TS Nguyễn Trí Hiếu: Thắt dây an toàn trong 6 tháng đầu năm
"Trong 6 tháng đầu năm chúng ta nên thắt dây an toàn để sẵn sàng đối phó với những vấn đề có thể trở nên trầm trọng hơn".
- 27-08-2012Ông Nguyễn Trí Hiếu - Thành viên HĐQT ABBank đi làm bằng xe ôm
- 13-12-2011Nguyễn Trí Hiếu - Người lập ngân hàng Việt đầu tiên trên đất Mỹ
- 23-01-2013Đã khởi tố, bắt giam nguyên Tổng giám đốc Agribank
- 03-02-2013Nguyên giám đốc ngân hàng Eximbank ôm gần 140 tỉ đồng bỏ trốn
Từng sống ở nước ngoài hơn 30 năm, luôn theo dõi những biến chuyển ở Việt Nam nhưng chưa bao giờ ông Nguyễn Trí Hiếu, thành viên HĐQT Ngân hàng An Bình chứng kiện những sự kiện xảy ra trong xã hội, trong nền tài chính, kinh tế Việt Nam như trong năm 2012.
“Hàng loạt lãnh đạo của các ngân hàng lớn ở Việt Nam từ thành viên HĐQT, Chủ tịch HĐQT, TGĐ bị bắt. Cách đây ít ngày, nguyên TGĐ Ngân hàng Nông nghiệp cũng bị bắt. Tại sao vậy? Có cái gì đang xảy ra trong xã hội này mà hàng loạt lãnh đạo, những người cầm cân nảy mực ngành kinh tế, những người nắm trong tay hàng tỷ bạc chiếm một lượng lớn tài sản quốc gia bị bắt?”, ông cho biết. “Hình như từ ngày mở cửa và những năm đầu thập niên 90 cho đến 2011 không xảy ra hiện tượng này”.
Ông dẫn chứng câu chuyện xảy ra làm náo động cả nước hồi tháng 10/2003 là Tổng Giám đốc ACB bỏ trốn sang Mỹ. Nhưng đó là tin thất thiệt. Ngân hàng Nhà nước ngay sau đó đã bác bỏ tin đồn và cung cấp thanh khoản cho tất cả hệ thống ngân hàng và ACB, trấn an dư luận. “Đùng cái sang năm 2012, một số các lãnh đạo ngân hàng thương mại bị bắt. Tôi nghĩ rằng đây là một hiện tượng mà có lẽ chúng ta phải quan tâm”, ông nói thêm.
Dưới góc nhìn của ông từ phía tài chính, thì đây là vấn đề vi phạm về bộ đạo đức nghề nghiệp, kinh doanh tiền tệ. Thế nhưng hình như nó đã đi ra ngoài vấn về tiền tệ, đó là vấn đề đạo đức kinh doanh. Mời độc giả Cafebiz lắng nghe ý kiến của ông về vấn đề này:
Ở TP HCM hiện tại, vấn đề bị cướp giật trên đường phố xảy ra đến một mức độ báo động. Mấy người bạn gọi đến cho tôi bảo vừa mất điện thoại, mất cái ví. Cái gì đang xảy ra ở xã hội Việt Nam? Tôi nghĩ rằng, qua khủng hoảng tài chính cũng giống như một con sông khi mặt nước cao trên một con sông chúng ta thấy một con sông tuyệt vời, nhưng khi nước rút ta nhìn thấy đáy sông đầy những cặn rác.
Hình như Việt Nam đang đi vào một tiến trình mà qua khủng hoảng chúng ta nhìn thấy vướng mắc. Một trong những vướng mắc tôi nhìn thấy là vấn đề đạo đức kinh doanh. Tôi xin đưa ra nhận xét, để cùng trao đổi, suy ngẫm về vấn đề đạo đức kinh doanh và đạo đức trong xã hội Việt Nam.
Sự việc này tôi nghĩ là muộn rồi nhưng muộn còn hơn không thấy. Để cho một ngân hàng thất thoát hàng tỷ đồng mà có lẽ trong xã hội rất nhiều những cái thiệt hại như thế thì đã muộn rồi. Đáng lẽ chúng ta phải nhìn thấy trước đây 5 năm hoặc 10 năm để chúng ta kiềm chế lại. Nhưng chúng ta đã để nó xảy ra. “Chúng ta” ở đây là toàn thể xã hội. Muộn còn hơn không. Thà rằng chúng ta nhìn thấy, tìm cách kiểm soát nó còn hơn nhắm mắt làm ngơ.
Tôi không tin tất cả những cái xấu đã phơi bày ra. Bên tài chính chúng tôi có một câu nói: Nó sẽ trở nên tệ hơn trước khi nó tốt hơn. Tôi nghĩ tình trạng những sai phạm sẽ lộ diện nhiều hơn nữa trong những tháng tới.
Khi nền kinh tế khó khăn, tất cả những vấn đề như thiếu đạo đức, trộm cắp, hành vi lừa gạt lộ dần lên mạnh mẽ hơn trong những tháng tới. Tôi tin là vậy. Thế nhưng đó là cái giá chúng ta phải trả để qua quá trình chuyển đổi tình hình trở nên tốt hơn. Tôi nghĩ rằng chúng ta xem đó là cái giá chúng ta phải trả cho tương lai tốt hơn.
Trong nửa năm đầu năm 2013 tôi nghĩ tình trạng chúng ta phải trả cái giá rất đắt. Điều đầu tiên là vấn đề nợ xấu trong toàn ngành ngân hàng. Như chúng ta biết hiện tại ngân hàng nhà nước đang có một đề án đã trình lên Chính phủ và Chính phủ đã trình lên Bộ Chính trị. Hiện tại, Bộ Chính trị chưa có một quyết sách về chuyện đó. Đề án của Ngân hàng Nhà nước là thành lập một công ty xử lý nợ quốc gia. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu đề án đó và trong mấy ngày tới tôi cũng sẽ có những phát biểu, nhận định về đề án của Ngân hàng Nhà nước trên các phương tiện truyền thông.
Thế thì, vấn đề nợ xấu sẽ tiếp tục xói mòn tài sản của đất nước trong vòng những tháng tới. Nhưng tôi tin và mong rằng trong 6 tháng cuối năm 2013, chúng ta sẽ tìm ra những giải pháp và có lẽ tình hình sẽ sáng sủa hơn. Nhưng trong 6 tháng đầu năm chúng ta nên thắt dây an toàn để sẵn sàng đối phó với những vấn đề có thể trở nên trầm trọng hơn.
Diệp Vi