Cơ hội lột xác của Vocarimex
Với việc bán thành công cổ phần lần đầu ra công chúng vừa qua, cơ hội để ông lớn trong ngành dầu thực vật Vocarimex thực sự lột xác đã xuất hiện.
- 18-07-2014Thị trường dầu ăn: Nhiệt tăng dần
- 30-06-2014Thương vụ dầu ăn của Kinh Đô: Mua 24% cổ phần Vocarimex
- 23-06-2014Dầu ăn nhập khẩu kêu cứu vì thuế
- 12-06-2014Vocarimex chỉ còn chi phối duy nhất Dầu ăn Tường An
Lớn nhờ các công ty con
Trước khi tiến hành xác định giá trị để cổ phần hóa, Vocarimex có vốn điều lệ là 674,533 tỷ đồng (năm 2008). Còn trong lần xác định lại vốn điều lệ mới đây để chuẩn bị cổ phần hóa thì vốn điều lệ của Vocarimex đã tăng gấp gần 2 lần, đạt 1.218 tỷ đồng.
Ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà Vocarimex góp vốn là Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (Calofic), Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè, Công ty TNHH Mỹ phẩm LG Vina và Công ty Cổ phần Bao bì Dầu thực vật thì cũng chỉ duy nhất Calofic có thị phần lớn trên thị trường dầu ăn. Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành dầu thực vật, Calofic hiện nay đang chiếm khoảng 70% thị phần trên thị trường dầu ăn tại Việt Nam với các nhãn hiệu như: Neptune, Meizan, Cái Lân, Simply… và cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.
Hiện nay, việc rút toàn bộ vốn của phía Việt Nam tại Calofic cũng đã được Bộ Công Thương thông qua mà bước đầu tiên là bán bớt 8% cổ phần đã được thực hiện trong quý 1 năm nay. Với vốn điều lệ là 694 tỷ đồng, hiện tại tỷ lệ cổ phần mà Vocarimex còn nắm giữ tại Calofic chỉ còn là 24%.
Nếu Vocarimex bán toàn bộ cổ phần tại Calofic thì thương hiệu này sẽ trở thành đối thủ nặng ký nhất của Vocarimex trên thị trường. Năm 2012, doanh thu của Calofic đạt hơn 10.000 tỷ đồng, con số này lớn hơn nhiều so với doanh thu mà doanh nghiệp lớn thứ 2 trong ngành dầu thực vật là Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An (TAC) đạt được.
Tuy nhiên, TAC cùng với Công ty cổ phần Dầu thực vật Tân Bình, Công ty cổ phần Trích ly Dầu thực vật và Công ty cổ phần Thương mại Dầu thực vật là 4 công ty con của Vocarimex. Năm 2013, doanh thu của TAC là hơn 4.300 tỷ đồng. Hiện tại Vocarimex chiếm 51% trong số vốn điều lệ 189 tỷ đồng của TAC.
Như vậy, trong tổng số doanh thu và lợi nhuận của Vocarimex thì có tới 95% là nhờ vào kinh doanh dầu xá (nguyên liệu để chế biến ra các thành phẩm dầu tinh luyện) bán cho các công ty con. Năm 2013, doanh thu dầu xá của Vocarimex là 3.951 tỷ đồng thì có tới 2.876 tỷ đồng là bán cho Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An (TAC).
Còn nhớ hồi năm 2008, mâu thuẫn giữa TAC và Vocarimex đã lên tới đỉnh điểm khi Tổng giám đốc của TAC (không phải là người của Vocarimex đề cử) đã làm lợi lớn cho TAC và được các cổ đông khác rất hoan nghênh vì chủ động được nguồn nguyên liệu dầu xá đầu vào mà không phụ thuộc vào Vocarimex. Tuy nhiên, sau đó vị tổng giám đốc này đã không tiếp tục nhận được sự phê chuẩn nhân sự của Hội đồng cổ đông TAC, khi 3 đại diện cho Vocarimex (chiếm 51% vốn điều lệ) đã không bỏ phiếu đồng ý.
Trong khi đó, kinh doanh dầu chai với nhãn hiệu riêng là Voca chỉ chiếm tỷ trọng 3% tổng doanh thu của Vocarimex với mức từ 102 – 155 tỷ đồng trong giai đoạn từ 2011-2013. Thực tế cho thấy, nếu không bán dầu xá cho các công ty con thuộc hệ thống của mình (Vocarimex đang nắm quyền phủ quyết với 51% vốn điều lệ tại các đơn vị này) hoặc có lợi nhuận được chia lớn từ Calofic thì việc Vocarimex tự đứng trên nhãn hiệu Voca của riêng mình cũng không phải là dễ dàng.
Chân dung các đối tác chiến lược mới
Công ty cổ phần Kinh Đô (KDC) và Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) là 2 đối tác chiến lược được chọn khi Vocarimex cổ phần hóa. Theo quyết định 5318/QĐ-BCT của Bộ Công Thương, hai đối tác này sẽ mua tổng cộng 32% cổ phần của Vocarimex, trong đó KDC mua 24%. Các đối tác chiến lược phải cam kết không chuyển nhượng cổ phần trong vòng 5 năm.
Nếu như sự có mặt của VPBS – một tổ chức tài chính – tại Vocarimex với tư cách là cổ đông chiến lược nắm 8% vốn điều lệ không gây được nhiều chú ý thì KDC lại khác hẳn. KDC hiện nay hoạt động trong lĩnh vực chế biến công nghiệp thực phẩm với các sản phẩm đầu ra là bánh kẹo, kem, sữa các loại và có thêm lĩnh vực bất động sản. Với những mặt hàng rất đặc trưng của ngành công nghiệp thực phẩm, việc KDC trở thành cổ đông chiến lược của một doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu ăn được xem là bước đầu tư bài bản và chuyên sâu, bởi dầu ăn là nguyên liệu đầu vào cần thiết cho quá trình sản xuất thực phẩm.
Nếu nhìn vào danh mục các doanh nghiệp con của KDC hay có liên kết với KDC hiện nay sẽ thấy rõ, sản xuất dầu ăn là một lĩnh vực hoàn toàn mới nhưng có mối liên quan mật thiết. Vocarimex là một tổng công ty có nhà máy trực tiếp sản xuất chứ không đơn thuần chỉ bao gồm bộ máy hành chính quản lý các doanh nghiệp thành viên và công ty liên kết mà mình góp cổ phần. Đây có lẽ là ưu điểm chính để một đơn vị sản xuất dày dạn kinh nghiệm như KDC quyết định “kết duyên”.
Theo cáo bạch của Vocarimex, đặc thù của lĩnh vực sản xuất kinh doanh này là giá vốn hàng bán luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh, do vậy, kết quả hoạt động kinh doanh của Vocarimex phụ thuộc nhiều vào sự biến động của giá nguyên liệu đầu vào và tỷ giá USD/VND vì hầu hết nguyên vật liệu được nhập khẩu từ nước ngoài.
Đáng chú ý là KDC tuy chỉ nắm 24% vốn điều lệ của Vocarimex, nhưng hoàn toàn có thể có tiếng nói quyết định tại Vocarimex, bởi còn có 31,12% vốn điều lệ của Vocarimex vừa được bán đấu giá công khai và 8% vốn điều lệ do VPBS nắm giữ, nếu các nhà đầu tư này tin tưởng giao cho KDC quyền biểu quyết.
Chính vì thế việc bán được hết số cổ phần cho các nhà đầu từ sẽ mang lại cơ hội để Vocarimex thực sự lột xác một cách ngoạn mục.
>> Thị trường dầu ăn: Gà nhà cắn nhau, cáo hưởng lợi
Theo Kiến Giang