MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phô mai béo ngậy, các hãng nội chỉ đứng nhìn

11-10-2013 - 14:27 PM |

Sân chơi phần lớn thuộc về DN nước ngoài.

Nội dung nổi bật:

- Theo Nielsen, tính đến cuối quý III/2013, tốc độ tăng trưởng của thị trường phô mai đạt mức 23%  so với cùng kỳ 2012, vượt xa mức 5,3% mỗi năm giai đoạn 2004-2009 do Datamoniter công bố.

- DN ngoại chơi với nhau: Năm 2009, Fonterra Co-operative dẫn đầu với thị phần đạt khoảng 51,1% dành cho các loại phô mai tự nhiên. Sau năm 2009, Bel đột phá với tổng thị phần đạt gần 70 % gồm 4 nhãn hàng chính: Con bò cười, Kiri, Babybel và Leerdammer. 

- DN nội ngại đầu tư: Mặc dù tỷ suất lợi nhuận tốt, nhưng chi phí đầu tư sản xuất lớn, trong khi nhu cầu thị trường chưa thực sự cao, chủ yếu dành cho trẻ em và giới trẻ dưới 25 tuổi.



Theo Nielsen, tính đến cuối quý III/2013, tốc độ tăng trưởng của thị trường phô mai đạt mức 23% so với cùng kỳ năm 2012. Con số này đã vượt xa mức tăng trưởng của giai đoạn 2004 - 2009 được Datamoniter công bố với mức trung bình 5,3% mỗi năm.




Cuộc đua của khối ngoại

Dù được đánh giá là sản phẩm không phổ biến ở Việt Nam, nhưng thị trường Việt Nam vẫn được các nhãn hiệu hàng đầu thế giới trong ngành phô mai như Fonterra Co-operative, Lactalis, Bel... chú trọng đặc biệt.

Cuối năm 2009, cùng với sự hợp tác với đối tác Việt Nam, Tập đoàn Lactalis (Pháp), đơn vị đứng thứ 2 thế giới về ngành công nghiệp sữa và đứng đầu châu Âu về sữa và phô mai với khoảng 119 nhà máy trên toàn thế giới đã chính thức chỉ định Công ty TNHH TM Hoàng Lan (Hoang Lan Group) tại TP.HCM làm nhà phân phối bơ, sữa, phô mai tại Việt Nam sau gần 10 năm thâm nhập thị trường này.

Với khả năng phân phối khoảng 500 - 600 tấn phô mai mang nhãn hiệu President mỗi năm tại thị trường Việt Nam, Hoang Lan Group đã góp phần không nhỏ trong việc đưa Lactalis vào vị trí nhà cung cấp phô mai hàng đầu tại Việt Nam giai đoạn này, dù rằng, phô mai "Con bò cười" của Bel đã có mặt tại Việt Nam trước đó vài chục năm.

Thế nhưng, những dữ liệu thống kê từ Datamoniter lại đem đến cho giới phân tích một góc nhìn khác khi cho rằng, Fonterra Co-operative mới là "người dẫn đầu" trong thị trường phô mai ở Việt Nam năm 2009, với thị phần đạt khoảng 51,1% dành cho các loại phô mai tự nhiên.

Ngoài cuộc đua của khối ngoại, Vinamilk cũng được xem là đại diện cho các doanh nghiệp (DN) khối nội lấn sân vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính của Vinamilk năm 2012, phô mai chỉ là sản phẩm được định vị ngang kem và chưa được xem là một trong những sản phẩm chiến lược trong tầm nhìn trung hạn.

Tại Việt Nam, Bel có 4 thương hiệu trong số 12 thương hiệu đang chinh phục thị trường thế giới. Với 27 nhà máy và sản phẩm được bán trên 120 thị trường trên thế giới. Châu Á, châu Phi, Trung Đông là những thị trường Bel đẩy mạnh vào năm 2013. Theo đó, ngoài 5 thị trường trọng điểm tại châu Á gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật và Hàn Quốc trước đây, thì Việt Nam đang được đánh giá rất cao, xét về mặt doanh số. Châu Á - Thái Bình Dương đang là thị trường đem lại doanh số đứng thứ 2 cho Bel, sau châu Âu.

Nhận định về sự xuất hiện của DN khối nội đối với phân khúc phô mai, ông Hồ Tiến Sỹ, Giám đốc Thương hiệu cao cấp Công ty Lantabrand, cho rằng, mặc dù tỷ suất lợi nhuận tốt, nhưng chi phí đầu tư sản xuất lớn, trong khi nhu cầu thị trường chưa thực sự cao, chủ yếu dành cho trẻ em và giới trẻ dưới 25 tuổi. Do đó, đây chính là một trong những lý do khiến các nhà đầu tư trong nước ngần ngại đầu tư ở phân khúc này.

Bel bứt phá

Hơn 3 năm sau giai đoạn năm 2009, thị trường Việt Nam đã có sự chuyển biến ngoạn mục đối với phân khúc phô mai khi Bel đột phá trở thành đơn vị dẫn đầu với tổng thị phần đạt gần 70 % với 4 nhãn hàng chính là Con bò cười, Kiri, Babybel và Leerdammer. Trong đó, Con bò cười đã chính thức khẳng định được vị trí đầu bảng trong những thương hiệu phô mai đầu tiên đến Việt Nam.

Lợi thế của Bel trên con đường trở thành "nhà dẫn đầu" trong phân khúc phô mai chính là thói quen ngại thay đổi của người tiêu dùng. Do đó, thói quen cứ nói đến phô mai là nói đến "con bò cười" bao năm nay tiếp tục được hưởng lợi thế là người đi đầu tiên cho đến thời điểm này.

Cộng với đó là việc Bel đưa nhà máy tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 với tổng vốn đầu tư gần 5 triệu Euro vào hoạt động vào cuối năm 2011, nhằm đáp ứng nhu cầu về phô mai của thị trường Việt Nam và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Điều này đã giúp Bel đột phá "vượt mặt" Fonterra Co-operative, Lactalis về sản phẩm và giá bán.

Vì cùng với việc đưa nhà máy đi vào sản xuất, Việt Nam cũng là thị trường đầu tiên được Bel giới thiệu dòng sản phẩm que sữa Goodi (làm từ sữa tươi dưới dạng que) với giá thành thấp để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của phân khúc khách hàng thu nhập trung bình thấp.

Chia sẻ trong lễ khánh thành nhà máy mới của Bel tại Việt Nam, ông Antoine Fievet, CEO của Tập đoàn BEL, nhấn mạnh, Việt Nam sẽ là nước thứ 2 được BEL chọn làm điểm đến tiếp cận với các thị trường trong khu vực, đồng thời cũng là nơi đầu tiên được chọn để xây dựng nhà máy tại châu Á với kỳ vọng, đây sẽ trở thành bàn đạp của Tập đoàn tại khu vực này.

Những chia sẻ trên báo cáo thường niên của Bel Group năm 2012, cho thấy, họ kỳ vọng doanh thu của phô mai sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) là 11% về khối lượng trong 2013 - 2017.

Dự báo mức tăng trưởng doanh số bán hàng của phô mai có thể sẽ được cải thiện dựa vào sự phát của các chuỗi cửa hàng dịch vụ thực phẩm ngoại, cũng như chuỗi thức ăn nhanh và nhà hàng ẩm thực phương Tây tại Việt Nam.

Theo Đỗ Phương

thuyntt

Doanh nhân Sài Gòn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên