MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thương vụ VATC và sự soán ngôi của nhà đầu tư nội

17-04-2014 - 15:16 PM |

Với bề dày 15 năm hoạt động, Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ (IAE) là một trong những đơn vị giáo dục tư nhân hàng đầu Việt Nam, với thương hiệu quen thuộc VATC.

Sau hai lần đổi chủ, IAE đã về tay các nhà đầu tư nội địa, liệu họ có làm nên chuyện với IAE?

Năm 2008, Việt Mỹ VATC có 28 cơ sở giảng dạy Anh ngữ trên toàn quốc, là tập đoàn lớn nhất Việt Nam về giảng dạy Anh ngữ tại thời điểm này.

“Chỉ có lửa mới thử được vàng, chỉ có đầu ra mới phân định được trường tốt và trường không tốt”, Tiến sĩ Susan D’Aloia.

M&A trong lĩnh vực giáo dục không gây nhiều chú ý như trong các ngành tài chính - ngân hàng, thực phẩm và đồ uống hay bất động sản. Tuy nhiên, thông tin về việc quỹ đầu tư Mỹ, Black Horse Asset Management (BAM), mới bán cổ phần chi phối của mình tại Công ty TNHH Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ (Institution of American Education-IAE) cho một nhóm các nhà đầu tư Việt Nam là các cổ đông đến từ TNK Capital, EQuest Education và Ismart Education, đã tạo ra hiệu ứng tốt. Giá trị thương vụ không được tiết lộ chi tiết, tuy nhiên, theo một số nguồn thạo tin, con số này thấp hơn so với mức vốn chủ sở hữu của IAE (khoảng 10 triệu USD).

Giai đoạn khởi nghiệp: Đỏ và Xanh

Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ là đơn vị có tiếng trong lĩnh vực giáo dục tư nhân, sở hữu hai thương hiệu nổi tiếng VATC và Broward College Vietnam. Trong lĩnh vực giáo dục Anh ngữ và đào tạo nghề, đây là cái tên nổi đình đám một thời. IAE được thành lập lần đầu tiên vào năm 1999, chủ yếu tập trung vào đào tạo Anh ngữ dưới thương hiệu Anh ngữ Việt Mỹ VATC (người Sài Gòn quen gọi ngắn gọn là "Việt Mỹ Xanh" để phân biệt với Anh Văn Hội Việt Mỹ-VUS là "Việt Mỹ Đỏ"). Từ năm 2007, IAE tham gia thị trường đào tạo cao đẳng với việc thành lập Trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ và đến năm 2011, công ty tiếp tục nhảy vào thị trường đào tạo quốc tế, thông qua việc liên kết thành lập phân hiệu của Đại học Broward College (Hoa Kỳ) tại Việt Nam. Sau khi Việt Nam chính thức bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 1994, phong trào học tiếng Anh của người Sài Gòn bắt đầu sôi động trở lại. Khi đó, người sáng lập của IAE, tiến sĩ Hoàng Ngọc Phan, đã thuê nhượng quyền thương hiệu Anh Văn Hội Việt Mỹ (VUS) để triển khai đào tạo tiếng Anh tại TP.HCM. VUS là một thương hiệu của Hội Việt Mỹ (The Vietnam USA Society) - một tổ chức hữu nghị phi lợi nhuận được thành lập từ năm 1945. Tuy nhiên, việc khai thác thương hiệu của Hội Việt Mỹ chứ không phải thương hiệu riêng của mình có nhiều bất cập. Vì thế, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Phan quyết định lập nên Công ty TNHH Anh Văn Việt Mỹ và tạo dựng thương hiệu riêng là Anh Văn Việt Mỹ (nay đổi tên thành Anh ngữ Việt Mỹ - VATC) vào năm 1999.

Không lâu sau, ông Phạm Tấn Nghĩa, một cộng sự cũ của Tiến sĩ Hoàng Ngọc Phan đã đứng ra thuê lại thương hiệu VUS từ Hội Việt Mỹ và kinh doanh độc lập với Công ty Anh Văn Việt Mỹ. Như vậy, từ năm 1999, Sài Gòn có hai trung tâm dạy tiếng Anh nổi tiếng cùng tồn tại là Anh Văn Việt Mỹ và Anh Văn Hội Việt Mỹ. Sự tồn tại của hai thương hiệu gần giống nhau này khiến người Sài Gòn định danh cho chúng hai khái niệm ngắn gọn và dễ nhớ hơn, gắn với màu sắc của từng thương hiệu. Anh Văn Việt Mỹ được gọi là “Việt Mỹ Xanh” vì tông màu xanh da trời của mình, trong khi Anh Văn Hội Việt Mỹ được gọi là “Việt Mỹ Đỏ” vì nó sử dụng tông màu đỏ.

Trong nhiều năm sau đó, hai thương hiệu này gần như thống lĩnh thị trường giảng dạy tiếng Anh ở Sài Gòn. Việt Mỹ Xanh đã từng có tốc độ phát triển mạnh hơn các đối thủ cùng thời thông qua mô hình mở “franchise” ở các tỉnh, thành khác. Đến năm 2008, Việt Mỹ VATC có tới 28 cơ sở giảng dạy Anh ngữ trên toàn quốc (với 16 cơ sở tại Sài Gòn) và là tập đoàn lớn nhất Việt Nam về giảng dạy Anh ngữ tại thời điểm này, thống lĩnh thị trường TP.HCM và phía Nam. Ngoài việc giảng dạy tiếng Anh, từ năm 2000 IAE còn phát triển thêm mảng đào tạo nghề. Đến năm 2007, mảng đào tạo nghề này chính thức được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ (nay lấy thương hiệu là American Polytechnic College - APC). Nói là trường nghề, nhưng thực ra Cao đẳng Nghề Việt Mỹ dựa trên lợi thế cốt lõi của mình là năng lực giảng dạy tiếng Anh, vì thế trường tập trung đào tạo các nghề mang tính văn phòng như biên phiên dịch tiếng Anh thương mại, quản trị kinh doanh, quản trị du lịch nhà hàng - khách sạn và công nghệ thông tin. Với phương châm đào tạo đơn giản, nhưng hiệu quả là: “Nghiệp vụ chắc, Anh văn thạo, Tin học vững”, trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ đã bắt đúng nhịp thị trường lao động lúc bấy giờ. Số học sinh nhập học tại Cao đẳng Nghề Việt Mỹ tăng lên nhanh chóng với hơn 2.000 học sinh chỉ sau khi thành lập 2-3 năm.

Trái đắng của "Ngựa Đen"

Giai đoạn 2006-2007 là thời kỳ bùng nổ dữ dội của thị trường tài chính tại Việt Nam. Theo lời kể của một nhà đầu tư giáo dục, thời điểm đó xuất hiện hàng loạt các công ty tư nhân Việt Nam hoạt động trong nhiều lĩnh vực: công nghệ thông tin, thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh, tài chính - ngân hàng. có dịp lột xác từ vóc dáng “quê mùa” ban đầu trở thành những tập đoàn hiện đại. Lĩnh vực giáo dục thời đó cũng là một lĩnh vực tiềm năng, tuy nhiên “sức bật” của ngành này thua xa các ngành khác. Đó là lý do hầu như không có bất cứ khoản đầu tư đáng kể nào vào các công ty giáo dục trong giai đoạn này. Điều thú vị, IAE là một trường hợp ngoại lệ. Năm 2008, quỹ đầu tư Black Horse (Ngựa Đen) đến từ Mỹ tiến hành mua lại gần như toàn bộ phần vốn góp của các cổ đông sáng lập, qua đó trở thành cổ đông điều hành của Tập đoàn IAE. Giám đốc Điều hành Black Horse, ông John Engle, khi đó đã nhìn thấy tiềm năng dài hạn của ngành giáo dục tại Việt Nam, vì thế lần đầu tiên Black Horse đầu tư mua kiểm soát một công ty chưa niêm yết là IAE.

Là một quỹ được lãnh đạo bởi các nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ, Black Horse đặt tham vọng đưa nền giáo dục chất lượng cao của Hoa Kỳ vào Việt Nam với mục tiêu thống lĩnh thị trường này trong dài hạn. Để hiện thực hóa mục tiêu của mình, không lâu sau IAE đã theo đuổi việc hợp tác với Broward College, một trường đại học công lập tại bang Florida, Hoa Kỳ. Xuất thân là một trường Cao đẳng Cộng đồng (Community College), Broward College là ngôi sao sáng của hệ thống đại học công lập của Florida và chính thức được chính quyền Tiểu bang Florida cho phép trở thành một đại học đào tạo cử nhân 4 năm của tiểu bang này vào giữa năm 2008. Theo ông John Engle, trường này được ghi nhận là một trong 10 trường đào tạo hệ cao đẳng cộng đồng tốt nhất nước Mỹ trong nhiều năm liền bởi Aspen Institute, một viện nghiên cứu giáo dục hàng đầu của Mỹ, đặt tại Washington D.C, do hai cựu bộ trưởng ngoại giao Mỹ, nữ Tiến sĩ Madeleine Albright và Giáo sư Condoleezza Rice, tham gia lãnh đạo.

Mô hình hợp tác giữa IAE và Broward College ở Việt Nam là mô hình tiên phong, theo đó Broward College trực tiếp quản lý chất lượng đào tạo và cấp bằng. Vì Broward College là một trường công lập phi lợi nhuận, việc kiếm tiền không phải là mục tiêu lớn của chương trình này. Do đó, chất lượng giảng dạy của Broward College tại Việt Nam là ưu tiên số một và được quản lý rất ngặt nghèo. Do vậy, đây được coi là chương trình đào tạo có chất lượng tốt nhất và khó nhất của Mỹ tại Việt Nam tính đến thời điểm này. Tham vọng tạo dựng một nền giáo dục Hoa Kỳ chất lượng cao ở Việt Nam của Black Horse không sai, nhưng cuộc chơi của "Ngựa Đen" không thuận buồm xuôi gió. Vẫn theo lời nhà đầu tư giáo dục nói trên, trong khi IAE tập trung xây dựng Broward College Việt Nam, cuộc chơi trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết với hàng loạt các đối thủ mới như ILA, Apollo, British Council, EQuest, chưa kể hàng trăm trung tâm nhỏ khác. "Điều này khiến “miếng bánh” thị trường của Anh ngữ Việt Mỹ VATC bị thu hẹp đáng kể, dù họ có thương hiệu mạnh và lâu đời", nhà đầu tư này nhận định.

Một yếu tố khác gây bất lợi cho IAE khi ấy là hệ thống Cao đẳng nghề Việt Mỹ của công ty này vừa mới đạt được quy mô đủ lớn để có lợi nhuận (3.500 sinh viên), thì lại bị ảnh hưởng tiêu cực của hàng loạt chính sách giáo dục mới của Nhà nước. Theo Tiến sĩ Lê Thị Thanh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Việt Mỹ, nặng nề nhất là chính sách hạn chế chuyển tiếp lên đại học và chính sách bỏ điểm sàn tuyển sinh vào đại học. Bà Thanh phân tích, Việt Nam vốn là một xã hội trọng bằng cấp, ngày nay cánh cửa vào các trường đại học đã rộng mở hơn đối với giới trẻ. Tuy vậy, nhiều người có tâm lý thà tìm mọi cách để cho con em mình lọt vào cánh cửa đại học, dù là đại học tư thục chất lượng thấp, còn hơn cho con học cao đẳng, kể cả có chất lượng cao. Đó là chưa kể việc học cao đẳng sau đó chuyển tiếp lên đại học rất khó khăn: hoặc phải thi lại đại học, hoặc phải đi làm sau 3 năm mới được chuyển tiếp. Vì vậy, hai chính sách này khiến thị phần của tất cả các trường cao đẳng và trung cấp trên cả nước bị co hẹp một cách bất ngờ, theo bà Thanh. Cao đẳng nghề Việt Mỹ cũng chịu chung số phận với các trường cao đẳng khác khi phải đối mặt với khó khăn lớn hơn nhiều về mặt tuyển sinh.

Trong lĩnh vực giáo dục chất lượng cao của Hoa Kỳ, Broward College Việt Nam phải vật lộn với hàng chục, thậm chí hàng trăm chương trình “liên kết” mọc lên như nấm ở Việt Nam. Các chương trình liên kết này đều "dán nhãn mác" Mỹ, Anh, Úc, Singapore… nhưng đa phần có đối tác là các đại học tư thục online, các trường không tên tuổi, không được kiểm định, thậm chí chỉ là các trung tâm bán bằng (diploma mills). "Lợi thế của chúng là học phí rẻ, điều kiện nhập học và tốt nghiệp rất thấp, đồng thời đánh trúng tâm lý coi trọng bằng đại học của người Việt Nam. Trong khi đó, Broward College có điều kiện tiếng Anh để nhập học và tốt nghiệp rất nghiêm ngặt", Tiến sĩ Lê Thị Thanh nói.

Trong khi đó, phụ huynh và học sinh hầu như không có khả năng để phân định đâu là cơ sở đào tạo có chất lượng cao và được kiểm định, đâu là cơ sở đào tạo chất lượng thấp không được kiểm định. Vấn đề là tất cả các cơ sở này đều được Nhà nước cấp phép hoạt động ở Việt Nam, nhưng cho đến nay, các cơ quan chức năng chưa có bất cứ động thái nào để hướng dẫn, định hướng cho sinh viên về chất lượng của từng đơn vị đào tạo. Hệ quả là không ít cơ sở đào tạo treo bằng "chất lượng cao", nhưng chất lượng đào tạo thì rất thấp, thậm chí gây ra nhiều hệ lụy mà báo chí đã từng phản ánh.

Cuộc lội ngược dòng của nhà đầu tư nội

Thực tế này khiến Black Horse sau gần 6 năm quản lý IAE đã tỏ ra thấm mệt. Cuối năm 2013, quỹ đầu tư này đã bán lại phần lớn số vốn góp của mình tại IAE cho một liên minh các nhà đầu tư Việt Nam đến từ TNK Capital, EQuest và Ismart. Giá trị của thương vụ không được các bên tiết lộ, tuy nhiên theo giới thạo tin thì con số chỉ xấp xỉ giá trị vốn chủ sở hữu của IAE tại thời điểm chốt giao dịch. Điều đó có nghĩa là Black Horse đã chấp nhận “cắt lỗ” và chính thức giã từ cuộc chơi giáo dục khắc nghiệt tại Việt Nam, dù mô hình của họ vượt trội so với nhiều đối thủ. Tương lai của IAE giờ đây được đặt trong tay nhóm các nhà đầu tư mới, vốn không phải là những người xa lạ với lĩnh vực giáo dục.

Một trong các cổ đông là EQuest, công ty chuyên về dạy tiếng Anh và tư vấn du học tại miền Bắc và gần như độc chiếm mảng luyện thi SAT, TOEFL, IELTS, TOEIC cao cấp tại Hà Nội. Ismart Education cũng là một công ty đi tiên phong trong lĩnh vực giải pháp số cho giáo dục từ mầm non tới đại học. Giám đốc điều hành của IAE, Tiến sĩ Đàm Quang Minh (một trong các nhà đầu tư mới), từng là Giám đốc chương trình Cao đẳng nghề của Đại học FPT (FPT Polytechnic). Ông là người góp phần đưa FPT Polytechnic từ con số không trở thành một trong những trường cao đẳng uy tín ở Việt Nam với hơn 6.000 sinh viên trên toàn quốc.

Liệu kinh nghiệm của nhóm nhà đầu tư trong nước có phải là chìa khóa đưa IAE lội ngược dòng, để trở lại thời kỳ hoàng kim với tư cách là một trong những tập đoàn giáo dục tư nhân hàng đầu Việt Nam như hồi năm 2008? Cần nhắc lại rằng, thời kỳ đó VATC vượt lên trên đối thủ lớn nhất của họ trong cùng phân khúc là VUS. Chẳng hạn, tổng số chi nhánh của VATC English (các lớp dạy tiếng Anh của VATC) chỉ tính riêng tại TP.HCM vào năm 2008, theo hình thức "franchise" lên tới 283 lớp học. Khi VATC đi xuống thì VUS chớp thời cơ vươn lên mạnh mẽ, khiến VATC đánh mất ngôi vị số 1. Rõ ràng, bức tranh đầu tư giáo dục hiện nay đã có nhiều gam màu khác so với 6 năm trước, thách thức và khắc nghiệt hơn rất nhiều. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toàn, người sáng lập EQuest, nay là Chủ tịch Hội đồng Thành viên của IAE, cuộc chơi tuy đã biến đổi, nhưng những người mua lại IAE cũng đã nghiên cứu kỹ và chuẩn bị đầy đủ “vũ khí” cho trận đánh lớn phía trước. "Chúng tôi cố gắng đưa VATC quay trở lại thời hoàng kim trong vòng 3-5 năm tới", ông Toàn nói.

Theo Tiến sĩ Toàn, thị trường giảng dạy tiếng Anh vẫn còn nhiều tiềm năng. Có nhiều cách cạnh tranh trên thị trường này như: đầu tư vào cơ sở vật chất, hình ảnh - thương hiệu, chất lượng đội ngũ giáo viên, công nghệ giảng dạy hay dịch vụ khách hàng. Ông khẳng định: "IAE chỉ đầu tư vừa phải vào cơ sở vật chất vì đây là cuộc chạy đua không có đích về chi phí. Thay vào đó, chúng tôi đầu tư vào chất lượng đội ngũ giáo viên, công nghệ, dịch vụ khách hàng”.

Tiến sĩ Đàm Quang Minh, Giám đốc Điều hành IAE, cho biết Anh ngữ Việt Mỹ VATC đang chuẩn bị áp dụng công nghệ bài giảng số và lớp học thông minh tại tất cả các cơ sở của mình. Học sinh sẽ được học trong môi trường tương tác với các bài giảng được thiết kế trên nền đồ họa 2D, 3D sống động. “Học sinh của Anh ngữ Việt Mỹ VATC phần lớn trong độ tuổi tiểu học và phổ thông cơ sở, độ tuổi mà tư duy trừu tượng còn chưa mạnh, các nội dung số này sẽ giúp người học trải nghiệm trong môi trường tương tác thực và vì thế khả năng nắm bắt bài giảng được nhân lên nhiều lần”, ông Minh chia sẻ.

Đối với chiến lược của hệ thống Cao đẳng nghề Việt Mỹ, ông Minh tiết lộ trường sẽ đặt trọng tâm vào ba nội dung: Anh văn giỏi, nghiệp vụ vững và cơ hội việc làm ngay từ năm đầu tiên, và tất cả sinh viên học tại Cao đẳng Nghề Việt Mỹ sẽ được học tiếng Anh miễn phí trong suốt thời gian học tại các trung tâm Anh ngữ Việt Mỹ VATC. Về mặt chuyên môn, trường đang ráo riết chuẩn bị áp dụng chương trình của BTEC vào giảng dạy (đây là chương trình cao đẳng quốc gia Anh quốc, hiện đang được nhiều trường đại học ở Việt Nam triển khai như ĐH Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng, ĐH Kinh tế Đà Nẵng, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Nguyễn Trãi…). Trường cũng sẽ thành lập hội đồng cố vấn nghề nghiệp, bao gồm sự tham gia của lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn ở Việt Nam. IAE cho biết, họ sẽ cố gắng sắp xếp cho sinh viên có điều kiện thực tập sớm, ngay từ năm đầu vào học, thực tập xen kẽ trong suốt thời gian học tại trường và hỗ trợ các em liên tục cho tới khi tìm được việc làm.

Đối với phân hiệu Broward College tại Việt Nam, một mảng khác thuộc IAE, Tiến sĩ Susan D’Aloia, Trưởng khoa tiếng Anh của nhà trường, cho rằng, các thế hệ sinh viên tốt nghiệp của Broward College Việt Nam sẽ là "bằng chứng sống" cho chất lượng sư phạm của phân hiệu này. Trao đổi với Doanh Nhân qua e-mail, bà nói: “Cái chúng tôi cần là thời gian, vì để chứng minh một dịch vụ giáo dục tốt thì không thể làm “xổi” mà phải dựa vào các sinh viên đã tốt nghiệp". Hiện nay, nhiều sinh viên tốt nghiệp của Broward College đang bắt đầu học chuyển tiếp tại các đại học uy tín của Úc, Canada, Mỹ. Số khác ra trường đi làm ngay cũng bắt đầu có mặt tại nhiều công ty lớn như Six Senses, Park Hayatt, HSBC, Atlantic Commodities...

Thêm một lần "lột xác" nữa, IAE có vẻ như đang vươn mình đứng dậy để chứng minh giá trị lâu dài của nó. Thách thức sẽ là rất lớn sau khi IAE đổi chủ, nhưng Giám đốc điều hành IAE, Tiến sĩ Đàm Quang Minh, tỏ ra tự tin: “Chúng tôi có tri thức và trải nghiệm quốc tế, kinh nghiệm cũng như hiểu biết về giáo dục bản địa nên chiến lược sắp tới cho IAE là nắm bắt và đi đầu trong các xu thế cách mạng giáo dục đang diễn ra trên thế giới. Chúng tôi tự tin là mình sẽ thành công”.

Cuộc trở lại chông gai đến vị thế cũ của IAE đã khởi đầu.

Thành Trung

thanhhuong

Doanh nhân

Từ Khóa:
Trở lên trên