Phi đội VietjetAir sẽ có trận 'đại chiến' trên bầu trời khu vực?
- 26-09-2013Vì sao VietjetAir dốc túi hơn 8,6 tỷ USD mua duy nhất một dòng máy bay?
- 26-09-2013Thương vụ 9 tỷ USD ‘chấn động’ ngành hàng không của VietjetAir
- 03-09-2013Bất ngờ báo lãi, VietJetAir xem xét IPO
Nội dung nổi bật:
- Tham vọng mua máy bay của Vietjet là hướng tới thị trường ASEAN, vốn đang thống trị bởi 4 hãng hàng không giá rẻ: Air Asia, Lion Air, JetStars và Tiger Airways. Các hãng này ít nhiều đã hiện diện ở Việt Nam.
- Số lượng máy bay Vietjet đặt mua thêm cũng chưa là gì nếu so với lượng đặt mua của những đối thủ.
Sau câu chuyện buồn của Indochina Airlines và Air Mekong, bản hợp đồng “khủng” hơn 9 tỷ đô của Vietjet có thể xem là tín hiệu vui cho ngành hàng không tư nhân. Từ 8 chiếc máy bay đi thuê đến việc mua gần trăm chiếc máy bay thực sự là một bước tiến rất dài của một hãng hàng không non trẻ này.
Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành VietJetAir cho biết, việc mua máy bay lần này là để hướng tới thị trường ASEAN và khu vực Đông Bắc Á. Đây có lẽ là bước đi đúng đắn của Vietjet Air vì dù chính thức tuyên bố có lợi nhuận trong quý 2, hãng vẫn gặp khó khi phải cạnh tranh với Vietnam Airlines, hiện chiếm hơn 60% thị phần nội địa.
Trước đó, Vietjet Air đã có những bước chuẩn bị đầu tiên, đó là thành lập liên doanh Thai Vietjet với hãng hàng không Thái Lan Kan Air, dự tính sẽ vận hành vào năm 2014.
Những đối thủ lớn trên bầu trời khu vực
Chiến lược liên doanh với hãng hàng không bản địa nhằm thâm nhập thị trường nước ngoài mà Vietjet Air sử dụng khá giống với cách mà hãng hàng không giá rẻ Air Asia đã áp dụng. Tuy nhiên, để lặp lại được thành công như Air Asia, Vietjet Air sẽ vấp phải những thách thức lớn.
Hiện tại, thị trường hàng không giá rẻ của Đông Nam Á đang diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt của nhóm tứ trụ chính, bao gồm: Air Asia (Malaysia), Lion Air (Indonesia), JetStars (Australia) và Tiger Airways (Singapore).
4 hãng hàng không này đã khá nổi tiếng trong khu vực, và đã có mặt tại hầu hết các thị trường mà Vietjet Air hướng đến. Trong khi đó, Vietjet Air vẫn chỉ là cái tên nhỏ ít tiếng tăm trên thị trường quốc tế.
Hiện tại, các tuyến bay quốc tế của Vietjet Air cũng còn ít. Hãng mới chỉ có 2 đường bay quốc tế sang Thái Lan trong khi các đối thủ trên ít nhiều đã hiện diện ở Việt Nam từ lâu, trở thành những đối thủ lớn nhất cạnh tranh các đường bay quốc tế trong khu vực.
Động thái mua máy bay của Vietjet Air cũng là bước đi theo chân các hãng hàng không giá rẻ khác trong khu vực. Trước đó, Lion Air đã ký hợp đồng đặt mua 234 chiếc A320s và Air Asia cũng đặt hàng 100 chiếc.
Các hãng hàng không giá rẻ khác đều đang gấp rút đặt hàng số lượng lớn
Nhìn vào biểu đồ trên, có thể thấy số lượng đặt hàng máy bay mới của Vietjet Air chưa là gì so với các đối thủ trực tiếp. Đấy là chưa kể, các hãng này đều đã ký hợp đồng mua chứ không chỉ dừng ở mức thỏa thuận MOU như Vietjet.
5 hãng hàng không trên hiện đang có tổng cộng 450 chiếc máy bay. Theo số liệu của CAPA, 72% trong số này đang hoạt động tại khu vực Đông Nam Á. Số máy bay được đặt hàng còn nhiều hơn gấp 3 lần, gần 1.200 chiếc. Phần lớn trong số này sẽ tiếp tục hoạt động tại Đông Nam Á. Lion Air và Air Asia đều khẳng định mình đang tập trung toàn lực vào thị trường khu vực.
Tại Thái Lan, nơi Vietjet Air thành lập chi nhánh quốc tế đầu tiên, hiện đã có sự góp mắt của hai hãng hàng không giá rẻ là Air Asia và Lion Air. Ngoài ra, Nok Air, hãng hàng không giá rẻ trực thuộc Thai Airways cũng là một đối thủ lợi hại.
Myanmar, thị trường đầy tiềm năng mà Vietjet Air đang hướng tới hiện đăng tăng trưởng nóng, và các hãng hàng không đều dự tính sẽ góp mặt tại đây trong vòng 1 đến 2 năm tới.
Tại Đông Bắc Á, cạnh tranh càng khó khăn hơn. Air Asia vừa quyết định rút khỏi thị trường Nhật Bản do kinh doanh không hiệu quả. Hiện tại, chỉ còn chi nhánh của Jetstar tại đây. Riêng tại thị trường Hàn Quốc hiện đã có cả 5 hãng trên, tuy nhiên tất cả đều chỉ dừng ở quy mô nhỏ.
Tự tin
Cuộc chiến sắp tới chắc chắn sẽ rất khốc liệt với Vietjet Air. Tuy nhiên hãng hàng không này đã có kinh nghiệm cạnh tranh khi ở vị trí yếu hơn. Tại Việt Nam, Vietjet Air ra đời sau Jet Pacific hơn 3 năm. Tuy nhiên, với mô hình hãng máy bay giá rẻ vui nhộn kết hợp với việc quản lý chặt chẽ dòng tiền, chỉ sau 1 năm hoạt động, hiện thị phần của Vietjet Air đã gần gấp đôi.
Tính đến cuối tháng 9/2013, Vietjet đang chiếm khoảng 22,9% thị phần hàng không Việt Nam, bỏ xa hãng hàng không giá rẻ còn lại là Jetstar (13,5%). Với việc thuê thêm máy bay vào cuối năm và mở thêm các đường bay mới trong nước, Vietjet hy vọng sẽ tăng thị phần lên 25%.
Một bản hợp đồng tới 100 chiếc máy bay liệu có quá sức đối với một hãng hàng không như Vietjet? Còn quá sớm để trả lời. Nhưng nếu thành công với những gì mình vạch ra, có khi 100 chiếc lại là … chưa đủ.
Trần Dũng