Có được Beeline: Việt Nam không tốn chi phí, bên đối tác mất 90% vốn
Vimpelcom rót 500 triệu USD vào Beeline nhưng chỉ rút về được 45 triệu USD
- 18-09-2012Gtel Mobile: Không hề từ bỏ mục tiêu là nhà mạng thứ 4
- 12-09-201223/10/2012, Gtel Mobile hết hạn sử dụng thương hiệu Beeline
- 08-09-2012Gtel Mobile sắp công bố thương hiệu thay thế Beeline
Ông Nguyễn Văn Dư, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Viễn thông Di động Toàn cầu (Gtel Mobile), cho biết như vậy khi trao đổi với VnEconomy về quá trình xây dựng và phát triển mạng di động Beeline Việt Nam trước kia, nay là Gmobile.
Ông có thể cho biết vì sao tập đoàn VimpelCom (Nga) lại rút vốn khỏi liên doanh?
Năm 2008, với sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an thành lập liên doanh công ty cổ phần, có vốn đầu tư nước ngoài từ tập đoàn VimpelCom. Theo thỏa thuận ban đầu, phía đối tác Việt Nam đóng góp vốn vào liên doanh bằng giá trị thương quyền sử dụng giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông di động, trị giá 400 triệu USD, chiếm 60% cổ phần. Trong khi đó, phía nước ngoài đóng góp bằng tiền mặt, chiếm 40% cổ phần, tương đương 267 triệu USD.
Sau khi đầu tư hết giai đoạn 1, liên doanh tiếp tục có nhu cầu huy động vốn và các cổ đông đã tiến hành tìm nguồn vốn bổ sung cho doanh nghiệp. Sau một thời gian đàm phán, phía nước ngoài tăng thêm thêm 9% cổ phần, tương đương 196 triệu USD. Tổng vốn phía nước ngoài đầu tư vào liên doanh đến tháng 4/2011 là 463 triệu USD. Nếu kể cả các chi phí thuê tư vấn và chi phí trực tiếp cho đội ngũ chuyên gia của VimpelCom làm việc bên cạnh liên doanh thì tổng đầu tư khoảng 500 triệu USD.
Đến thời điểm phía đối tác nước ngoài rút khỏi liên doanh, Gtel Mobile đã xây dựng được 3 trung tâm kỹ thuật hiện đại, công nghệ tiên tiến và hoàn thiện mạng lưới với hơn 3.000 trạm BTS, cung cấp dịch vụ trên 51 tỉnh thành.
Nhìn tổng quát lại, tuy việc rút khỏi liên doanh của đối tác nước ngoài là đáng tiếc, nhưng phía Việt Nam cũng đã chủ động đề phòng các tình huống khó khăn về vốn ngay khi thành lập liên doanh, làm chủ trong quản trị doanh nghiệp, không để xảy ra các rủi ro pháp lý, cũng như không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư nước ngoài và quan hệ đối ngoại của đất nước.Ông Nguyễn Văn Dư
Về lý do phía bạn rút thì do nhiều yếu tố tác động, trong đó 4 vấn đề chính.
Thứ nhất, chính sách Việt Nam không cho phép phía nước ngoài sở hữu cổ phần đa số trong liên doanh. Trong khi phía đối tác nhận thấy họ đã đổ vào khoảng nửa tỷ USD nhưng lại không được chủ động như ý muốn.
Thứ hai, đó là bối cảnh năm 2011, khủng hoảng tài chính lan rộng khắp châu Âu. Giá cổ phiếu công ty mẹ đi xuống, nên họ cũng khó khăn trong huy động vốn.
Thứ ba, do việc tái cơ cấu chiến lược hoạt động kinh doanh của công ty mẹ là tập trung vào thị trường có khả năng doanh thu và mang lại lợi nhuận cao, trong khi thị trường viễn thông Việt Nam đang cạnh tranh khốc liệt.
Và cuối cùng là tần số Gtel Mobile được cấp không đủ cạnh tranh với các nhà mạng khác. Chúng tôi chỉ có băng tần 1.800 MHz, trong khi các nhà mạng khác có đủ băng tần 900 MHz, 1.800 MHz và băng tần 3G.
