Doanh nghiệp 1 phòng trọ, 1 nhân viên
Cắt giảm triệt để, nhiều công ty hiện nay chỉ còn một nhân viên và thu hẹp tối đa chỉ thuê một phòng chừng vài chục mét vuông.
Sếp kiêm đủ thứ
Anh Thắng, giám đốc một công ty cổ phần đang tìm người chia sẻ văn phòng tại Đê La Thành. Hiện tại, cả văn phòng rộng hơn 30m2, chỉ mình anh ngồi chính vì thế anh muốn tìm thêm những doanh nghiệp đang hoạt động như cầm chừng như công ty anh thuê chung để giảm chi phí văn phòng hàng tháng.
Anh cho thuê thêm 2 chiếc bàn với giá 3,5 triệu đồng/tháng, miễn phí các tiện ích chung như điện, nước, wifi và sử dụng chung phòng họp, phòng tiếp khách. Tuy nhiên, không có hóa đơn và khách thuê phải đóng tiền theo quý.
Tình hình kinh tế khó khăn khiến cho hoạt động doanh nghiệp cũng bị đình đốn, không ít doanh nghiệp đang đứng bên bờ vực của sự phá sản. Chính vì thế, những doanh nghiệp đang hoạt động lay lắt buộc phải thu hẹp hoạt động, trong đó có cắt giảm chi tiêu từ việc cho thuê lại diện tích văn phòng trống.
Trước đây, công ty kiến trúc của anh Thắng tới 20 nhân viên nhưng đến thời điểm này chỉ còn mỗi anh kiêm các vị trí. Anh đã thu hẹp diện tích văn phòng từ một biệt thự hơn 100m2 ở Mỹ Đình chuyển về đây, giờ anh đang phải tìm thêm đối tác chia sẻ bớt kinh phí thuê văn phòng.
Anh Thắng chia sẻ, công ty vẫn hoạt động bình thường chỉ tội không có nhân viên. Để tồn tại, anh thực hiện chiến dịch cắt giảm mọi chi phí, mỗi khi có việc anh thuê lại các kiến trúc sư bên ngoài cũng như sinh viên để không mất một khoản lương hàng tháng.
Tương tự như công ty anh Thắng, công ty truyền thông ở Trung Hòa Nhân Chính cũng chỉ còn lại duy nhất giám đốc. Nợ lương kéo dài, nhân viên đua nhau nghỉ việc hàng loạt, tuy nhiên, chị Hương, giám đốc công ty cũng không dám làm thủ tục giải thể lúc này. Một phần vì uy tín, điều quan trọng là phải thực hiện các thủ tục trả nợ lương cho nhân viên cũng như nợ tiền đối tác.
Các hoạt động của công ty truyền thông này gần như ngừng hẳn. Hàng ngày, chị Hương vẫn tới văn phòng trực điện thoại và tìm kiếm các đối tác để liên kết. Hơn 60m2 văn phòng tầng 3 của một tòa nhà chỉ vẻn vẹn có mỗi mình chị. Công ty chị từ quy mô hai tầng của một ngôi nhà biệt thự, cuối năm ngoái đã tinh giảm còn một nửa, nay thì chỉ còn mỗi một phòng.
Hợp đồng thuê nhà cũng còn hơn nửa năm chính vì thế chị đang ráo riết tìm thêm các đối tác để chia sẻ diện tích trống. Tầng 2 của ngôi nhà, hiện đã có hai công ty thuê lại, tầng 1 đang làm quán café.
Chuyển nhà lên công ty
Không cho thuê lại được, một số công ty lại chuyển sang hình thức chia sẻ diện tích nhà cho nhân viên ở. Đơn cử, công ty quảng cáo ở Mỹ Đình hiện đang thuê một ngôi nhà 5 tầng làm văn phòng. Kinh tế khó khăn, thu hẹp phạm vi hoạt động công ty còn trống 3 tầng, giám đốc công ty, anh Quang đã thực hiện cắt giảm chi phí bằng việc cho bốn nhân viên chưa có gia đình thuê làm nhà ở.
Theo anh Quang, cách làm này rất hữu hiệu vì anh đã bớt tiền thuê văn phòng, trong khi đó nhân viên cũng thấy thoải mái khi công ty vừa là nhà. Mỗi tháng nhân viên không phải đóng tiền nhà, thay vào đó anh sẽ trừ vào khoản tiền lương. Anh Quang còn thực hiện triệt để tinh thần tiết kiệm bằng cách tổ chức nấu nướng ngay tại bếp công ty. Anh Quang cho biết, cách này chỉ áp dụng được với những nhân viên thân thiết, cũng như họ độc thân.
Cơ ngơi của một DN có khi chỉ gói gọn trong góc căn hộ. |
Chị Linh, giám đốc văn phòng tư vấn tâm lý ở Phương Mai, cũng buộc lòng phải dọn nhà tới công ty để ở. Công ty giờ chỉ có hai người, chi phí thuê văn phòng mỗi tháng lên tới 8 triệu đồng, chưa kể điện nước. Trong khi đó, chị vẫn đang phải ở trọ dưới Hà Đông mỗi tháng cũng mất 3 triệu đồng. Sau khi tính toán để giảm chi phí tối đa, chị đành phải khăn gói dọn nhà lên công ty để ở.
Theo chia sẻ của chị Linh, nhiều bạn bè chị dọn công ty về nhà, còn chị ngược lại. Nhà chị ở dưới Hà Đông là khu ở chung với sinh viên, không tiện giao dịch. "Trong lúc kinh tế khó khăn, tiết kiệm được gì hay cái đó. Nếu tiếp tục tình trạng kinh doanh ế ẩm, tôi cũng tính phải chuyển sang thuê cho cho đỡ tiền", chị Linh nói
Theo Duy Anh