MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

James Bond: Cỗ máy 'nã' tiền của Hollywood? (P1)

12-09-2013 - 14:41 PM |

“Bài học sơ đẳng” của công nghiệp làm phim: kiếm tiền từ bất cứ thứ gì điện ảnh chạm tới. Và James Bond có thể được xem là “phi vụ làm ăn” lớn nhất, hoàn hảo nhất của Hollywood.

Nội dung nổi bật:

- Thương hiệu James Bond thu hút quảng cáo chỉ sau Olympic.

- Chỉ bằng một câu nói của Bond “chỉ lắc, không khuấy” đã mang về cho Hãng rượu Smirnoff 4 thập niên liên tiếp lợi nhuận tăng trưởng.

- Với một phân cảnh vài giây, khi Bond nằm trên giường và nốc bia với chai màu xanh của bộ phim Skyfall, Heineken đã phải móc ví trả 45 triệu USD, bằng 1/3 tổng kinh phí sản xuất.



Hơn nửa thế kỷ qua, James Bond không chỉ còn là một nhân vật điện ảnh, mà đã trở thành nhãn hiệu toàn cầu.

Hút quảng cáo chỉ thua… Olympic!

Không phải bỗng dưng tờ Business Week chuyên về kinh doanh lại quan tâm tới nhân vật James Bond để rồi phác họa nên một đế chế quảng cáo qua mẫu hình nhân vật điện ảnh này. 50 năm qua chàng James đã đi 290.000 km qua nhiều quốc gia, tạo cơn sốt du lịch qua nhiều thập niên, tổng giá trị số xe hơi mà James Bond đã lái vào khoảng 14,2 triệu USD mà trong đó, đắt tiền nhất là chiếc Aston Martin DB5 đầu tiên được sử dụng trong Goldfinder và Thunderball, với một cái giá không tưởng là 8,6 triệu USD. 

Cùng với đó, chàng đã uống 21 ly Martini, 19 ly Vodka Martini và 16 ly Gin Martini. Đó còn chưa kể hằng hà những bộ trang phục, mắt kính, đồng hồ, nước hoa, máy bay chuyên chở… đã đem về cho James Bond, hay đúng ra, cho nhà sản xuất phim, hàng núi lợi nhuận, chưa kể con số 8 tỷ USD tiền vé thu được trong 5 thập kỷ qua. Có thương hiệu nào hút quảng cáo hơn Bond? Có, nhưng đó là… Olympic!

Tính đến giờ này, nếu có thực, James Bond đã 90 tuổi. Nhưng Bond không được già, bởi nếu anh già đi sẽ làm ngành quảng cáo thất thu nặng. 

 Hãng Heineken đã bỏ 45 triệu USD cho vài giây Bond xuất hiện trong bộ phim Skyfall

Chỉ bằng một câu nói của Bond “chỉ lắc, không khuấy” đã mang về cho Hãng rượu Smirnoff 4 thập niên liên tiếp lợi nhuận tăng trưởng! Vodka Nga là món cực kỳ ưa thích của nhà văn Ian Fleming, cha đẻ James Bond và ông đã cho Bond dùng nó như một thức uống ưa thích xuyên suốt các serie. Ban đầu Ian chỉ dùng vodka đơn thuần, sau này ông phát hiện ra rằng ở Mỹ cũng có Vodka Martini và ông quyết định pha hai dòng theo một tiêu chuẩn riêng đủ để chứng tỏ Bond là một người rất sành điệu.

Suốt 4 thập niên Smirnoff là hãng Vodka duy nhất được James Bond tin dùng. Số tiền mà hãng rượu này bỏ ra rất lớn nhưng chưa bao giờ được công bố. Nhưng đến năm 2002, Smirnoff đã bị đối thủ cạnh tranh, Finlandia, đá văng ra khỏi menu ưa thích của Bond. Vụ này gây cơn sốt vào năm 2002 dù chi tiết hợp đồng cũng không được công bố. Nhiều người cho rằng con số này sẽ chiếm khoảng 1/3 kinh phí làm phim. 

Cần biết rằng, tổng số tiền mà các nhãn hàng tranh nhau tài trợ cho bộ phim năm đó, Die Another Day (2002), là 120 triệu USD trong khi tổng kinh phí sản xuất, bao gồm cả quảng cáo toàn cầu, là 142 triệu, tức đã chiếm 2/3 ngân sách. Năm đó bộ phim này thu về 431 triệu USD, lãi ròng hơn 400 triệu và nhiều người bảo rằng bộ phim này đúng ra phải mang tên Buy Another Day.

Chính vì con số kinh hoàng đó mà một lần nữa Smirnoff quyết trở lại bằng mọi giá. Năm 2006, Smirnoff lại đá văng Finlandia ra khỏi menu của Bond với bộ phim Casino Royale. Hai năm sau, Bond một lần nữa chọn Smirnoff, lần này, cầu kỳ hơn một chút trong phim In Quantum Of Solace (2008). 

Trong phim này Bond chỉ người pha chế rượu cách trộn thức uống trong một cảnh khi anh đang chơi bài poker “đo ba lần rượu Gordon’s, một lần Vodka, nửa lần rượu Kina Lillet. Lắc chung với đá, và thêm một lát chanh mỏng” và tất nhiên không quên câu bất hủ “chỉ lắc, không khuấy”. Bao nhiêu tiền cho màn ấy? Rất nhiều, chỉ có điều không được công bố.

Phải đến bộ phim mới nhất, Skyfall, người ta mới ngờ ngợ rằng hãng rượu kia đã phải trả rất nhiều tiền cho Bond. Không phải vì Bond uống Martini mà vì Bond uống… Heineken. Chỉ một phân cảnh vài giây, khi Bond nằm trên giường và nốc bia với chai màu xanh, hãng Heineken đã phải móc ví trả 45 triệu USD, bằng 1/3 tổng kinh phí sản xuất

Tất nhiên Bond vẫn uống rượu, nhưng lần này có thêm cả bia, một nhãn hiệu mà cả đàn ông và đàn bà đều uống được. Tờ NBC News cho rằng dù nhà sản xuất phải dày mặt để chống đỡ những luồng phản đối của fan thì họ cũng không thể làm ngơ với số tiền như vậy. Kết quả cuối cùng, Skyfall thu về hơn 1 tỷ USD, lãi ròng cũng xấp xỉ ngần ấy.


Năm 2002 hãng Ford đã phải bỏ 35 triệu USD để sản phẩm của mình có mặt lại trong điệp vụ của Bond. Trong ảnh là diễn viên Pierce Brosnan chụp cùng chiếc Aston Martin Vanquish V12 trong bộ phim Die another day.

Theo Nguyên Minh
(còn tiếp)

thuyntt

Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên