Tuggle - phó chủ tịch, giám đốc đối ngoại tập đoàn - đã chấp nhận trả lời những câu hỏi nóng của báo chí về Coca-Cola VN lỗ nhưng vẫn đầu tư, liệu có phải chuyển giá...
Ông Clyde C. Tuggle nói: Một trong những mục đích khi chúng tôi sang VN lần này là tìm kiếm lời khuyên để trở thành doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội. Chúng tôi đã kinh doanh 127 năm trên 200 thị trường. Là doanh nghiệp, cũng giống các doanh nghiệp khác, mục tiêu của Coca-Cola là phải tạo lợi nhuận. Đúng là ở nhiều thị trường khác, lợi nhuận của chúng tôi rất cao. Và có thể có câu hỏi tại sao ở VN lại không như vậy.
Tôi cho rằng thành công có thể định nghĩa ban đầu chỉ là tạo mỏ neo ở một thị trường để phát triển bền vững. Cách chúng tôi đang làm ở VN là đầu tư cho hạ tầng, nhãn hiệu, tạo tình yêu của người tiêu dùng với nhãn hiệu. Nó mất nhiều năm chứ không phải một vài năm.
* Tại sao Coca-Cola VN lỗ nhưng vẫn đầu tư tới 300 triệu USD vào VN?
- Ông Clyde C. Tuggle: Về mặt tài chính, chúng tôi khẳng định chưa có lợi nhuận ở VN. Với cách đầu tư đang thực hiện, phương thức kinh doanh hiện tại, Coca-Cola VN sẽ thoát khỏi tình trạng này và có lợi nhuận trong những năm sắp tới. Có nhiều thị trường cho lợi nhuận chỉ sau 3-4 năm, nhưng có thị trường mất nhiều năm, thậm chí 20 năm mới có lợi nhuận. Như thị trường thành công nhất của Coca-Cola hiện nay thì thực tế đã 25 năm không có lợi nhuận.
Chúng tôi phải chịu như thế để tạo được thành công ngày hôm nay. Chúng tôi cho rằng nếu luôn làm đúng đắn, tạo niềm tin cho cộng đồng thì sẽ thành công.
- Ông Irial Finan: Còn tại sao vẫn đầu tư, vì chúng tôi tin vào tiềm năng ở VN. Với thị trường nước giải khát có gas, VN mới ở bước phát triển ban đầu. Và niềm tin về lợi nhuận của chúng tôi thường chỉ có khi chúng tôi tạo được quy mô lớn. Quy mô đó chỉ có thể được tạo ra từ đầu tư mới. Chúng tôi tự tin rằng với nền tảng lớn hơn, Coca-Cola VN sẽ thành công ở VN.
* Vậy dự kiến bao giờ Coca-Cola VN có lãi? Với khoản đầu tư mới 300 triệu USD, tập đoàn đã có đủ áp lực để Coca-Cola VN bắt đầu tìm kiếm lợi nhuận chưa?
Ông Irial Finan: Giá nhân công ở các nước đang phát triển có thấp hơn. Nhưng bù lại là năng suất lao động cũng thấp. Đơn giản như bốc dỡ hàng lên xe cũng không như các nước khác. Trong khi đó, đầu tư nhà máy ở đâu cũng phải theo đúng chuẩn toàn cầu của Coca-Cola. Việc dư thừa công suất một số thời điểm cũng nâng chi phí, gây lỗ. |
- Ông Irial Finan: Có. Tôi biết các bạn cũng mong như vậy. Đúng là đầu tư 200 triệu USD đã có thể có lời rồi. Vấn đề là cần xây dựng nền tảng, như thương hiệu, hạ tầng để đảm bảo thành công. Có thể một vài năm tới chúng tôi sẽ có lợi nhuận ở VN.
* Một vài năm, ông có thể nói cụ thể là khi nào?
- Ông Irial Finan: Ai cũng muốn tìm câu trả lời dứt khoát, nhưng là nhà kinh doanh, chúng tôi đang tìm kiếm quy mô đã. Kinh doanh của chúng tôi phụ thuộc vào sức khỏe nền kinh tế. Chúng tôi tự hào vì ở bất cứ quốc gia nào chúng tôi cũng tuân thủ luật pháp nước sở tại. Có nghĩa chúng tôi phải minh bạch về hoạt động kinh doanh và phải đóng thuế.
