Câu chuyện 'giàu đẳng cấp' và 'đồ nhà quê' đằng sau mức giá đắt đỏ của các bức tranh tưởng như hết sức đơn giản
Trong thế giới của đại gia, việc mua thứ gì không quan trọng bằng việc bạn có thể ném bao nhiều tiền qua cửa sổ vì nó.
- 18-04-20213 món đồ người giàu không bao giờ mua nhưng người nghèo lại rất thích, bảo sao bạn "đã nghèo lại càng nghèo thêm"
- 17-04-2021Tỷ phú đầu tiên của nước Mỹ Rockefeller chỉ ra 3 điều quan trọng người muốn làm giàu nhất định phải xác định rõ ràng
- 16-04-2021Thói quen đặc biệt cả Steve Jobs, Einstein đều có: Phần thiết yếu của cuộc sống, thực hiện tốt ai cũng có thể “thay đổi cả thế giới”
Mới đây, bức tranh "chân dung Madam Phương" của Mai Trung Thứ đã bán được 3,1 triệu USD trong phiên đấu giá của Sotheby, trở thành tác phẩm có giá công khai cao nhất Việt Nam. Thông tin này đã khiến nhiều người bất ngờ khi đại dịch Covid-19 đẩy hàng tỷ người rơi vào cảnh đói nghèo, mất thu nhập và gặp khó khăn trong cuộc sống nhưng giới nhà giàu vẫn đủ tiền "chơi" tranh.
Trên thực tế, những tác phẩm nghệ thuật có giá cao từ lâu đã trở thành đề tài bàn tán của nhiều người. Năm 2013, một bức tranh chỉ toàn sơn xanh đã được bán với giá 44 triệu USD cũng bởi nhà đấu giá Sotheby.
Năm 2019, thị trường kinh doanh tác phẩm nghệ thuật thế giới đạt doanh số 64,1 tỷ USD, cho thấy tiềm năng của mảng bán tranh.
Bức tranh Onement VI được bán với giá 44 triệu USD năm 2013.
Vậy tại sao những tác phẩm chỉ tốn không gian trưng bày và tiền bạc để bảo quản này lại đắt đến như vậy? Chúng chẳng giúp con người chống dịch, cũng không mang lại cơm no áo ấm. Giá trị tinh thần ư? Bạn có nghĩ bỏ tiền mua tấm vé xem phim hài còn thấy thoải mái hơn ngồi ngắm hàng giờ bức tranh toàn màu xanh giá 44 triệu USD không?
Để trả lời câu hỏi này thực ra rất khó, bởi tương tự như bong bóng hoa Tulip hay vụ lan đột biến gần đây, các bức tranh thực tế không đem lại giá trị tương xứng với số tiền bỏ ra mua. Thế nhưng thị trường này cũng không thật sự là bong bóng đầu cơ khi các tác phẩm nghệ thuật theo thời gian vẫn được mọi người yêu thích và công nhận.
Trên thực tế có rất nhiều lý do cho một tác phẩm được bán với giá trên trời. Nhà buôn tranh Arne Glimcher tại New York cho biết một trong những yếu tố khiến tác phẩm của họa sĩ Warhol đắt đỏ là chúng bị làm giả quá nhiều.
Trong khi đó, Chủ tịch Simon de Pury của hãng đấu giá Phillips de Pury thi cho biết những bức tranh có kích thước to sẽ đắt giá hơn bức nhỏ. Lịch sử quyền sở hữu của chúng cũng khiến tác phẩm có giá hơn khi từng qua tay những người nổi tiếng. Thậm chí việc cố len chân vào một viện bảo tàng cũng có thể đẩy giá bức tranh lên cao.
Thế nhưng những lý do trên chỉ cho biết tại sao một bức tranh đắt hơn các tác phẩm khác mà vẫn chưa lý giải tại sao chúng đắt. Tác giả Nosh Horowitz của cuốn "Art ò the Deal" từng nhận định xét về dài hạn, đầu cơ vào nghệ thuật chỉ tương đương với chơi cổ phiếu nhưng tính rủi ro lại cao hơn rất nhiều so với thị trường chứng khoán. Thậm chí nếu chỉ xét phân khúc 1% những người giàu nhất thế giới thì đầu cơ vào tác phẩm nghệ thuật lại chả có nhiều ý nghĩa về đầu tư tài chính.
Tất nhiên tại một số quốc gia như Hàn Quốc, việc đầu cơ tác phẩm nghệ thuật có thể là một chiêu bài trốn thuế. Tuy nhiên điều đó không thể giải thích được tại sao các bức tranh lại có giá đắt đến như vậy ở nhiều nơi trên thế giới.
Để giải đáp chính xác câu hỏi này chúng ta cần suy xét đến những giá trị văn hóa bên lề của tiền bạc.
1. Danh tiếng
"Nếu không thể bán một thức gì đó, tôi sẽ tăng giá gấp đôi".
Đây là quy tắc mà nhà môi giới tác phẩm nghệ thuật hàng đầu Thụy Sĩ Ernst Beyeler đã dùng để thành lập nên hãng Art Basel. Nhà sáng lập này đã rất khôn ngoan khi nhắm đến nhu cầu "mua danh chuộc tiếng" của giới đại gia. Đôi khi giá trị thực sự của một đồ vật nằm ở chính giá tiền chứ không phải lợi ích trực tiếp mà nó đem lại.
Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao những món đồ hàng hiệu lại đắt đỏ quá mức, cao hơn rất nhiều so với giá trị thực dụng mà nó đem lại chưa?
Trên thực tế, giới nhà giàu đã có quá nhiều tiền cũng như kênh đầu cơ nên họ chẳng cần thiết phải tính toán chi li khi đổ tiền vào các tác phẩm nghệ thuật. Cái họ cần chỉ là danh tiếng, sự hưởng thụ khi mọi người ngưỡng mộ việc chi hàng trăm triệu USD cho các tác phẩm. Điều này cũng tương tự khi bạn mua được một chiếc xe hơi thể thao và muốn đem nó đi dạo phố vậy.
Nếu chỉ để ngắm nhìn tác phẩm, họ có thể bỏ vài USD đến bảo tàng. Điều thực sự khiến giới nhà giàu phấn khích trong các buổi đấu giá là khả năng quăng cả đống tiền để sở hữu độc quyền nó trong ánh mắt ngưỡng mộ của mọi người.
Nhà xã hội học Louis Abolafia từng nói rằng những nhà đầu cơ tài chính thưởng chẳng bao giờ thẹn thùng khi khoe khoang về những món đồ đắt tiền, các bộ sưu tập hàng hiệu hay những tác phẩm nghệ thuật của họ cả. Trong thế giới của đại gia, việc mua thứ gì không quan trọng bằng việc bạn có thể ném bao nhiều tiền qua cửa sổ vì nó.
Tất nhiên, khoe giàu cũng là cả một nghệ thuật và việc mua những chiếc xe sang đi loanh quanh ngoài phố đã trở nên lỗi thời lẫn thô thiển. Chẳng có đại gia nào muốn bị nói là "giàu xổi" hay "đồ nhà quê".
Tại nước ngoài, giới đại gia không bao giờ ngưỡng mộ một người có cả dàn xe sang vì đấy là chuyện thường. Thế nhưng nếu sở hữu cả một bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật thì đó lại là chuyện khác.
Bởi vậy những tác phẩm nghệ thuật giá hàng trăm triệu USD trở thành thứ để họ khoe khoang mỗi khi có khách đến nhà. Trong nhiều trường hợp, các tác phẩm nghệ thuật chiếm đến 40% tổng tài sản của các nhà tài phiệt vì họ muốn được nghe mọi người đánh giá là có "gout" thẩm mỹ, giàu nhưng có trình độ.
Thậm chí nhiều người còn chấp nhận mua tranh giả về treo chỉ để được mang cái tiếng là "giàu đẳng cấp".
2. Hiệu ứng đám đông
Đây là yếu tố khiến buôn tranh có điểm giống với bong bóng lan đột biến hay nhiều loại đầu cơ khác. Khi giá tranh bị đẩy lên cao với những lời tung hô "mỹ thuật", "có trình độ" thì ngày càng nhiều người giàu đổ tiền vào đây dù giá trị của bức tranh đem lại chẳng có gì ngoài danh tiếng.
