhưng mã chứng khoán lại là HCM…
- 02-07-2016Nhận biết chiêu "ve sầu thoát xác" của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán để tránh mất tiền
- 02-07-2016Cổ phiếu Vingroup lên mức cao nhất từ khi niêm yết, giá trị cổ phiếu của ông Phạm Nhật Vượng vượt 1,3 tỷ USD
- 04-02-2017Giật mình với con số lợi nhuận của công ty khai thác dịch vụ Cáp treo Chùa Hương
Với 26 chữ cái Latin và 10 chữ số Arab, khi sắp xếp lại chúng ta có thể tạo ra tối đa 46.656 mã chứng khoán (mỗi mã chứng khoán có 3 ký tự) trên TTCK Việt Nam. Tính trên cả 2 sàn niêm yết và Upcom hiện mới có khoảng 1.000 mã chứng khoán, tương đương khoảng 2% số mã tối đa có thể tạo thành.
Có thể thấy, số mã chứng khoán hiện mới chỉ chiếm một phần rất nhỏ và dư địa để tạo mã chứng khoán còn rất lớn. Tuy nhiên, trên TTCK Việt Nam vẫn xuất hiện rất nhiều mã chứng khoán có những điểm tương đồng, dễ gây nhầm lẫn cho nhà đầu tư.
TCT Xây lắp dầu khí (Mã CK: PVX)- TCT Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí (Mã CK: PVC)
Trường hợp của TCT Xây lắp dầu khí và TCT Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí thường gây nhầm lẫn cho giới đầu tư bởi tên viết tắt của TCT Xây lắp dầu khí là PVC nhưng mã chứng khoán lại là PVX. Trong khi đó, TCT Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí có tên viết tắt là PV-DMC và mã chứng khoán doanh nghiệp này là PVC.
Việc nhầm lẫn thường diễn ra khi nhà đầu tư hay có thói quen gọi tắt mã chứng khoán thay cho tên doanh nghiệp. Khi nói đến PVC, có người hiểu là mã chứng khoán PVC, nhưng cũng có người hiểu rằng đây là TCT Xây lắp dầu khí.
Chứng khoán TP.HCM (Mã CK: HCM)- CTCP Hacinco (Mã CK: HSC)
Đây cũng là trường hợp nhầm lẫn tiêu biểu trên TTCK Việt Nam khi Hacinco, một doanh nghiệp đã hủy niêm yết trên HNX từ năm 2009 có mã chứng khoán là HSC.
Trong khi đó, CTCP Chứng khoán TP.HCM có tên viết tắt là HSC, tuy nhiên mã chứng khoán của doanh nghiệp này lại là HCM. Hầu hết nhà đầu tư đều gọi Chứng khoán TP.HCM với cái tên HSC, do đó khi tiến hành giao dịch, việc ghi nhầm mã chứng khoán HCM thành HSC cũng không ít lần diễn ra.
TCT Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội (NHA)- CTCP Phát triển Đô thị Nam Hà Nội (NHN)
2 doanh nghiệp này cũng gây nhầm lẫn cho khá nhiều nhà đầu tư bởi cùng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và có tên “na ná” nhau. Sự khác biệt trong tên gọi 2 doanh nghiệp này chỉ là một doanh nghiệp có chữ Đầu tư trong tên gọi (NHA) và một doanh nghiệp không có (NHN).
Hiện tại, NHA đang niêm yết trên HNX với vốn hóa thị trường đạt 189 tỷ đồng. Tính từ đầu năm tới nay, cổ phiếu NHA đã tăng gấp đôi và thị giá tại ngày 1/7/2016 là 17.400đ/cp.
Trong khi đó, NHN hiện giao dịch trên Upcom với vốn hóa thị trường đạt 6.000 tỷ đồng, cổ đông lớn VinGroup sở hữu xấp xỉ 99% cổ phần doanh nghiệp.
CTCP Bao bì Nhựa Tân Tiến (Mã CK: TTP)- CTCP Nhựa Tân Phú (Mã CK: TPP)
Cùng thuộc ngành nhựa và có cái tên cũng gần giống nhau, Bao bì Nhựa Tân Tiến và Nhựa Tân Phú cũng là cái doanh nghiệp dễ gây nhầm lẫn cho nhà đầu tư.
Bao bì Nhựa Tân Tiến (TTP) là doanh nghiệp sản xuất các loại bao bì trong ngành hàng chăm sóc gia đình (bột giặt, chất tẩy rửa, dầu gội…), bao bì thực phẩn (trà, café, bánh kẹo, mì…), bao bì thủy sản, nông dược…. Tuy vậy, doanh nghiệp này đã hủy niêm yết cổ phiếu từ cuối năm 2015 để tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp.
Tại thời điểm cuối năm 2015, Dongwon Systems Corporations nắm giữ đến 42,36% vốn điều lệ và là cổ đông lớn nhất của Bao bì Nhựa Tân Tiến và thời gian gần đây, toàn bộ ban lãnh đạo của Bao bì Nhựa Tân Tiến đã được thay thế bằng những cái tên Hàn Quốc.
Còn với nhựa Tân Phú (TPP), doanh nghiệp này chuyên sản xuất các loại vỏ chai nhựa và CTCP Nhựa Đồng Nai (DNP) hiện là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu trên 60%.
Ngoài các trường hợp tiêu biểu kể trên, TTCK Việt Nam cũng xuất hiện khá nhiều mã chứng khoán dễ gây nhầm lẫn do cùng ký tự, chỉ khác cách sắp xếp như VCS (Vicostone)- VSC (Vinconship)- SVC (Savico); TMT (ô tô TMT)- MTM (Mỏ và XNK Khoáng sản Miền Trung); DCM (Đạm Cà Mau)- DMC (Domesco); DPR (Cao su Đồng Phú)- PDR (Địa ốc Phát Đạt); VCG (Vinaconex)- VGC (Viglacera)….
Trí Thức Trẻ