MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hết thời kinh doanh xe máy?

15-06-2014 - 09:48 AM |

Không còn cảnh tha hồ nâng giá ăn chênh lệch như trước, tình trạng ế ẩm khiến nhiều cửa hàng kinh doanh xe máy thu không đủ bù chi, thậm chí phải đóng cửa hoặc sang tiệm để tránh bị lỗ thêm.

Dù các nhà sản xuất liên tục tung ra xe mới, giảm giá bán, còn cửa hàng bán xe thì không còn kê giá để kiếm thêm nhưng cũng ít có khách mua.

Xem nhiều hơn mua

Khoảng 18g30 một ngày giữa tháng 6-2014, sau một hồi xem xét kỹ lưỡng các xe tại cửa hàng bán xe và dịch vụ do Honda ủy nhiệm (HEAD) Phát Tiến 4 (Q.4, TP.HCM), anh Hải (Q.4) rút điện thoại ra chụp ảnh xe SH 125 và Air Blade. Trước khi ra về, anh Hải quay lại nói với vẻ phân bua: “Tôi đang lấn cấn giữa xe Air Blade và SH nên chụp ảnh về bàn thêm với bà xã”.

Tương tự, sau khi săm soi chiếc Air Blade đỏ đậm có remote, giá 45,8 triệu đồng (bao giấy tờ), dù trông có vẻ ưng ý nhưng chị Huệ thừa nhận chỉ đi xem trước chứ chưa đủ tiền mua. Trước khi ra về, chị Huệ hỏi anh nhân viên kinh doanh đang cười niềm nở săn đón: “Có bớt không, tôi mới chuẩn bị được 43 triệu đồng thôi”, nhưng anh nhân viên nhẹ nhàng cho biết: “Dạ đây là giá chuẩn rồi, mong chị thông cảm”.

Ông Nguyễn Tuấn Ngọc, cửa hàng trưởng HEAD Phát Tiến 4, cho biết trung bình mỗi ngày cửa hàng bán được khoảng 25 chiếc xe máy các loại, giảm mạnh so với trước nhưng vẫn là con số mơ ước của các HEAD và nhiều cửa hàng bán xe máy nhãn hiệu khác trong tình hình kinh doanh xe máy khó khăn hiện nay. Không riêng gì Honda, tình hình kinh doanh tại các đại lý của nhiều thương hiệu xe máy khác như Yamaha, SYM, Suzuki, Piaggio... cũng không khả quan hơn. Một số chủ cửa hàng cho biết ngay cả những tháng cao điểm nhất trong năm như mùa tết vừa rồi, lượng xe bán ra cũng chỉ nhỉnh hơn các tháng trước đó, còn lại là “ngáp ruồi”.

Theo khảo sát của chúng tôi, không còn chuyện nâng giá bán cao hơn giá đề xuất, mà theo lời nhân viên tại một HEAD ở quận Phú Nhuận là “bán theo giá đề xuất do nhà sản xuất đưa ra còn không bán được thì làm sao mà kê giá”

Thậm chí, các cửa hàng bán xe giờ gần như lúc nào cũng có chương trình khuyến mãi, giảm giá. Tất cả thương hiệu đều tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá, bán trả góp, tặng gói bảo hiểm, tặng mũ bảo hiểm, mua xe cũ đổi xe mới, kiểm tra bảo dưỡng, tư vấn sử dụng xe miễn phí... để thu hút người tiêu dùng nhưng cũng không hiệu quả.

Đóng cửa, sang tiệm

Một loạt đại lý của thương hiệu Yamaha trên đường Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận), Lý Tự Trọng (Q.1)... cũng đóng cửa vì khách mua chẳng bao nhiêu, còn xe đến làm dịch vụ thì không đủ “sở hụi”. Giới kinh doanh xe máy ở Hà Nội cũng rỉ tai nhau chuyện hai HEAD ở Long Biên rồi Hà Đông từ năm ngoái đến nay đã được sang tên đổi chủ đến ba lần. Người chủ mới đầu tư thêm vài tỉ đồng nhưng cũng không khá hơn nên mới đây đã một lần nữa bán cho một ông chủ người Hưng Yên.

Một số HEAD cho biết nhiều ngày chẳng có nổi một khách mua xe dù đã tung ra hàng loạt chương trình giảm giá, bán dưới giá đề xuất của hãng. Do đó, chuyện các chủ cửa hàng bán xe máy đóng cửa, sang tiệm... là điều không tránh khỏi. Phó tổng giám đốc một công ty đang sở hữu đại lý xe máy cho biết đã phải đóng cửa hai đại lý vì “kinh doanh không hiệu quả”.

Theo vị này, mỗi tháng cả hai cửa hàng chỉ bán được khoảng 200 chiếc xe các loại, “thu không thể bù chi phí như tiền thuê mặt bằng mỗi tháng đã mất hơn 100 triệu đồng (một cửa hàng), chưa kể thuế, lãi suất vay ngân hàng, lương nhân viên...”.

Theo các chủ đầu tư HEAD chuyên kinh doanh xe máy thương hiệu Honda, nếu mặt bằng kinh doanh phải thuê, muốn tồn tại được phải bán ít nhất 200 xe/tháng, kèm theo phải bán được một số lượng phụ tùng thay thế nhất định và bảo dưỡng xe cũ... “Nếu lượng xe bán của HEAD không vượt quá 150 xe/tháng thì chẳng bao lâu sẽ đứt vốn” - chủ một HEAD nói. Bởi chưa kể lãi vay ngân hàng hay tiền điện nước... chỉ riêng tiền mặt bằng và nhân viên mỗi tháng đã mất từ 150-200 triệu đồng tùy vị trí HEAD.

>> Doanh nghiệp xe máy: Hết nạc vạc đến xương

Theo Lê Nam

anhnt

Tuổi trẻ

Trở lên trên