MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Câu chuyện cuối tuần] Vì sao mỗi ngày, điều đầu tiên NĐT cần làm là xem giá dầu và giá USD?

Quan sát nguồn nhiên liệu đến từ khối ngoại là điều các nhà đầu tư nội đang làm, mà khối ngoại hành động theo giá dầu và giá USD.

Tuần vừa qua, VN-Index đã leo lên mốc 631 điểm, tức tiến tới mức cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây. Trong những năm qua, mỗi lần chỉ số đi gần đến con số này, bước tiếp sau đó sẽ là một sự sụt giảm phải gọi là thê thảm. Vậy lần này thì sao?

Để tính đường đi nước bước cho phù hợp, điều đầu tiên mà mỗi nhà đầu tư cần làm mỗi sáng thức dậy là xem giá dầu và giá USD. Tại sao vậy?

Vì thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng quan hệ mật thiết với thị trường quốc tế

Như chúng ta đã thấy, trong thời gian qua, không chỉ thị trường chứng khoán Việt Nam mà các thị trường chứng khoán trên thế giới đều ghi nhận sự tăng trưởng rất tốt. Yếu tố cơ bản tạo nên động lực cho sự tăng trưởng của các thị trường giống nhau cả, đó là sự suy yếu của đồng USD, sự hồi phục mạnh mẽ của giá dầu cùng sự hồi phục của giá các vật liệu cơ bản như quặng sắt, thép…

Trong một số thời điểm, chỉ số VN-Index có thể biến động trái chiều với S&P 500, với Dow Jones hay một loạt các chỉ số chứng khoán châu Á khác, nhưng thường thì chúng ta thấy chúng có sự tương đồng. Có thể nói rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam càng ngày càng liên quan mật thiết với thị trường tài chính thế giới.

Do đó, mỗi nhà đầu tư cần quan tâm đến thị trường quốc tế hơn ngày xưa rất nhiều. Theo ông Fiachra Mac Cana – Giám đốc Khối Phân tích của CTCK Tp.Hồ Chí Minh (HSC) trong buổi Hội thảo được CTCK này tổ chức cuối tuần qua thì nếu S&P 500 vượt qua được ngưỡng kháng cự, VN-Index hoàn toàn có thể.

Bạn thấy lý do này quá hiển nhiên? Đọc tiếp lý do thứ 2 vậy.

Vì khối ngoại trên TTCK Việt Nam cũng hành động theo giá dầu và giá USD

Một vấn đề luôn được nói đi nói lại là, dù giá trị giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm không quá 15% giá trị giao dịch của thị trường mỗi ngày song lại có ảnh hưởng tâm lý vô cùng to lớn đến dòng tiền của khối nội.

Nhưng trong 6 tháng qua, khối ngoại không chỉ là động lực tâm lý nữa mà thực sự, nhờ lực mua ròng bền bỉ của họ, VN-Index mới có sóng như vậy.

Theo ông Fiachra Mac Cana, từ năm 2014 đến cuối năm 2015, tăng trưởng tổng cung tiền M2 của Việt Nam không cao hơn nhiều lắm so với tăng trưởng tín dụng. Do đó, thị trường chứng khoán không tăng mạnh.

Hiểu nôm na, cung tiền là bình xăng chứa nhiên liệu giúp nền kinh tế hoạt động. Khi tổng cung tiền của thị trường cao hơn số tiền mà Ngân hàng cho vay (tăng trưởng tín dụng) thì tức là có rất nhiều nhiên liệu thừa, cỗ máy sẽ hoạt động tốt. Khi đó, phần lớn các tài sản trên thị trường tài chính đều tăng điểm.

Khoảng cách giữa 2 con số này đã mở rộng hơn trong nửa đầu năm nay. Và mặc dù M2 mới tăng nhanh hơn tăng trưởng tín dụng 1 – 2% nhưng nếu kết hợp với sự mua ròng bền bỉ của khối ngoại, thị trường chứng khoán đã tăng như vừa rồi.

Quan sát nguồn nhiên liệu đến từ khối ngoại là điều các nhà đầu tư nội đang làm, mà khối ngoại hành động theo giá dầu và giá USD.

Do đó, hãy để ý đến FED, và cả một yếu tố mà có thể bạn không biết

Sắp tới, nếu FED không tăng lãi suất, tức là đồng USD sẽ giảm, dòng tiền của khối ngoại có nhiều động lực hơn để ở lại những thị trường như Việt Nam.

Có một thông số được Tổng cục năng lượng Hoa Kỳ công bố hàng tháng mà nhà đầu tư nên theo dõi, được gọi là chỉ số gián đoạn toàn cầu. Trên thế giới, hiện tại trung bình cung dầu mỏ đang cao hơn cầu là 2,8 triệu thùng/ngày. Thế nhưng giá dầu tăng là vì lượng cung vượt qua cầu này chưa sẵn sàng tung ra thị trường ngay lập tức. Có những yếu tố làm gián đoạn lượng cung này và gây ra độ trễ. Và mọi yếu tố trên thế giới này đều có thể là nguyên nhân gây ra độ trễ đó, ví dụ như cháy rừng, đình công…

Kim Dung

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên