Các “đại gia” tháo chạy khỏi ngân hàng
Năm 2013 khép lại với điểm nhấn quan trọng là sự ra đi của hàng loạt các cổ đông lớn tại ngân hàng. Có những sự ra đi đã được báo trước, nhưng cũng có những cuộc chia tay đầy bất ngờ.
- 28-11-2013Lộ diện 3 nhà đầu tư đã mua gần 15% cổ phần VPBank từ OCBC
- 27-11-2013Cổ đông chiến lược OCBC rút khỏi VPBank
- 20-12-2013EVN bán 25,2 triệu cổ phiếu ABBank cho GELEXIMCO, thu về 252 tỷ đồng
- 02-12-20133 cá nhân chi gần 260 tỷ đồng mua cổ phần Techcombank
Nội dung nổi bật:
- Năm 2013, hoạt động mua bán cổ phần của ngân hàng với khối lượng lớn diễn ra khá mạnh mẽ.
- Nhiều tổng công ty nhà nước đã thoái vốn khỏi ngân hàng như EVN, Vietnam Airlines hay Tín Nghĩa. Cổ đông chiến lược Singapore bất ngờ chia tay VPBank
Vietnam Airlines thoái vốn khỏi Techcombank
Là một trong những cổ đông sáng lập của Techcombank, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) ban đầu giữ đến gần 20% vốn của Techcombank nhưng sau đó giảm dần và từ cuối năm 2011 đến 2013 chỉ còn nắm giữ hơn 2%.
Cuối tháng 6/2013, Vietnam Airlines bắt đầu triển khai các thủ tục để thoái vốn tại Techcombank theo lộ trình của đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines giai đoạn 2012-2015 theo phê duyệt của Thủ tướng.
Thông qua chào bán công khai, 828 nghìn trái phiếu chuyển đổi Techcombank đã được sang tên cho 6 nhà đầu tư cá nhân với giá 132.700 đồng/trái phiếu; hơn 24 triệu cổ phần được bán cho 3 nhà đầu tư cá nhân với giá 10.800 đồng/cổ phần. Tổng cộng, Vietnam Airlines đã thu về hơn 369 tỷ đồng từ việc rút chân khỏi ngân hàng.
EVN giảm tỷ lệ sở hữu ở ABBank từ 21,27% xuống 16,02%
Một thương vụ cũng khá đình đám trong ngành ngân hàng năm 2013 là việc Tập đoàn Điện lực (EVN) rút vốn khỏi Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank).
Là một cổ đông lâu năm của ABBank nhưng EVN cũng bị buộc phải thoái vốn ngoài ngành theo đề án tái cơ cấu. Theo số liệu thống kê thì EVN là cổ đông lớn nhất của ABBank, nắm giữ hơn 102 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 21,27% vốn điều lệ của nhà băng này.
Cho đến những ngày trung tuần tháng 12 vừa qua, EVN thông báo đã thỏa thuận chuyển nhượng lại 25,2 triệu cổ phiếu ABBank cho một cổ đông lớn khác của ngân hàng này là Geleximco. Sau giao dịch trên, EVN vẫn còn nắm giữ hơn 16% cổ phần của ABBank.
Sau cuộc chuyển giao này, Geleximco đã nắm lượng lớn cổ phần của ABBank, tổng cộng 12,25% vôn điều lệ ABBank (7% trước khi mua từ EVN). Ông Vũ Văn Tiền, chủ tịch ngân hàng An Bình cũng đang là chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Geleximco.
Tổng công ty Tín Nghĩa rút khỏi DaiABank
Năm 2013, Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) đã tiến hành sáp nhập vào với Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank). Đi kèm với đó, một nhóm các cổ đông cũ cũng tiến hành chuyển nhượng cổ phần cho nhóm các cổ đông mới, bao gồm cả cổ đông lớn nhất là Tổng công ty Tín Nghĩa.
Hồi cuối tháng 11, công ty Tín Nghĩa đã chào bán công khai gần 79,8 triệu cổ phần DaiABank, tương đương tỷ lệ 25,7% vốn điều lệ của ngân hàng. Trước khi sáp nhập vào HDBank thì ông Quách Văn Đức, chủ tịch HĐQT của DaiABank là người đại diện vốn của Tín Nghĩa tại ngân hàng này.
OCBC bán toàn bộ cổ phần tại VPBank
Các trường hợp rút vốn khỏi Techcombank, ABBank, DaiABank hầu hết đã nằm trong lộ trình và được thông báo trước. Tuy nhiên trường hợp cổ đông chiến lược Singapore OCBC thoái toàn bộ 14,88% cổ phần của VPBank diễn ra khá đột ngột sau 7 năm gắn bó.
Đã và sẽ còn nhiều vụ rút vốn khác
Ngoài các thương vụ lớn trên thì năm 2013 cũng chứng kiến nhiều cuộc chia tay của các đại gia ngân hàng. Điển hình như gia đình ông Đặng Thành Tâm rút vốn khỏi Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank); nhóm các cổ đông cũ của Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank) bán gần 85% vốn cho Tập đoàn Thiên Thanh (mua 9,67%) và 20 nhà đầu tư khác (số còn lại); Sacombank bán cổ phần của cha con ông Đặng Văn Thành để cấn trừ nợ…
Đó chỉ là những vụ giao dịch công khai, theo giới quan sát thì có thể còn nhiều hơn nữa các vụ chuyển nhượng hoặc rút vốn khỏi ngân hàng một cách âm thầm hoặc không thuộc diện phải công bố thông tin, chẳng hạn như các lệnh thỏa thuận cổ phiếu ngân hàng khổng lồ ở một vài cổ phiếu trên sàn trong năm qua.
Thời gian tới, dự đoán những thương vụ như năm 2013 sẽ tiếp tục diễn ra, đặc biệt là sự ra đi của nhóm các đại gia ngân hàng là tập đoàn, tổng công ty.
Một trong những cái tên có thể kể đến tiếp theo là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại OceanBank. Hiện tại PVN sở hữu khoảng 80 triệu cổ phần tương đương 20% vốn của OceanBank. Hồi tháng 10, lãnh đạo PVN đã lên tiếng rằng Tập đoàn và các đơn vị thành viên đang rốt ráo thoái vốn ngoài ngành, riêng với OceanBank dù đã lên kế hoạch từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa kiếm tìm được đối tác.
Ngoài ra, những tập đoàn, tổng công ty cũng sẽ phải rút khỏi ngân hàng trong thời gian tới như Tập đoàn Dệt may (Vinatex) tại Navibank; Tập đoàn Than Khoáng sản VN (Vinacomin) tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB); Tập đoàn Bảo Việt tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN (VNPT) khỏi Ngân hàng Hàng Hải (Maritimebank).
Nguyễn Hằng