Nhìn tổng quát lại, tuy việc rút khỏi liên doanh của đối tác nước ngoài là đáng tiếc, nhưng phía Việt Nam cũng đã chủ động đề phòng các tình huống khó khăn về vốn ngay khi thành lập liên doanh, làm chủ trong quản trị doanh nghiệp, không để xảy ra các rủi ro pháp lý, cũng như không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư nước ngoài và quan hệ đối ngoại của đất nước.
Quan trọng hơn là, Gtel Mobile đã thực hiện thành công chỉ đạo của Thủ tướng, đó là phía Việt Nam không được bỏ tiền mặt đầu tư và liên doanh trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Đến ngày hôm nay, chúng tôi vẫn chưa sử dụng một đồng vốn nào của Nhà nước mà đã có tài sản giá trị lớn và đóng góp vào ngân sách hàng trăm tỉ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động. Đó là thành công mà tôi nghĩ không phải doanh nghiệp FDI nào cũng làm được, đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông.
Vậy, 45 triệu USD trả cho phía VimpelCom để mua lại 49% cổ phần là tiền từ nguồn nào, thưa ông?
Đó là số tiền còn lại trong khoản 196 triệu USD của lần tăng vốn đợt 2, khi phía đối tác mua thêm 9% cổ phần của liên doanh. Phần còn lại, công ty đã sử dụng để trả các khoản nợ trong giai đoạn còn liên doanh và tối ưu để tiếp tục đầu tư triển khai phát triển mạng, ra mắt thương hiệu mới…, cùng các hoạt động khác trong suốt hơn nửa năm vừa qua.
Nếu vậy thì tài sản bây giờ gần như Gtel không phải khấu hao, vì không phải bỏ vốn?
Cái đó là về nguyên tắc, còn về phần công ty vẫn phải hạch toán theo các quy định tài chính kế toán. Thực tế, sau khi phía đối tác rút khỏi liên doanh, về mặt dòng tiền, công ty thâm hụt khoảng 8 tỷ đồng. Ban lãnh đạo mới của công ty đã mạnh tay tái cơ cấu các khoản nợ, tinh giảm nhân sự để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Thực tế chỉ sau hai tháng tái cơ cấu, phần chi phí cố định đã giảm một nửa trong khi hiệu quả làm việc được duy trì và phát huy tốt hơn. Hiện nay, Gtel Mobile có tổng tài sản cố định là 5.000 tỷ đồng, chủ yếu là thiết bị mạng lưới.
Kết quả kinh doanh bước đầu của Gtel Mobile như thế nào kể từ sau khi phía nước ngoài rút khỏi liên doanh, thưa ông?
Kết quả kinh doanh bước đầu đã có phát triển đáng khích lệ và tốt hơn kể từ khi phía Việt Nam vào trực tiếp điều hành doanh nghiệp. Doanh thu của năm 2012 gấp hơn hai lần năm trước, hiệu quả kinh doanh khá tốt. Trong những tuần cuối của tháng 12 vừa qua, các chỉ tiêu doanh thu, giá trị top-up của thuê bao và lưu lượng thoại đều đạt kỷ lục kể từ khi Gtel Mobile cung cấp dịch vụ đến nay. Tôi nghĩ, điều này chứng tỏ Gmobile đang đi đúng hướng.
Trong khi đó, giai đoạn còn liên doanh Beeline, do triển khai ồ ạt, tập trung làm thương hiệu và chưa chú trọng đến hiệu quả nên hiệu quả kinh doanh thấp, lỗ rất lớn.
Sau khi phía Việt Nam tiếp quản điều hành, đã điều chỉnh chiến lược kinh doanh, đề cao tính hiệu quả, hiện nay công ty đã gần đạt điểm cân bằng thu chi; dòng tiền vẫn đảm bảo cho công ty hoạt động lành mạnh, quyền lợi người lao động được đảm bảo, mức lương tương đối cao; năm 2012 vẫn đảm bảo có lương tháng 13.
Hiện đã có đánh giá từ Chính phủ, Bộ Công an về mô hình liên doanh vừa qua chưa, thưa ông?
Theo như chúng tôi biết, Chính phủ đánh giá đây là một trong các liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài mà phía Việt Nam đã bảo toàn không mất vốn nhà nước và tiếp thu, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài. Một điều được đánh giá cao là dù phía đối tác nước ngoài đầu tư kinh doanh không thành công, nhưng khi rút khỏi liên doanh các bên vẫn duy trì tình cảm bạn bè, không có bất cứ vấn đề tranh cãi hay phức tạp về pháp lý xảy ra mặc dù phía bạn đã đầu tư vào liên doanh số tiền rất lớn.
Sau khi phía bạn rút khỏi liên doanh, hai bên vẫn giữ mối quan hệ thân thiện, khi Gtel Moblie khai trương thương hiệu mới, bạn gửi thư chúc mừng và cam kết hỗ trợ nếu có yêu cầu. Trên thực tế, những gì có thể hỗ trợ được thì bạn vẫn giúp.
Bên cạnh việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trên cơ sở chia sẻ hạ tầng mạng lưới, Gtel Mobile cũng sẽ tiếp tục xây dựng đề án tái cấu trúc trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông...Ông Nguyễn Văn Dư
Cái được thứ hai của liên doanh là được thừa hưởng toàn bộ tổng tài sản khoảng 5.000 tỷ đồng, chủ yếu nằm trên thiết bị mạng lưới mà Gtel Mobile đã mua của các hãng nổi tiếng thế giới. Do VimpelCom có nhiều kinh nghiệm nên phần đầu tư công nghệ là rất bài bản. Cái được nữa là đội ngũ nhân lực chất lượng cao, hệ thống quản lý bài bản và chuyên nghiệp.
Với tất cả những yếu tố đó, Gtel Mobile đã kế thừa, phát huy và sáng tạo, năng động trong quản lý điều hành doanh nghiệp với khẩu hiệu “Nghĩ mới, làm mới”, được minh chứng bằng chính các kết quả hoạt động kinh doanh khá tốt trong giai đoạn vừa qua.
Nhưng trong bối cảnh các mạng di động nhỏ vẫn phải chật vật trước sức mạnh của các "ông lớn", Gmobile sẽ có chiến lược gì cạnh tranh với thị trường, và liệu các ông có nghĩ đến phương án sáp nhập với một mạng di động nào đấy hay không để phát triển mạnh hơn?
Gtel Mobile là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Bộ Công an sở hữu, mục tiêu hoạt động kinh doanh trước hết là phải bảo toàn vốn nhà nước phù hợp với mục tiêu thành lập doanh nghiệp, duy trì hoạt động và phát triển.
Về đảm bảo tiếp tục duy trì cạnh tranh trên thị trường, chúng tôi đã báo cáo với Bộ Công an có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông để phân bổ lại băng tần, cấp thêm tài nguyên cho Gtel Mobile. Trong khi chờ cấu trúc lại băng tần, Gtel Mobile đã đề xuất và được Chính phủ, tập đoàn VNPT đồng ý để Gtel Mobile sử dụng chung hạ tầng mạng lưới với VNPT.
Hiện nay, giữa Gtel Mobile và VNPT đã có thỏa thuận nguyên tắc về sử dụng chung hạ tầng, các bên chuẩn bị ký kết thỏa thuận chính thức.
Bên cạnh việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trên cơ sở chia sẻ hạ tầng mạng lưới, Gtel Mobile cũng sẽ tiếp tục xây dựng đề án tái cấu trúc trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông...
Gtel đã xác định phải chủ động triển khai phương án kinh doanh phù hợp để duy trì tồn tại trước mắt cũng như phát triển lâu dài. Chúng tôi tin là sẽ vượt qua khó khăn trước mắt và tiếp tục phát triển.
Theo Duy Cường - Việt Yên
Vneconomy