Vì sao CEO Amazon mua Washington Post?
Nội dung nổi bật:
- Trang AdAge đã đưa ra 3 lý do tiềm năng để Bezos thực hiện thương vụ này: Cứu tính cho ngành công nghiệp báo chí/gia tăng ảnh hưởng chính trị/tìm kiếm lợi nhuận.
- Bezos là người có cái nhìn dài hạn, sẵn sàng bỏ qua cái lợi trước mắt để tập trung cho các mục tiêu dài hơi.
Jeff Bezos, nhà sáng lập trang bán lẻ Amazon và là người giàu thứ 19 trên thế giới, mới đây đã mua lại tờ Bưu điện Washington (The Washington Post), một trong những nhật báo có sức ảnh hưởng lớn nhất nước Mỹ.
Theo đó, Jeff Bezos đã chi 250 triệu USD tiền mặt để mua một số đầu báo in truyền thống của tờ này như the Fairfax County Times, El Tiempo Latino, Express, the Gazette và Southern Maryland, khi mà tình hình kinh doanh của ngành công nghiệp báo in đang vô cùng ảm đạm.
Đại diện của ông Bezos từ chối bình luận về điều này. Nhưng dưới đây là ba lý do tiềm năng mà biên tập viên Michael Sebastian của trang AdAge đưa ra để lý giải cho động thái của Bezos.
1. Cứu tinh cho ngành công nghiệp báo chí - hay ít nhất là The Washington Post.
Trong mục câu hỏi thường gặp (FAQ) được gửi đến các nhân viên tờ Bưu điện Washington hôm Thứ hai, công ty cho biết sẽ không bất kỳ ai bị sa thải sau thương vụ này, mặc dù ông Bezos khẳng định sẽ có một số thay đổi trong quá trình hoạt động. Ông cũng cam kết không can thiệp các hoạt động thường nhật của tờ báo, thay vào đó vẫn là những nhà lãnh đạo hiện tại.
Trong thư gửi tới nhân viên tờ Bưu điện Washington, ông Bezos đã ca ngợi nhiều ưu điểm của tờ báo cũng như Chủ tịch và Giám đốc điều hành của công ty - ông Don Graham. "Tôi vô cùng vinh hạnh được quen biết Don trong suốt 10 năm qua", Bezos nói. "Tôi chưa từng gặp ai tốt như ông”.
Ken Doctor, nhà phân tích truyền thông tại Outsell ví ông Bezos là một hiệp sỹ tốt bụng (white knight). "Gia đình Graham nhìn vào triển vọng dài hạn của tờ báo giấy mà họ đã dày công xây dựng, và họ quyết định tờ báo này cần có một hiệp sỹ.", ông bình luận.
Những gì ông Bezos có thể làm cho tờ Bưu điện là cấp cho nó một lượng lớn tiền mặt ngay lúc cấp thiết nhất, Doctor nói thêm.
"Amazon là công ty tốt nhất hành tinh về trải nghiệm người dùng", Doctor tin tưởng. "Có thể bạn sẽ nhìn thấy một bước đột phá khi Bezos tính toán đến những trải nghiệm đọc sách thời đại mới. Đó là những gì tờ Bưu điện đang cần."
2. Gia tăng tầm ảnh hưởng về chính trị
Mặc dù ông Bezos vốn không hoạt động mạnh trên chính trường, phần lớn các suy đoán về lý do ông bỏ tiền mua the Washington Post lại nghiêng về yếu tố này, bởi nó có thể giúp củng cố tầm ảnh hưởng của Amazon tại Washington.
"Có lẽ ông Bezos muốn tận dụng tờ bưu điện làm tiếng nói cho mình," Susan Bidel, một nhà phân tích của Forrester cho biết. "Nhiều tỷ phú đã làm điều tương tự ."
Việc những gia đình giàu có sở hữu các tờ báo vốn không còn xa lạ trong ngành công nghiệp này, mặc dù họ luôn khẳng định việc này chẳng liên quan gì tới tầm ảnh hưởng của họ. Trên thực tế, anh em nhà Koch cho biết, họ đã nhắm tới Thời báo Los Angeles của Công ty Tribune như là một phần của kế hoạch gia tăng ảnh hưởng của họ về mặt chính trị.
Mặc dù ông Bezos hiện không mấy nhiệt tình với lĩnh vực này, việc mua lại tờ Bưu điện Washington có thể là cách để ông gia cố địa vị của mình tại Washington và định hình các cuộc thảo luận, ông Jason Moyer, đối tác tại Brand Value Advisers bình luận.
"Tôi không biết hiệu quả về mặt chi phí sẽ đến đâu, nhưng chắc chắn đó là một chiến lược khôn ngoan nhằm gia tăng ảnh hưởng của ông Bezos đến các chính sách, cho dù là đánh thuế internet hay làm luật ", ông Moyer nói.
Theo tờ báo này, ông Bezos đã từng chi 2,5 triệu USD để thông qua một cuộc trưng cầu với mục đích hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính ở tiểu bang Washington. Amazon cũng quan tâm đến các chính sách ở Washington, bao gồm cả việc đánh thuế bán hàng trên mạng và chính sách nhập cư, vốn ảnh hưởng đến khả năng thuê lao động tay nghề cao từ nước ngoài của các công ty công nghệ.
3. Lợi nhuận, tại sao không?
Giữa những suy đoán cho rằng ông Bezos muốn trở thành vị cứu tinh của báo chí hay một tỷ phú muốn khuếch trương danh tiếng của mình, cũng không loại trừ một lý do đơn giản cho thương vụ này đó là: ông có thể kiếm lợi nhuận từ nó .
Nói cho cùng thì ông Bezos là một tỷ phú luôn thích thú với những trò chơi dài hơi, Doctor nói. Tại Amazon, Bezos liên tục hi sinh lợi nhuận ngắn hạn cho các mục tiêu dài hạn mà ông gọi là "lấy khách hàng làm trung tâm".
"Năng lượng của chúng tôi tại Amazon xuất phát từ mong muốn gây ấn tượng với khách hàng, chứ không hẳn là đánh bại các đối thủ cạnh tranh," ông nói trong một lưu ý gửi đến các nhà đầu tư.
Các chuyên gia phân tích kỳ vọng ông Bezos có thể giúp cắt giảm chi phí và tạo ra một mô hình tin tức có hiệu suất cao hơn mà không cần thiết phải cắt giảm nhân công.
"Trong tất cả những ứng viên tham gia vào cuộc chơi này, có lẽ đây là tay chơi thú vị nhất", ông Moyer cho biết. "Khi bạn nhìn vào một ngành công nghiệp đang trải qua những thay đổi cực đoan và có thể ở bên bờ vực thẳm, tôi cho rằng sự đổi mới lớn nhất luôn đến những kẻ ngoại đạo”.
Bà Bidel nói thêm: "Chắc chắn không ai biết về thế giới số tốt hơn Amazon. Vì vậy, trong số những ông chủ tiềm năng của tờ Bưu điện Washington, Bezos là người có nhiều cơ hội nhất."
Ngoài việc bán quảng cáo và báo giấy, một trong những giải pháp kiếm tiền từ tờ báo in tiềm năng này là khai thác thư viện nội dung của nó. Những thương hiệu như Amazon đang cần có nội dung. Vậy thì sao phải đi thuê các nhà báo hoặc nghĩ cách sản xuất ra nội dung, trong khi anh hoàn toàn có thể mua một tờ báo?
Đối tác Moyer kỳ vọng "các phòng tin tức sẽ nhanh chóng trở thành sản phẩm nóng. Cho dù từ góc độ thương hiệu hay góc độ nội dung, chắc chắn ông Bezos sẽ có cả một thư viện để khai thác."
Theo Minh Huệ