MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam: Dịch vụ đám cưới giúp kích cầu nền kinh tế

29-06-2013 - 09:09 AM |

Tổng chi phí bình quân cho một đám cưới có khoảng 300 khách mời ở Việt Nam là 100 triệu đồng, với điều kiện không tổ chức ở nhà hàng, khách sạn sang trọng. Số tiền này là quá lớn so với thu nhập của người Việt Nam.

Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều cho rằng dù tốn kém nhưng là việc phải làm và dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu xã hội thì chính những đám cưới cao cấp này lại đang góp phần thúc đẩy nền kinh tế.

Theo khảo sát mới đây của tập đoàn Home Credit tại các nước như Cộng hòa Séc, Slovakia, Belarus, Nga, Kazakhstan, Trung Quốc và Việt Nam, tổng chi phí để tổ chức đám cưới ở Slovakia trong khoảng 21 triệu đồng và lên đến 300 triệu đồng tại Nga. Ở Việt Nam, chi phí này là khoảng 100 triệu đồng với số khách mời dao động ở mức 300 người.

Chi phí này sẽ tăng lên nhiều nếu tiệc cưới được tổ chức tại các nhà hàng khách sạn sang trọng. Trong đó, tiệc cưới là chi phí cao nhất trong các khoản phải chi, và mỗi suất ăn trong đám tiệc được tính khoảng 200.000-500.000 đồng. Những chi phí khác như áo cưới cho cô dâu, vest cho chú rể, chi phí thuê xe hơi và ban nhạc thường không có một hạn mức nhất định.
 
Mức chi cho đám cưới như vậy là khá cao xét trên mức lương tối thiểu hiện nay là 1,5 triệu đồng mỗi tháng và so với mức thu nhập của những người có trình độ đại học khi chỉ là 4,5 triệu đồng. Như vậy, số tiền tổ chức đám cưới này sẽ là bằng ít nhất 3 năm thu nhập của cặp vợ chồng có lương tối thiểu và 1 năm của cặp vợ chồng tốt nghiệp đại học.
 
Sở dĩ chi phí cho đám cưới hiện nay tăng cao một phần là do nền kinh tế Việt Nam đã gia tăng trong vòng 20 năm qua. Trước đây thu nhập quốc dân chỉ là 200USD/đầu người, giờ là 1.200USD nên các khoản đầu tư cá nhân cũng được đẩy lên.

Hơn nữa, với mô hình đám cưới hiện đại thì có rất nhiều công đoạn, công nghệ được đưa vào sử dụng nên cũng tốn kém hơn. Song những công nghệ này đem lại hiệu quả cao cho đám cưới nên người dân cũng chẳng ngại ngần mà đầu tư.
 
Tuy nhiên, nhìn trên góc độ xã hội thì chính những đám cưới rình rang lại đem lại nhiều lợi ích. Nếu tính trên con số thống kê thì hiện nay mỗi năm Việt Nam có khoảng 1 triệu người bước vào tuổi kết hôn, và như vậy sẽ có khoảng 500 nghìn đám cưới được tổ chức. Giả sử một nửa trong số đó sẵn sàng chi 100 triệu đồng như cuộc khảo sát trên, thì tổng số tiền chi cho đám cưới mỗi năm sẽ là 1,2 tỷ đô la. 

Đây sẽ là một gói kích cầu lớn cho nền kinh tế nước nhà khi tạo rất nhiều dịch vụ tốt và công ăn việc làm từ những dịch vụ như vậy. Ví như dịch vụ tổ chức tiệc cưới, chụp ảnh, cho thuê trang phục, trang điểm, dịch vụ ăn cưới hỏi trọn gói…
 
PGS Phạm Bích San cho rằng chủ trương hạn chế khách mời đám cưới của một số địa phương là chưa thực tế. Bởi bản chất của mỗi con người đều có tính kinh tế, tự biết tính toán thế nào là chi tiêu hợp lý vì vậy đừng vội lo ngại tiệc cưới gây ra lãng phí mà hãy để người dân tự quyết. Và càng bất hợp lý hơn khi dùng mệnh lệnh hành chính để bắt họ phải từ bỏ một phong tục và những lợi ích thiết thực.
 
Bởi đằng sau 1 đám cưới có thể giải quyết được nhiều vấn đề từ an sinh xã hội cho đến các vấn đề về mối quan hệ đến cả việc hàn gắn hôn nhân trong tương lai. “Ví như  khi vợ chồng giận nhau họ nhìn lại đám được tổ chức quy củ, trang trọng thì có thể họ sẽ trân trọng và quý giá cuộc hôn nhân hơn. Vậy thì tại sao lại cấm cản họ, không thể gò họ vào một sự tiết kiệm chỉ mang tính hình thức hãy để họ tự quyết định. Tuy nhiên, cũng không nên quá rình rang, khuếch trương quá đáng”, ông San nói.
 
Chính bởi vậy, cái quy định chỉ được mời 300 khách trong đám cưới chẳng còn mang nhiều ý nghĩa. Nếu lấy lý do là để bớt sự lãng phí, tránh những tiêu cực trong giới quan chức lãnh đạo thì cũng chẳng có giá trị, bởi nếu đã muốn thì người ta thiếu gì cách để gợi cho nhau cách biếu xén tặng quà, đâu nhất thiết phải là phòng bì mừng cưới.
 
Chi phí cho đám cưới vẫn là một trong những khoản chi tiêu lớn trong cuộc sống của mỗi người. Vậy nhưng ai sẽ trả cho khoản chi phí này? Theo như khảo sát của Home Credit, chỉ có khoảng 29% các cặp đôi có khả năng chi trả các chi phí cho đám cưới của họ, 71% còn lại là nhờ vào sự giúp đỡ của cha mẹ. Đó cũng là lý do mà các đám cưới tại Việt Nam thường là cơ hội để các bậc phụ huynh thể hiện mối quan hệ, khả năng tài chính cũng như tương lai con cái.
 
Theo Hà Linh

duchai

Sống mới

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên