Ít ai biết những đôi giày hiệu như Reebook, Puma, Keds, Burberry... bán khắp thế giới lại được gia công tại Việt Nam. Cũng ít ai biết đến Đông Hưng Group- doanh nghiệp da giày lớn với kim ngạch xuất khẩu gần trăm triệu USD.
* Thưa ông, những đôi giày có thể nói gì được về con người ông, từ những ngày lăn lộn khởi nghiệp kiếm sống đến việc tạo lập nên một doanh nghiệp (DN) da giày lớn như hiện nay?
Ông Hà Duy Hưng: Như mọi DN khởi nghiệp cách đây 20 năm, không thị trường, không kinh nghiệm quản trị, không vốn liếng... nên tất cả đối với tôi cũng là một sự tình cờ. Thời đó, muốn có một đôi giày đẹp thì nhiều khi có tiền cũng không mua được.
Tôi chỉ nghĩ, khi đã khan hiếm như vậy thì ai sản xuất được là chắc thắng. Nhưng ngay từ đầu, tôi nhận thấy những đôi giày dép như một thứ thời trang.
Nghĩa là nhu cầu về thời trang luôn ổn định so với một số ngành kinh doanh khác. Nhưng đã là thời trang thì phải luôn tinh tế và thường xuyên thay đổi. Sau 20 năm trong nghề, tôi vẫn thấy những suy nghĩ này là đúng.
* Nhưng khởi nghiệp cách đây 20 năm không phải là dễ dàng, ngay cả đối với ngành thâm dụng lao động giản đơn như da giày?
- Có thể nói, xuất phát điểm của thời kỳ mở cửa vào đầu những năm 1990, ngành da giày Việt Nam chưa có gì cả, gần như là con số 0. Lúc này, sự du nhập của một số DN Hàn Quốc, Đài Loan vào Việt Nam đầu tư ngành da giày mới mở đầu cho sự phát triển ngành công nghiệp da giày Việt Nam.
Từ thiết bị, đội ngũ quản lý, vật tư, nguyên liệu... dần được họ đưa vào Việt Nam. Chúng tôi đã bắt đầu từ hình thức gia công, từng bước học tập kỹ thuật, quản lý, cũng như những tích lũy về vốn, đào tạo nguồn nhân lực... để hoàn thiện đội ngũ, năng lực cho DN.
Đến nay, Đông Hưng đã và đang cố gắng làm chủ công nghệ trong toàn bộ quy trình sản xuất, chủ động thiết kế mẫu mã và nội địa hóa hơn 90% sản phẩm giày xuất khẩu, đạt kim ngạch xuất khẩu gần 100 triệu USD.
* Đông Hưng đã tìm được đơn hàng như thế nào khi vào giai đoạn đó, các DN Hàn Quốc, Đài Loan đang chiếm ưu thế?
- Năm 2004, chúng tôi tách ra làm riêng, khách hàng đầu tiên là Công ty Garvalin (Tây Ban Nha). Trước đây, họ cũng ưu tiên tìm kiếm các DN Hàn Quốc, Đài Loan có mặt tại Việt Nam, nhưng sau đó họ tìm đến Đông Hưng, mãi đến nay mối quan hệ giữa hai đơn vị vẫn tốt.
Thực ra Garvalin đặt rất nhiều đơn vị gia công nhưng do yêu cầu kỹ thuật rất cao, không phải DN nào cũng làm được. Còn nói về giá thì DN Đài Loan, Hàn Quốc có giá bán cao hơn DN Việt Nam do chi phí họ bỏ cho đầu tư, chuyên gia, quản lý cao...
Vì thế, nếu như DN Việt Nam làm được sản phẩm tương tư, đáp ứng được các yếu tố về chất lượng, thời gian giao hàng, giá cả tốt thì không lý do gì khách hàng không chọn hàng đối tác Việt Nam. Bởi dù sao làm việc trực tiếp với người bản xứ cũng tốt hơn.
* Lợi thế của ông là giá nhưng các DN Pouchen (Đài Loan) hay Taekwang (Hàn Quốc) vào Việt Nam cùng lúc phát triển 5 - 6 nhà máy, xây dựng hệ thống sản xuất, phân phối xuyên quốc gia một cách khép kín, giúp tiết giảm chi phí... Liệu rằng DN Việt Nam như Đông Hưng có duy trì được sức cạnh tranh và tiếp cận với những khách hàng lớn mang tầm quốc tế?
- Nếu có sự phát triển đồng bộ giữa các ngành liên quan như công nghiệp phụ trợ, dệt, chăn nuôi, công nghiệp thuộc da, thậm chí các nguyên liệu liên quan đến giày... thì không còn gì để bàn.
Nhưng hiện nay, ngành da giày chỉ có vài ba DN có tầm cỡ, chỉ có thể chấp nhận được mức giá để tồn tại, nhưng chưa đủ để cạnh tranh ở quy mô thị trường quốc tế.
Do chưa có một ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, nên tỷ lệ nội địa hóa trong một sản phẩm giày xuất khẩu của Việt Nam hiện nay còn rất khiêm tốn, khoảng 40 - 50%. Điều này dẫn tới yếu tố chuỗi giá trị gia tăng trong sản phẩm giày xuất khẩu rất thấp.
Trong khi đó, nói về lãi suất ngân hàng, chỉ riêng tại Hàn Quốc, lãi suất rất thấp, gần như bằng không... Riêng vấn đề vốn cũng đủ cho thấy để giải quyết bài toán cạnh tranh và quy mô không còn phụ thuộc vào ý chí và năng lực của bản thân DN.
- Nhà xưởng hiện tại với diện tích 120.000m2, 22 dây chuyền sản xuất giày vải, giày trẻ em và giày thể thao tại quận Thủ Đức, TP.HCM và TX.Dĩ An (Bình Dương) với 12 nhãn hàng giày ngoại đang hợp tác cùng Đông Hưng như: Reebook, Puma, Keds, Burberry... mỗi nhãn hàng chiếm từ 10% - 15% thị phần xuất khẩu của DN.
- Năm 1992 từ một xưởng giày nhỏ với hơn 300 lao động. - Năm 1993 thành lập Công ty TNHH TM DV SX Hiệp Trí - Năm 1994 thành lập Công ty TNHH TM DV SX Duy Hưng - Năm 2007 thành lập Công ty Cổ phần Công nghiệp Đông Hưng - Cuối năm 2012, Đông Hưng Group chính thức được hợp nhất từ 3 đơn vị Hiệp Trí, Duy Hưng và Đông Hưng với hơn 10.000 lao động. - Nhà xưởng hiện tại với diện tích 120.000m2, 22 dây chuyền sản xuất giày vải, giày trẻ em và giày thể thao tại quận Thủ Đức, TP.HCM và TX.Dĩ An (Bình Dương) với 12 nhãn hàng giày ngoại đang hợp tác cùng Đông Hưng như: Reebook, Puma, Keds, Burberry... mỗi nhãn hàng chiếm từ 10% - 15% thị phần xuất khẩu của DN. dáng của chữ hay hộp đều có thể thay đổi. |
*
Ông thấy tình trạng "công nghiệp đạp máy khâu" của ngành da giày có giống dệt may hiện nay?
- Về tiềm năng, các DN Việt Nam không hề thua kém DN các nước, nhưng với điều kiện như hiện nay thì rất khó để phát triển. Chẳng hạn, DN muốn thiết kế một sản phẩm thì phải có sẵn nguyên liệu. Ở Trung Quốc, họ có những DN sản xuất nguyên liệu phục vụ đầy đủ cho ngành da giày. Còn ở Việt Nam hầu hết nguyên phụ liệu đều nhập khẩu.
* Ông có nghĩ rằng cần có những đơn vị đầu ngành chẳng hạn như Đông Hưng, Giày Việt hay Thái Bình đứng ra tác động với Chính phủ để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ liên quan đến hỗ trợ cho ngành da giày phát triển hơn?
- Nói thì nói dễ nhưng khi làm thì khó. Ví dụ, muốn làm một cái máy thì ít ra ngành cơ khí phải phát triển, phải có luyện kim, sau đó đến điện tử, tin học... phát triển.
Đất nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng ngành cơ khí nhìn lại hầu như chẳng có gì.
DN làm ra một sản phẩm chất lượng cao, nhưng tính ra giá thành cao hơn nhập khẩu, vậy làm sao đầu tư? Sắp tới, thuế suất nhập khẩu gần như bằng không, sản phẩm mình làm ra đắt hơn thì làm sao cạnh tranh?
Đóng góp của các DN trong nước vào kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày chỉ ở mức 30 -35%, trong đó có tới 70% DN làm gia công là chính.
Do vậy, tuy đạt mức tăng trưởng cao nhưng trên thực tế, phần lớn "miếng bánh" của ngành da giày đang thuộc về các doanh nghiệp FDI.
* Năm 2013, ngành da giày đặt mục tiêu xuất khẩu 9,7 tỷ USD. Không lẽ, trong một thị trường lớn như vậy, DN da giày Việt Nam lại quay về mô hình kinh doanh của ngành điện tử là nhập và bán?
