Sài Gòn Xuân Thành - Từ 'thiếu gia' trở thành 'kẻ hành khất'
Không chỉ có Navibank Sài Gòn chờ chết, một đội bóng từng có thời nức tiếng giàu có khác là Sài Gòn Xuân Thành cũng đang lặn ngụp trong khó khăn.
Từ chỗ là “thiếu gia” của bóng đá Việt Nam với những khoản chi tiền cao ngất ngưởng, Sài Gòn Xuân Thành giờ đây đang trong cảnh “chạy ăn từng bữa”.
Một thời làm mưa làm gió
Trong 1- 2 mùa bóng trước, ngoại trừ Navibank Sài Gòn, có lẽ không đội nào chi tiền nhiều như Sài Gòn Xuân Thành. Đội bóng của bầu Thụy sở hữu hàng phòng ngự là nòng cốt của đội tuyển quốc gia. Trong khung thành, họ có thủ môn Tấn Trường, ở hàng hậu vệ đội này có Minh Đức, Phước Tứ và Đình Luật, toàn tuyển thủ quốc gia.
Để sở hữu những cầu thủ cỡ đó trong đội hình, Sài Gòn Xuân Thành chắc chắn phải chi rất nhiều tiền. Không có con số chính thức nào được công bố, nhưng có thông tin cho rằng cái giá của Phước Từ từ Thanh Hóa về Sài Gòn Xuân Thành năm 2011 là 12 tỷ đồng, giá của Tấn Trường khi anh chuyển từ CS.Đồng Tháp đến đội bóng thành phố 9 tỷ đồng, trong khi phí lót tay của Minh Đức (từ Hải Phòng) và Đình Luật (từ Navibank Sài Gòn) lần lượt là 7 tỷ đồng và 6 tỷ đồng.
Hàng thủ đã vậy, hàng tấn công của Sài Gòn Xuân Thành còn "khủng" và đắt giá hơn. Để có được chữ ký của tiền đạo Huỳnh Kesley Alves trong vòng 2 mùa giải, Sài Gòn Xuân Thành chi không dưới 200.000 USD/năm cho tiền đạo nhập tịch gốc Brazil, cùng mức lương 15.000 USD/tháng. Bên cạnh Huỳnh Kesley là Antonio, cựu cầu thủ của Đồng Tâm Long An có giá không dưới 100.000 USD/năm phí lót tay và khoản lương không dưới 10.000 USD/tháng.
Ngoài ra, trên hàng tiền đạo của Sài Gòn Xuân Thành còn có Nsi, cầu thủ mà đội bóng thành phố phải rất vất vả mới giành lại từ tay đội hạng Nhất An Giang. Đó là những tuyến nhiều ngôi sao nhất của đội bóng thành phố, còn ở vị trí khác, họ có thêm Nguyễn Rogerio, Moses, Đặng Văn Robert, Trọng Bình, trước nữa là Sỹ Mạnh, những cầu thủ cũng chẳng hề rẻ chút nào.
Với dàn sao cỡ đó, không quá khi người ta đồn rằng mỗi mùa giải trong liên tiếp 2 năm 2011 và 2012, ông bầu Nguyễn Đức Thụy của Sài Gòn Xuân Thành chi không dưới 100 tỷ đồng/mùa. Một con số làm giật mình những người làm bóng đá Việt Nam và gấp 5 - 10 kinh phí của hàng loạt đội hạng Nhất khác.
"Chạy ăn từng bữa"
Thế nhưng giờ đây, mọi chuyện đã đổi khác. Từ chỗ là điểm đến hấp dẫn đối với những cầu thủ từ các nơi cả nội lẫn ngoại, Sài Gòn Xuân Thành trong giai đoạn chuẩn bị cho mùa bóng 2013 nổi đình nổi đám, với các thương vụ bán cầu thủ nhiều hơn là mua cầu thủ. Kesley và Nguyễn Rogerio là những ngôi sao tiêu biểu nhất đã rời Sài Gòn Xuân Thành, mà chung quy lý do lớn nhất để họ không còn ở lại với đội bóng thành phố là vì bị đề nghị giảm lương và giảm phí lót tay.
Mới đây nhất, Sài Gòn Xuân Thành sau khi tiếp nhận một số cầu thủ của Navibank Sài Gòn đã công bố mức lót tay khó tưởng tượng giành cho những cầu thủ mới, khó tưởng tượng chí ít là với một đội bóng chuyên xài sang như đội bóng thành phố. Để đến với Sài Gòn Xuân Thành, cựu tuyển thủ quốc gia Phan Văn Tài Em chỉ nhận phí lót tay 300 triệu đồng, còn tuyển thủ quốc gia hiện tại là Quang Hải được đề nghị nhận 200 triệu đồng cho việc ký vào bản hợp đồng với đội bóng thành phố.
Cách nay 1 năm, có lẽ không bao giờ người ta mường tượng ra cảnh Sài Gòn Xuân Thành lại chi tiền lót tay bèo thế, vì họ đã quen với khoản phí lót tay cao gấp chục lần, thậm chí gấp vài chục lần con số trên. GĐĐH của CLB Sài Gòn Xuân Thành là ông Trần Tiến Đại nói thẳng: "CLB phải cắt giảm 40 - 50% chi phí lương, thưởng ở mùa bóng mới. Những cầu thủ khoác áo Sài Gòn Xuân Thành phải chấp nhận giảm mạnh mức lương".
Cũng vì không còn dồi dào về mặt tài chính như trước mà Sài Gòn Xuân Thành thay vì dự định lấy 8 - 9 cầu thủ từ Navibank Sài Gòn giờ chỉ mới có thể lấy 4 - 5 người. Những người may mắn vẫn còn có việc làm đó là Tài Em, Long Giang, Việt Cường và thủ môn Quốc Cường. Riêng Quang Hải vẫn chưa chính thức nói là anh có khoác áo Sài Gòn Xuân Thành ở mùa tới hay không?
Sở dĩ toàn bộ chi phí cho tất cả các khoản của Sài Gòn Xuân Thành đang giảm xuống là vì bầu Thụy cũng đã công khai chuyện giảm nguồn ngân quỹ mà ông sẽ rót xuống đội trong mùa giải 2013. Theo đó, ở mùa giải tới, ông Thụy chỉ tài trợ cho đội bóng thành phố 25 tỷ đồng, thay sẵn sàng chi hàng trăm tỷ đồng như 1 - 2 năm qua. Đột ngột giảm khoảng 3/4 kinh phí hoạt động so với bình thường, Sài Gòn Xuân Thành không khó mới là lạ.
Cũng vì không dồi dào về mặt kinh phí mà mấy ngày gần đây người ta thấy GĐĐH Trần Tiến Đại của Sài Gòn Xuân Thành tất tả ngược xuôi xin tài trợ, một việc mà người của đội bóng "thiếu gia" này không quen làm. Từ chỗ là con nhà giàu vốn quen được bao bọc trong “nhung lụa”, nay phải ngửa tay xin tiền tài trợ, Sài Gòn Xuân Thành bây giờ mang thân phận không khác một "khất nhi". Đúng là nếu cách nay vài tháng, rất ít người tin rằng viễn cảnh này lại xảy ra cho một trong những đội bóng thuộc vào hàng giàu nhất nước.
Bầu Thụy chỉ tài trợ vỏn vẹn 25 tỷ đồng cho Sài Gòn Xuân Thành mùa tới
Tương lai mờ mịt
Năm nay, với việc tuyên bố chỉ đóng khung việc rót tiền ở mức 25 tỷ đồng, bầu Thụy gần như gián tiếp tuyên bố ông sẽ rút khỏi vai trò người đỡ đầu của Sài Gòn Xuân Thành, mà chỉ đơn thuần đóng vai nhà tài trợ.
Và với vai trò của một nhà tài trợ, cho dù là nhà tài trợ cỡ bự đi chăng nữa, thì người ta không khỏi băn khoăn là liệu ông Thụy từ từ sẽ rút chân hẳn khỏi Sài Gòn Xuân Thành và bỏ bóng đá? Câu hỏi này có lẽ chỉ ông Thụy mới trả lời dứt khoát được. Và dù bản thân ông Thụy luôn miệng nói sẽ gắn bó mãi mãi với Sài Gòn Xuân Thành, thì người ta vẫn chưa quên câu chuyện của CLB TP.HCM mấy năm trước.
Ban đầu, CLB TP.HCM thuộc sở hữu của tổng công ty Thép Việt Nam, đơn vị nắm đa số cổ phần trong công ty Thép Miền Nam - Cảng Sài Gòn (công ty điều hành hoạt động của CLB TP. HCM). Sau đó, Thép đứng sang một bên đóng vai trò nhà tài trợ, thay vì nuôi đội 100%, trước khi rót tiền cho đội bóng ít dần rồi ngưng hẳn. Kết quả là CLB TP.HCM rớt thẳng từ V-League xuống hạng Nhì, và giờ gần như bị xóa sổ. Bây giờ thì bầu Thụy đang bắt đầu đi đúng vào cái lộ trình mà tổng công ty Thép Việt Nam đã từng đi ở CLB TP.HCM, nên người ta càng có lý do để lo ngại ông Thụy rồi sẽ đến lúc ngưng cuộc chơi.
Người ta lo ngại vì ở chỗ bầu Thụy đến với bóng đá dễ bao nhiêu thì ông cũng có thể bỏ bóng đá dễ bấy nhiêu. Ông Thụy cũng không phải là dân TP.HCM, các công ty thuộc tập đoàn Xuân Thành của ông Thụy cũng không hoạt động mạnh ở TP.HCM, nên ông càng không có lý do để gắn bó lâu với bóng đá TP.HCM nói riêng và mảnh đất Sài thành phồn hoa nói chung.
Ngay ở mùa rồi, người ta cũng từng bàn đến chuyện bầu Thụy sẽ không nuôi tiếp Sài Gòn Xuân Thành, khi có giai đoạn (trùng với thời điểm VCK Euro 2012), ông Thụy hầu như không xuất hiện trong hơn cả tháng liền, chậm lương các cầu thủ. Chỉ đến gần cuối giải, ông Thụy mới xuất hiện và sau chiếc Cúp Quốc gia có được trên sân Thống Nhất hồi cuối tháng 8, bầu Thụy mới tính chuyện tài trợ tiếp cho bóng đá.
Với bầu Thụy, Sài Gòn Xuân Thành, bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra. Thế nên, chẳng còn gì đảm bảo rằng Sài Gòn Xuân Thành sẽ không đột ngột biến mất như Navibank Sài Gòn đang đứng bên bờ vực thẳm, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, vốn đang bào mòn các doanh nghiệp, bào mòn các đại gia Việt.
Bản thân bầu Thụy, thực tế cũng không dưới một lần bỏ ngang các đội bóng mà ông từng đầu tư, thậm chí từng đầu tư mạnh. Ông Thụy từng bỏ bóng đá Hà Tĩnh, trước khi đưa Xuân Thành Hà Tĩnh vào TP.HCM rồi đổi tên CLB thành Sài Gòn Xuân Thành. Ông Thụy cũng từng bỏ bóng đá Quảng Nam, khiến đội hạng Nhất của địa phương thuộc miền Nam Trung bộ này một phen điêu đứng vì hụt kinh phí. Mới năm ngoái, bầu Thụy cũng đã có thời điểm tính chuyện san sẻ quyền sở hữu Sài Gòn Xuân Thành, đổi tên đội thành Sài Gòn FC, và mãi cho đến khi các đối tác dần bỏ cuộc thì ông Thụy mới bất đắc dĩ trở lại gom cổ phần và nuôi lại đội bóng.
Theo Viễn Kiều
Người đưa tin