Ở tất cả các nước, khi có lợi nhuận Coca-Cola đều đóng thuế.
* Ông nghĩ thế nào khi dư luận ở VN cho rằng Coca-Cola chưa thật minh bạch, chuyển giá để tránh mức thuế cao ở VN?
- Ông Irial Finan: Thực tế ở VN chúng tôi đóng thuế khá nhiều. Thường có bốn dòng thuế lớn là thu nhập doanh nghiệp, VAT, thuế nhập khẩu và thuế thu nhập cá nhân. Chúng tôi chỉ chưa có khả năng đóng thuế thu nhập doanh nghiệp vì chưa có lãi, còn các khoản thuế khác chúng tôi đã đóng. Chắc chắn khi có lợi nhuận chúng tôi sẽ đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tầm quan trọng của uy tín, nhãn hiệu rất lớn nên ở nước nào chúng tôi cũng không muốn có tổn hại đến nhãn hiệu. Từ nhãn quan người làm kinh doanh, khi nói phải làm ăn lâu dài, không hiểu tại sao chúng tôi phải làm những điều không đứng đắn?
* Truyền thông VN đã cáo buộc việc chuyển giá. Trong chuyến thăm VN lần này, hai ngày qua khi thảo luận với các quan chức VN, có quan chức nào nêu vấn đề này ra không, nêu như thế nào?
- Ông Irial Finan: Tôi xin không đi sâu vào cuộc thảo luận đó, nó rất thẳng thắn. Tôi không hiểu tại sao vấn đề Coca-Cola chuyển giá lại được nêu lên. Chúng tôi luôn tuân thủ, không chỉ ở VN mà nhiều nơi khác trên thế giới. Gặp quan chức Chính phủ VN, họ thể hiện quan tâm khi nghe kế hoạch kinh doanh ở VN, và họ mong chúng tôi thành công.
- Ông Clyde C. Tuggle: Tôi có thể khẳng định Công ty Coca-Cola VN không chuyển giá và xin dừng lại ở đây, không thảo luận nữa. Trong các buổi gặp với quan chức Chính phủ VN vừa qua, chúng tôi có nhận được lời khuyên từ Chính phủ VN là Coca-Cola phải làm tốt hơn về truyền thông. Có thể chúng tôi chưa làm đủ việc đó nên có cáo buộc về chuyển giá.
Nhãn hiệu Coca-Cola được đánh giá đang có giá tới 80 tỉ USD, là nhãn nhiệu đắt giá nhất thế giới. Chúng tôi mất 127 năm để có nhãn hiệu như thế. Tại sao chúng tôi có thể đánh mất nó trong một giây? Chúng tôi biết mọi thứ có thể bị phá hủy nếu chúng tôi không tuân thủ tốt luật pháp sở tại.
* Chính các nước G8 cũng nêu vấn đề chuyển giá và cho rằng cần có liên kết, đánh thuế trên tổng doanh thu các tập đoàn đa quốc gia. Ông nghĩ thế nào về đề xuất này? Coca-Cola có nghiên cứu gì về đề xuất này không?
- Ông Clyde C. Tuggle: Không. Để có thể thu thuế toàn cầu, cả thế giới phải có một chính quyền tập trung, có một cơ quan thuế toàn cầu. Đó chỉ là lý thuyết.
* Ông có nói tự hào vì đã tạo việc làm cho trên 2.000 lao động VN. Các ông có thể công khai chi phí nhân công, tiền lương cho nhân viên VN?
- Ông Irial Finan: Có nhiều vị trí, sao có thể đưa ra con số chuẩn. Hỏi công ty khác họ cũng trả lời thế. Có nhiều cách tính mức lương. Với nhiều nước, họ thường gom những công ty vào một nhóm. Với nhóm Công ty Coca-Cola được xếp, chúng tôi luôn trả lương cho nhân viên ở nhóm 50% tốp từ trung bình trở lên.
Theo Cầm Văn Kình