- Tôi nghĩ rằng viễn cảnh như ngành điện tử chắc cũng có thể xảy ra. Giai đoạn năm 1965, Việt Nam có tivi để xem, năm 1968 - 1969, đã có đầu tư lắp ráp điện tử. Tôi nhớ không nhầm thì giai đoạn đó Sanyo đã vào Việt Nam, phát triển rất mạnh trong vòng 5 - 6 năm sau đó.
Thế nhưng, sau gần mấy chục năm, ngành điện tử của Việt Nam vẫn là lắp ráp, không sản xuất phụ kiện được, thậm chí một điện trở cũng làm không nổi, bắt buộc phải phụ thuộc linh kiện, phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài...
Đông Hưng đang phát triển thị trường nội địa, nhưng một đôi giày có giá thành 200.000 đồng, để cho tồn tại và phát triển được, DN phải bán 300.000 đồng/đôi.
Thế nhưng, hàng Trung Quốc tồn kho đưa sang Việt Nam chỉ bán với giá 50.000 đồng/đôi. Nếu như không có bảo hộ hàng trong nước, trong tình thế như hiện nay thì DN da giày Việt Nam coi như... chết ngắt!
* Lăn lộn với nghề hơn 20 năm, hẳn ông có kế gì để khắc phục tình trạng này?
- Nói về cách khắc phục thì lớn lắm, vì đòi hỏi ở tầm vĩ mô và cái nhìn tổng thể mới làm được chứ riêng một vài DN thì không thể bàn đến chuyện khắc phục hay thay đổi. Chỉ dám đề xuất một điều là các nhà quản lý hãy coi sự sống chết của doanh nghiệp DN là trách nhiệm của mình!
* Được biết, Đông Hưng đã xuất được khoảng 2,5 triệu đôi giày, trị giá 15 triệu USD trong gần ba tháng đầu năm 2013. Như vậy xem ra thị trường xuất khẩu vẫn ổn hơn là thị trường nội địa?
- Có lẽ đúng ở thời điểm hiện tại nhưng về lâu dài, DN phải cơ cấu lại cách làm. Thứ nhất vẫn gia công để giữ ổn định và tích lũy về đơn hàng, thậm chí là nguồn nhân lực.
Thứ hai, tự sản xuất, xuất khẩu, lấy cơ bản đó làm nền. Thứ ba mới phát triển nội địa. Quá trình này đòi hỏi không phải vài năm, mà có thể rất lâu dài. Đông Hưng cũng đang đi theo cách làm này.
Tại TP.HCM, chúng tôi đã có đội ngũ thiết kế, phát triển sản phẩm và chịu trách nhiệm marketing tại thị trường nội địa với hai thương hiệu Ananas giá trung bình và Tergo giày cao cấp hơn với 700.000 - 800.000 đồng/đôi bán qua các đại lý.
Đông Hưng cũng sẽ đầu tư thêm một nhà máy sản xuất Hà Gia ở Đồng Nai và đưa vào khai thác tại siêu thị CO.OP XTRA tại quận Thủ Đức, TP.HCM.
* Cũng như dệt may, nhiều DN da giày cũng đang trở lại với thị trường nội địa với thương hiệu riêng. Ông có tự tin vào Ananas và Tergo?
- Với mức thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/tháng, đại đa số người tiêu dùng sẽ dễ dàng chấp nhận và lựa chọn những đôi giày có mức giá khoảng từ 300.000 - 500.000 đồng/đôi.
Trong khi đó, với mức thu nhập cao hơn, khoảng 15 triệu đồng/tháng thì họ có thể lựa chọn sản phẩm tầm trên dưới 1 triệu đồng/đôi. Vì thế, trước mắt Đông Hưng chỉ tập trung vào hai phân khúc khác hàng này.
Còn cao hơn nữa thì để cho những thương hiệu khác, lựa chọn khác. Mặc dù thì trường còn lớn nhưng kỳ vọng tiêu thụ 1 triệu đôi giày/năm cho thị trường nội địa cũng đã là quá tốt cho Đông Hưng.
Chúng tôi tin khi đã đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cho những thị trường khó tính nhất thì Đông Hưng cũng sẽ làm hài lòng người tiêu dùng trong nước.
Nếu như xuất khẩu phải dựa vào tên của người khác thì khi sản xuất hàng cho thị trường nội địa, bạn đang kinh doanh bằng chính tên tuổi của mình. Đó sẽ là điều khó khăn nhất nhưng cũng khiến bạn quyết tâm nhất.
* Xin cảm ơn ông và chúc ông sớm thành công ở thị trường nội địa!
Theo Phan Lê