MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nữ doanh nhân 'bật mí' cách kiếm tiền trong khủng hoảng

20-10-2013 - 14:14 PM |

Khi tìm ra hướng đi, chúng ta phải có niềm tin vào chính bản thân là mình sẽ làm được.

Nội dung nổi bật:

- Thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là sự mất niềm tin.

- Khi tìm ra hướng đi, chúng ta phải có niềm tin vào chính bản thân là mình sẽ làm được.

- Làm ăn với nước ngoài là phải giữ được uy tín, chỉ cần sơ xảy một tí thì bất luận anh có tài hay hàng của anh có tốt thì người ta sẽ không làm với anh.



Đầu tuần qua, CTCP Truyền thông và Đầu tư Nam Hương, Hội Doanh Nghiệp Trẻ Hà Nội, Tạp chí Phong cách doanh nhân đã tổ chức chương trình: Diễn Đàn Doanh Nhân Việt Nam - Leader Talk 2013 với sự tham gia của nhiều doanh nhân nổi tiếng cùng nhiều chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Một trong những chủ đề chính được trao đổi tại buổi tọa đàm này là Doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với khủng hoảng kinh tế & những bài học kinh nghiệm. Nhiều doanh nhân nổi tiếng đã tới chia sẻ các bài học của bản thân như ông Nguyễn Tuấn Hải, chủ tịch Alphanam; ông Nguyễn Hoài Nam, TGĐ Berajya Việt Nam, ông Lê Vĩnh Sơn, chủ tịch công ty Sơn Hà…

Ông Nguyễn Tuấn Hải nhận định: "Thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là sự mất niềm tin. Không chỉ trong kinh doanh mà trong tất cả các lĩnh vực khác, niềm tin là nhân tố số một để tồn tại và phát triển. Mỗi doanh nghiệp cần phải xây dựng cho mình một hình ảnh riêng phụ thuộc vào thế mạnh của doanh nghiệp mình theo hướng phát triển bền vững.

Thời cơ bùng nổ như những năm 2006-07 đã qua và có thể sẽ không bao giờ trở lại. Để vượt qua những thách thức của giai đoạn hiện nay, chúng ta cần có niềm tin vào chính mình, không thể trông chờ vào những tác động từ bên ngoài.

Các doanh nhân chia sẻ ý kiến tại buổi tọa đàm

Cũng với phương châm tự thay đổi chính mình, bà Nguyễn Thu Hà, Tổng giám đốc công ty TNHH Lexim đã chia sẻ về việc tìm lối ra khi thị trường khủng hoảng.

Hoạt động chính của công ty Lexim là cho thuê thiết bị xây dựng. Khi thị trường bất động sản trì trệ thì nhu cầu về thiết bị xây dựng cũng không còn, các khách thuê đồng loạt trả lại máy móc.

Dù thị trường xây dựng nói chung gặp khó nhưng bà Hà nhận thấy vẫn có cơ hội kinh doanh lớn từ những công trình xây dựng của doanh nghiệp nước ngoài hay các dự án hạ tầng (cầu, đường…) sử dụng nguồn vốn ODA.

Vì thế, thay vì chỉ gắn với các doanh nghiệp xây dựng, công ty Lexim đã tìm đến các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng. Nhờ đó mà công ty vẫn hoạt động tốt khi thị trường xây dựng nói chung đang khó khăn.

Một nữ doanh nhân khác là bà Nguyễn Thị Bảo Hiền đã chia sẻ về cách để gắn bó lâu dài với đối tác nước ngoài. Khởi đầu, công ty Thương mại và Dịch vụ Hiền Lê của bà chủ yếu nhận thu gom, vận tải, xử lý chất thải công nghiệp cho công ty Canon và Samsung tại Bắc Ninh.

Bà Hiền chia sẻ: “Kinh nghiệm 10 năm làm ăn với đối tác nước ngoài là anh phải được bạn hàng tin tưởng. Họ có tin mình thì mới giao việc cho mình. Bên cạnh đó phải hiểu được đối tác cần gì. Tại sao nước ngoài họ làm mà mình không làm được?”

Nhận thấy đối tác có nhu cầu cao về các linh kiện phụ trợ, bà Hiền đã chủ động đề nghị với họ là tôi có thể làm được, chỉ cần hướng dẫn cách làm cho tôi. Giờ đây, công ty Hiền Lê đã cung cấp được một số linh kiện nhựa cao cấp cho Canon và Samsung.


Làm ăn với nước ngoài cần phải được họ tin tưởng đồng thời phải hiểu họ cần gì

Trong thời gian thị trường thép khó khăn thì bà Hiền lại nhận thấy mình có thể làm tốt trong lĩnh vực này. Bà bỏ tiền xây dựng thành công một lò nấu thép, sản lượng làm ra không kịp để giao cho khách dù thị trường đang ế ẩm. 

Khi chúng ta tìm ra hướng đi, chúng ta phải có niềm tin vào chính bản thân, phải dũng cảm là nghĩ là mình sẽ làm được – bà Hiền đã đúc kết lại như vậy - Nhưng cái đầu tiên khi làm ăn với nước ngoài là phải giữ được uy tín, chỉ cần sơ xảy một tí thì bất luận anh có tài hay hàng của anh có tốt thì người ta sẽ không làm với anh”.


Kiến Khang

duchai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên