Xu hướng mới của bán lẻ thế giới: MẶC CẢ
“Tôn thờ giá cao luôn tạo thêm thị trường cho đối thủ cạnh tranh" - chuyên gia kinh tế Peter Drucker nói.
- 28-12-2013Doanh nghiệp bán lẻ nội: "Bó đũa" không thành!
- 19-12-2013Thị trường bán lẻ: Quyết liệt trước giờ G
- 09-12-20135 website bán lẻ hàng đầu Việt Nam đều thuộc về các doanh nghiệp 'nội'
Giá cả tiếp tục là một trong những chuyển biến lớn nhất trong ngành bán lẻ. Toàn cầu hóa, cạnh tranh gắt gao và sự bùng nổ của Internet cũng như hoạt động chia sẻ thông tin đang làm thay đổi thị trường bán lẻ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Những yếu tố này cũng gây ra áp lực giảm giá.
Toàn cầu hóa tạo nên dòng dịch chuyển các nhà máy sản xuất đến với các nước có chi phí sản xuất thấp hơn, cũng như giúp các sản phẩm xuất khẩu trở nên cạnh tranh hơn so với các thương hiệu nội địa. Cạnh tranh gắt gao khiến một khách hàng giờ có thể trở thành “Thượng đế” của nhiều công ty khác nhau, gây ra áp lực giảm giá không thể tránh khỏi.
Còn Internet và sự trao đổi thông tin mạnh mẽ giúp người tiêu dùng có thể so sánh giá cả, chất lượng để từ đó lựa ra sản phẩm mình ưng ý nhất.
Theo một nghiên cứu gần đây của Google, 84% người tiêu dùng sử dụng điện thoại trong các cửa hàng trước khi ra quyết định mua sắm, bao gồm cả việc so sánh giá cả, tìm kiếm khuyến mãi và tìm kiếm thông tin sản phẩm, 1/3 người mua hàng thích dùng điện thoại hơn là hỏi nhân viên cửa hàng.
Đặc biệt trong bối cảnh suy thoái, khi người tiêu dùng buộc phải chú ý hơn đến giới hạn ngân sách của mình, các tấm thẻ giá đang dần nhòa đi, và thay vào đó là những cuộc mặc cả vô cùng gay cấn. Các công cụ theo dõi giá đầy ắp trên các thiết bị di động, các trang web trực tuyến luôn rộng cửa chào khách, thông tin được cung cấp đầy đủ hơn, người tiêu dùng trở nên táo bạo hơn.
Thừa nhận thực tế mới này, các nhà bán lẻ đã phải gấp rút thích ứng với tình hình mới, một mặt đẩy mạnh bộ phận chăm sóc khách hàng, mặt khác đào tạo nhân viên về nghệ thuật “mặc cả” - điều rất phổ biến ở khu vực kinh tế vỉa hè, chợ búa song lại rất lạ lẫm đằng sau các tòa cao ốc hay siêu thị.
Hồi tháng 11/2013, Best Buy đã đặc biệt để ngỏ khả năng mặc cả cho khách hàng, khi tuyên bố rằng giá của hãng sẽ được điều chỉnh xuống cho phù hợp với tình hình của thị trường, nếu khách hàng cho thấy bằng chứng giá cả sản phẩm đang thấp hơn.
Theo New York Times, các nhà bán lẻ khác cũng đưa ra những hành động tương tự, nhưng ít phô trương hơn, thậm chí nhượng bộ nhiều hơn. Trang web thu thập thông tin, so sánh giá cả và xếp hạng giao dịch trực tuyến DealScience đã nhận thấy rằng ít nhất 20% đại gia bán lẻ thực thi chính sách “giá trùng khớp” (matching prices), dù nhiều nơi không thể hiện điều đó một cách rõ ràng.
DealScience thậm chí còn phát hiện ra rất nhiều tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ, như Best Buy, Home Depot hay Lowe, đều đang trong cuộc cạnh tranh gắt gao về giá bán và thậm chí cung cấp mức giá thấp hơn 10% so với đối thủ cạnh tranh.
Nếu như trước kia, thường chỉ các mặt hàng tiêu dùng phổ thông mới hay xuất hiện cảnh mặc cả, thì nay, cả những nhà bán lẻ các mặt hàng sang trọng như Nordstrom cũng đã bắt đầu thực thi chính sách “giá trùng khớp”, dù họ không công bố một cách rầm rộ.
James Myers ở Walton, Kentucky, đã truy cập vào Greentoe.com để đặt mua một chiếc TV Plasma của Panasonic 60inch có chức năng điều khiển bằng giọng nói với mức giá phổ biến trên 2.000 USD. Sau khi đưa ra mức giá 1.539 USD và một cuộc mặc cả, anh ta đã mua được chiếc TV từ đối tác bán lẻ của Greentoe với mức giá 1.749 USD (bao gồm cả vận chuyển).
Vài năm trước, các nhà bán lẻ cảm thấy hoảng sợ khi người tiêu dùng đến các cửa hàng chỉ để ngắm sản phẩm, tản bộ hay tìm kiếm một mức giá thấp hơn con số được đăng tải trên website. Bây giờ, họ đang cố gắng “vắt chanh” bằng cách tận dụng hiện tượng này để tạo mối quan hệ với khách hàng, từ đó xây dựng nên lòng trung thành - thứ tài sản vô hình thường bị nhiều doanh nghiệp bỏ phí khi quá sa đà vào nhóm khách hàng mới.
Theo Lục Dương