MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ấn Độ: Công xưởng mới của thế giới

29-07-2013 - 08:02 AM |

Báo chí Trung Quốc (TQ) mới đây đã đăng một câu chuyện rất ngạc nhiên nhưng không lấy gì làm thú vị: Một nhóm công nhân người TQ sau khi phát hiện ra ông chủ của Starnes có kế hoạch chuyển hướng kinh doanh sang Ấn Độ (Ấn Độ), đã giam lỏng ông này. Lý do khiến câu chuyện này trở nên khó chịu với báo giới TQ có lẽ là nguồn gốc tại sao Starnes muốn rời TQ để chọn một cơ sở sản xuất khác. Nhiều công ty đang xem xét lựa chọn các điểm đến khác, như Indonesia hay Việt Nam để thay thế TQ.

Trong khi đó, Ấn Độ đang nổi lên thành một trung tâm sản xuất mới của thế giới với lực lượng lao động khổng lồ và rẻ. Theo Golman Sachs, sẽ có thêm khoảng 110 triệu lao động Ấn Độ đến năm 2020, trong khi TQ chỉ thêm được 10% so với lực lượng hiện tại.

Lương của lao động Ấn Độ trung bình chỉ bằng 30% so với lao động TQ hiện tại, các chi phí khác cũng thấp hơn rất nhiều, ví dụ, đền bù thôi việc chỉ là một tháng lương, trong khi TQ là một tháng lương và thêm mỗi năm thâm niên một tháng nữa. Cũng cần phải nhắc đến, là thời điểm mới manh nha tham vọng "công xưởng thế giới", TQ cũng khó khăn và thiếu thốn giống như Ấn Độ hiện tại.

Thế nhưng chuyển sang thị trường Ấn Độ cũng chưa hẳn là một việc dễ dàng. Ấn Độ nổi tiếng là nước có cơ sở hạ tầng tệ hại và luật lao động thay đổi xoành xoạch. Những gì tiêu biểu ở Ấn Độ là sức ép đáng kể lên môi trường, hạ tầng và tài nguyên với những khu vực ô nhiễm báo động hàng đầu thế giới, lạm dụng trẻ em và khai thác cũng như xử lý tràn lan các kim loại nặng gây nhiễm độc nguồn nước và không khí. Ấn Độ trước nay thường được biết tới với các mảng dịch vụ gia công phần mềm và dịch vụ kinh doanh thuê ngoài (outsourcing), như chăm sóc khách hàng chẳng hạn, nhưng ngày nay, phát triển lĩnh vực sản xuất cũng là một trong các ưu tiên của đất nước này.

Chính phủ Ấn Độ đang rất nỗ lực để thay đổi hình ảnh này trong mắt bạn bè quốc tế. Cụ thể, như kế hoạch hành lang kinh tế giữa Delhi và Mumbai. Hợp tác với Nhật Bản, Ấn Độ đang vẽ ra một dạng khu công nghiệp chất lượng cao với các tiêu chuẩn hạ tầng vốn đã rất phổ biến ở TQ, nhưng vẫn còn là mới mẻ ở Ấn Độ, như việc xây dựng các nhà máy lớn làm trọng tâm, đảm bảo cung cấp nước sạch, hệ thống hạ tầng giao thông phát triển và hệ thống hậu cần.

Nhằm đưa hình ảnh mới mẻ, năng động này ra thế giới, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Anand Sharma đã công du New York và trình bày với các nhà đầu tư Mỹ ý tưởng về một Ấn Độ đã chuẩn bị sẵn sàng để thay thế TQ trở thành công xưởng mới của thế giới, như tuyên bố mới đây của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.

Nhưng nhiều nhà đầu tư Mỹ khá hoài nghi về chương trình mới này. Ngoài việc rất khó để thay đổi cách thức điều hành hiện tại ở Ấn Độ, thì theo họ, mục đích chính của chương trình này chỉ là phát triển nền sản xuất của Chính phủ Ấn Độ nhưng với chi phí của nhà đầu tư nước ngoài.

Các nhà lập pháp Mỹ thuộc Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ đã từng đệ lên Ngoại trưởng John Kerry một lá thư đề nghị chính quyền Obama lên tiếng với một dự luật được cho là thiên vị và bảo hộ cho công ty Ấn Độ. Theo họ đây là những hành vi thương mại thiếu công bằng và dấy lên quan ngại sâu sắc về các chính sách kinh tế ở Ấn Độ vốn có khả năng gây ra việc chuyển giao sở hữu trí tuệ các sản phẩm sáng tạo của Mỹ và sau đó lại gây khó và đóng cửa các doanh nghiệp Mỹ hoạt động trong mảng này tại Ấn Độ.

Chính phủ Ấn Độ thông báo sẽ xem xét lại kế hoạch tiếp cận thị trường ưu đãi kể trên, vốn được coi là chính sách bảo hộ đối với hàng điện tử sản xuất trong nước. Hiện một ban chuyên về chính sách sản phẩm điện tử và công nghệ thông tin đang tích cực điều chỉnh văn bản này để có thể hoàn thiện vào đầu tháng Tám. Trước tín hiệu này, từ phía Chính phủ Ấn Độ, cả Phòng Thương mại Mỹ cũng như Hiệp hội Dịch vụ Công nghệ Thông tin Nhật Bản đều đã lên tiếng ủng hộ. Với động thái này, Chính phủ Ấn Độ đã phát đi tín hiệu quyết tâm xây dựng "công xưởng mới" mới của thế giới.

Theo Phạm Tâm

duchai

Doanh nhân Sài Gòn

Trở lên trên