Chính nguyên nhân này khiến vô số tỷ phú chẳng hiểu gì về tranh nhưng cũng bỏ tiền đấu giá các tác phẩm. Đây cũng là lý do cho nhiều bức tranh chẳng ai hiểu khi xem nhưng lại được bán với giá trên trời.
Khi tìm kiếm các tác phẩm cao cấp, phần lớn đại gia ngày nay làm trước nhất là nhìn vào giá tiền. Nhiều người xếp hàng triển lãm nghệ thuật hiện nay cũng chẳng quan tâm đến thông điệp mà nó mang lại, họ xếp hàng vì "nghe nói" những tác phẩm này được bán với giá trên trời.
Chẳng có gì khó hiểu khi mọi người chỉ biết đến họa sĩ Rothko khi các tác phẩm của ông đạt mức giá 30-40 triệu USD. Rồi còn Mai Trung Thứ, liệu công chúng có biết đến họa sĩ này rộng rãi nếu không có tác phẩm 3,1 triệu USD ở trên?
Theo nhà môi giới Glimcher, cách dễ nhất để phá vỡ kỷ lục về giá là hãy tạo một cái chợ với 2 đại gia đấu giá, bạn sẽ hiểu khát vọng chứng tỏ mình giàu nhiều đến cỡ nào khi tiền chỉ là những con số.
Xin được nhắc rằng quyền định gia các tác phẩm không thuộc về đại gia hay những người sở hữu chúng mà thuộc về các phòng đấu giá. Họ mới là người chi phối giá thực tế của thị trường tác phẩm nghệ thuật.
3. Thú vui nghệ thuật
Tất nhiên ngoài khát khao mua danh chuộc tiếng, khoe giàu cũng như hiệu ứng đám đông thì cũng có những đại gia thực sự yêu thích nghệ thuật. Đối với người thường, bỏ vài USD mua vật phẩm chơi game điện tử là điều chẳng khó hiểu thì với các đại gia, bỏ vài triệu USD trong tổng tài sản hàng tỷ USD cũng chẳng đáng là bao. Chúng chỉ được coi là chi phí thỏa mãn nhu cầu về tinh thần cho các sở thích.
Thêm nữa, những tác phẩm này vẫn sẽ bán được giá trên thị trường nếu càng để lâu. Thậm chí nếu có mất giá thì họ cũng chẳng quan tâm miễn là vui vẻ, thoải mái.
Nói đến sở thích thì chuyện sưu tầm, săn đuổi cho đủ bộ là điều hiển nhiên. Đây là lý do giới nhà giàu không ngừng tìm kiếm và thu thập, đấu giá các tác phẩm cả mới lẫn cũ, qua đó không ngừng phá vỡ các kỷ lục giá cũ.
4. Nhà giàu mới nổi
Một lý do nữa khiến thị trường tác phẩm nghệ thuật đi lên là sự tham gia của lượng lớn nhà giàu mới nổi từ Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil... Sự bùng nổ kinh tế của nhiều nước tạo ra lượng lớn đại gia và họ khát khao được công nhận và chứng minh đẳng cấp của mình.
Những lớp học cư xử cho giống thượng lưu, những ngôi trường tư dạy các môn văn hóa cho "giới quý tộc" hay những phong trào vung tiền qua cửa sổ để chứng minh độ giàu có chẳng còn gì lạ với giới tài phiệt Trung Quốc.
Kể từ năm 2009 đến nay, Trung Quốc luôn xếp trong top 3 thị trường kinh doanh tác phẩm nghệ thuật lớn nhất thế giới. Hơn 1000 bảo tàng, viện mỹ thuật đã được xây mới tại đây dưới nguồn vốn của cả chính phủ lẫn tư nhân trong 10 năm qua, kéo theo đó là nhu cầu lớn về tác phẩm nghệ thuật.
Nguồn tiền mới này đổ vào thị trường đã khiến giá các tác phẩm ngày một tăng do có nhiều đại gia mới nhập cuộc và như đã nói ở trên, càng nhiều người cạnh tranh, càng nhiều ánh mắt ngưỡng mộ thì chợ đấu giá sẽ càng "xôm".
Doanh nghiệp và tiếp thị