MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Câu chuyện cuối tuần] P-notes: Mồi lửa cho phiên tăng điểm mạnh nhất 3 tháng qua của VN-Index

P-notes là gì và tại sao nó có thể mồi lửa cho thị trường chứng khoán trở nên "thăng hoa" bất ngờ như vậy?

Cuối tuần qua (ngày 22/04/2016), thị trường đã có phiên tăng điểm mạnh nhất từ ngày 25/01/2016 đến nay. VN-Index chạm đến ngưỡng cao nhất trong 5 tháng, vượt qua không chỉ mốc 580, mà là 590.

Trong nhiều yếu tố tác động được nêu ra, thị trường nhắc đến một công cụ tài chính phái sinh là P-notes.

Đó là gì?

P-notes (Participatory Notes) là chứng chỉ tham gia đầu tư, về cơ bản là một dạng công cụ tài chính phái sinh được phát hành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài bởi các tổ chức đầu tư đang hoạt động tại những thị trường chứng khoán mới nổi.

Cụ thể, để phát hành P-notes, các định chế tài chính lớn thường tích lũy một số lượng cổ phiếu đủ lớn, bao gồm các cổ phiếu lớn, có thanh khoản tốt, hoạt động hiệu quả và mang tính đại diện cho thị trường để lập thành một danh mục. Trên danh mục đó, các tổ chức tài chính này sẽ phát hành P-notes cho các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư vào thị trường chứng khoán của nước sở tại.

Đầu tư thông qua P-notes, các chủ thể tham gia không cần phải đăng ký với các cơ quan quản lý và không chịu ràng buộc bởi các thủ tục hành chính tại các nước bản địa như đăng ký mở tài khoản và thủ tục về quản lý ngoại hối. Do đó, dòng tiền thông qua P-notes sẽ có thể thay đổi rất nhanh và thường được cho là mang tính đầu cơ.

P-Notes vừa mang tính chất của một chứng chỉ quỹ, vừa mang tính chất của một công cụ thanh toán tương tự như thương phiếu. Theo đó, chủ sở hữu P-Notes có thể được hưởng quyền nhận cổ tức và lãi từ danh mục đầu tư chứng khoán. Bên cạnh đó, trong trường hợp chủ sở hữu P-notes muốn rút vốn thì tổ chức phát hành sẽ cam kết hoàn trả khoản đầu tư dựa trên giá giao dịch hiện tại của P-notes.

P-notes tràn vào Việt Nam

Tại Việt Nam, hiện có một số định chế tài chính như Deutsch Bank, Citigroup… đã phát hành sản phẩm P-notes cho NĐT vào TTCK Việt Nam. Hiện tại, chưa có số liệu thống kê chính xác tổng giá trị của P-notes liên quan đến TTCK Việt Nam đang giao dịch ở nước ngoài.

Theo tính chất của loại công cụ tài chính này, có thể thấy, quy mô phát hành P-notes càng lớn thì luồng vốn đầu tư gián tiếp của khối ngoại thông qua P-notes vào thị trường chứng khoán Việt Nam càng lớn. Đây là điều kiện làm tăng quy mô giao dịch của thị trường và cho thấy mức độ quan tâm của các NĐT nước ngoài đến TTCK Việt Nam. Mà tại thị trường này, động thái của khối ngoại là một sự hỗ trợ tâm lý vô cùng lớn.

Với thông tin chưa rõ nguồn gốc về việc quy mô P-notes tại Việt Nam tăng mạnh trong bối cảnh khối ngoại mua ròng nhiều phiên trong thời gian qua, VN-Index đã có thêm động lực để bật tăng khỏi ngưỡng kháng cự tâm lý 580.

Sự ảnh hưởng của P-notes sẽ được chúng tôi phản ánh cụ thể hơn trong tuần tới, còn trong ngày cuối tuần này, xin mời độc giả thư giãn với:

Câu chuyện của P-notes tại Ấn Độ

Hình thức đầu tư thông qua P-Notes đã xuất hiện ở Ấn Độ từ năm 1992 và gia tăng không ngừng trong hơn một thập kỷ sau đó mà không hề chịu bất kỳ sự quản lý nào.

Năm 2006, tỷ trọng vốn huy động từ phát hành P-Notes trên tổng lượng vốn đầu tư đã giải ngân của các tổ chức đầu tư trên TTCK Ấn Độ đã gia tăng lên mức 52% so với con số 40% trong năm trước đó, tức là hơn một nửa trong số 45 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài được giải ngân trên TTCK Ấn Độ thời gian này hoàn toàn không xác định được chủ thể sở hữu và thụ hưởng quyền.

Trên trang cá nhân của mình, Tiến sỹ Lê Hồng Giang nhận xét: “Một điều khá ngạc nhiên là P-Notes dường như chỉ tập trung ở Ấn Độ, mặc dù nó cũng có mặt ở một số thị trường mới nổi khác như Trung Quốc và Việt Nam. Có lẽ lý do cơ bản là trước đây Ủy ban chứng khoán Ấn Độ chỉ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài lớn (foreign institutional investors - FII) được phép đầu tư vào thị trường chứng khoán nước này. Do vậy các nhà đầu tư nhỏ lẻ buộc phải đầu tư thông qua các FII và P-Notes là một công cụ để thực hiện việc này”.

Lo lắng trước những tác động tiêu cực có thể xảy ra, ngày 16/11/2007, Ủy ban Giao dịch chứng khoán Ấn Độ tuyên bố tiến hành các biện pháp hạn chế P- Notes, với trọng tâm nhắm vào đặc tính “không thông qua đăng ký” của chủ sở hữu loại công cụ tài chính này.

Thông tin trên đã gây quan ngại sâu sắc trong giới đầu tư nước ngoài và chỉ số SENSEX của TTCK Ấn Độ đã sụt giảm gần 9% trong một phiên giao dịch - mức sụt giảm tồi tệ nhất trong lịch sử hoạt động của TTCK quốc gia này. Phiên giao dịch ngày hôm đó đã phải tạm hoãn hơn 1 giờ và đích thân Bộ trưởng Bộ Tài chính Ấn Độ đã phải lên tiếng rằng, Chính phủ Ấn Độ hoàn toàn không ngăn cản hoạt động đầu tư nước ngoài trên TTCK và cũng không có ý định cấm tuyệt đối hình thức đầu tư thông qua P-Notes.

Bài học lớn nhất rút ra từ Ấn Độ là động thái của Chính phủ đã có tác động tiêu cực tới thị trường như thế nào khi không quản lý ngay từ đầu mà để qua một thời gian dài mới bắt đầu có những biện pháp kiểm soát mang tính “phanh gấp” như trên.

Kim Dung

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên