MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hậu trường vụ Gmobile được dùng sóng VinaPhone

17-01-2013 - 10:23 AM |

Trước khi có thỏa thuận roaming giữa Gmobile và VNPT, việc tương tự đã thực hiện giữa MobiFone – VinaPhone nhưng là một “thỏa thuận anh em”.

Nguồn tin từ tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) tiết lộ, cách đây 5 năm, Gtel (công ty sở hữu Gmobile) từng có đàm phán về việc sử dụng hạ tầng di động của MobiFone – VinaPhone để thiết lập và kinh doanh mạng di động ảo. Tuy nhiên, việc đàm phán này không thành.

Sau đó, Đông Dương Telecom được cấp phép mạng di động ảo và đàm phán xong về nguyên tắc với Viettel về việc sử dụng hạ tầng di động hãng này để kinh doanh. Nhưng sau hơn 2 năm không triển khai được dịch vụ, Đông Dương Telecom đã bị thu hồi giấy phép.

Còn hiện nay, việc roaming giữa Gmobile và VinaPhone (theo thỏa thuận giữa Gtel và VNPT) là một dạng hợp tác chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Trước đó, việc roaming giữa MobiFone và VinaPhone đã thực hiện từ lâu nhưng có cùng một công ty mẹ nên bản chất không phải là một hợp đồng kinh tế đúng nghĩa.

Ẩn số phí roaming

Một lãnh đạo của VNPT cho biết, việc roaming giữa VinaPhone và MobiFone thực chất là việc hai bên hoán đổi lưu lượng cho nhau vì cả 2 doanh nghiệp đều có chung một đơn vị chủ quản.

Ban đầu, việc roaming giữa 2 bên được làm theo cách nếu MobiFone mở roaming sóng di động bao nhiêu trạm thì VinaPhone cũng làm tương ứng nhưng ở khu vực khác. Dần dần, 2 bên mở toàn bộ và đối soát lưu lượng. Tuy nhiên, do mức độ chênh lệch không đáng kể nên việc chi trả cho nhau theo hợp đồng kinh tế không thực sự cần thiết.

Còn với Gtel và VNPT, ban đầu, Gmobile dự kiến sẽ roaming với cả MobiFone và VinaPhone. Cho tới khi ký kết, việc roaming chỉ thực hiện với VinaPhone nhưng thực tế là Gmobile có thể sử dụng cả hạ tầng của MobiFone bởi mạng này có roaming với VinaPhone. Một chuyên gia về viễn thông am hiểu về roaming chia sẻ: "Bộ Thông tin và Truyền thông cũng không có quy định nào về mức phí áp dụng cho trường hợp này nên tất cả đều dựa trên thỏa thuận của 2 phía".

Trên thực tế, thỏa thuận cho phép Gmobile sử dụng hạ tầng của VinaPhone để kinh doanh thông tin di động không phải là một phương án được VNPT chào đón. Một lãnh đạo của tập đoàn này cho biết, về thực chất VNPT cũng không vui vẻ khi thực hiện thỏa thuận roaming với Gtel nhưng đây là ý kiến chỉ đạo của cấp trên nên phải làm. Bên cạnh đó, việc sử dụng hạ tầng VinaPhone có trả phí cũng đi kèm với nhiều điều kiện mang tính kỹ thuật khác không dễ giải quyết.

Hiện tại, do chưa có quy định về cước roaming và mối quan hệ giữa Gmobile và VinaPhone bất đối xứng (chỉ có Gmobile sử dụng hạ tầng của VinaPhone mà không có chiều ngược lại) nên mức phí ra sao vẫn là ẩn số. “Hiện nay, chúng tôi cũng chưa có mức cước roaming cụ thể với Gtel vì quy định của luật pháp là chưa có. Trong khi đó, việc thu với mức nào căn cứ vào chi phí đầu tư của VNPT cần phải đàm phán và xem xét cụ thể”, một đại diện VNPT tiết lộ.

Gtel nói gì?

Trong khi đó, đại diện của phía Gmobile cũng từ chối tiết lộ các thông tin cụ thể về thỏa thuận giữa Gtel (công ty mẹ) và VNPT, cũng như tác động của thỏa thuận này tới gói cước quan trọng nhất là Tỷ phú 3. Nguồn tin từ Gmobile chỉ cho biết, việc roaming với VNPT là nhằm khắc phục điểm yếu thiếu băng tần và vùng phủ sóng. "Việc các nhà mạng roaming với nhau nên được xem xét là một xu hướng tất yếu, bởi đây thực chất là mô hình chia sẻ hạ tầng, nhằm mục đích khai thác có hiệu quả hơn và tiết kiệm tài nguyên quốc gia", vị này chia sẻ.

Gmobile muốn roaming để khắc phục các điểm yếu về mạng lưới.

Dẫn chứng một số ví dụ về việc roaming của các doanh nghiệp tại các quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới, đại diện Gmobile cho biết, nhờ vào roaming, chi phí vận hành của Vodafone (một doanh nghiệp viễn thông của Anh) tại thị trường nội địa giảm 30%, tại Tây ban Nha giảm 40%. "Đây cũng là một trong những mục tiêu mà Gtel hướng tới, ngoài việc giúp mở rộng diện cung cấp dịch vụ".

Trao đổi về kết quả hoạt động năm 2012, đại diện của Gmobile cho biết phía Công ty cổ phần Viễn thông toàn cầu đã tiệm cận điểm cân bằng thu chi trong năm qua, riêng báo cáo dòng tiền vẫn đảm bảo kết quả tốt. "Thưởng Tết năm nay của nhân viên công ty là tháng lương thứ 13, ngoài ra không còn gì. Trước những biến động của công ty và những khó khăn trong năm 2012, tất cả nhân viên của Gtel đều quyết tâm cùng công ty vượt qua thời điểm quá độ này, và hướng về tương lai", vị này nói. 

Trong khi đó, tại hội nghị Chính phủ với tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, tổng công ty Viễn thông toàn cầu (Gtel) là một trong 2 đơn vị bị “bêu tên” có kết quả kinh doanh thua lỗ khi kết thúc năm tài khóa 2012.

Theo Hạ Minh - Hoàng Ly
Zing/Infonet

tanhoa

Trở lên trên