MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xử lý chuyển giá, trốn thuế: Không phải là các cơ quan Thuế !?

21-12-2012 - 14:38 PM |

Báo chí và người tiêu dùng là biện pháp duy nhất và nhanh nhất

Khi Luật khó giải quyết

Hàng loạt thông tin các đạ gia trốn thuế trong thời gian qua như Coca – cola, Pepsi, Adidas,... Cơ quan thuế thì lên tiếng sẽ vào cuộc điều tra làm rõ. Nhưng cho dù các doanh nghiệp có tiến hành chuyển giá, trốn thuế thật hay không. thì việc các cơ quan thuế có thể xử lý các doanh nghiệp này không phải là một sớm một chiều.

Theo lời một chuyên gia kiểm toán thuộc Big 4, dù Việt Nam có quy định rất chi tiết về chuyển giá, nhưng đối với các tập đoàn lớn như Coca – cola, Pepsi hay Adidas, việc chuyển giá để trốn thuế là chắc chắn có, điều quan trọng là nó phải ở một mức phù hợp và có thể chấp nhận được. Đặc biệt với những DN có tính chất đặc thù, sử dụng nguyên liệu độc quyền với giá rất cao từ công ty mẹ (như Coca-cola), các cơ quan Thuế rất khó để có thể so sánh giá và kết luận xem Doanh nghiệp đó có chuyển giá hay không.

Hiện tại, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính nhiều năm qua đang từng bước xây dựng dữ liệu đối với chuyển giá, đặc biệt là tỉ suất lợi nhuận, phân theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, để cơ sở tốt hơn để khi mà kiểm tra, thanh tra liên quan đến chuyển giá thì có cơ sở so sánh tốt hơn. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống này không thể hoàn thành trong một sớm một chiều và tính hiệu quả của nó khi đi vào hoạt động vẫn còn là điều khó nói.

Với những chuyên gia trong lĩnh vực thuế, mà ở đây là các công ty kiểm toán như KPMG, E&Y, Deloitee, PwC, không bao giờ có chuyện các công ty này lại lên tiếng hoặc đưa ra những thông tin tiêu cực về Coca – cola hay Pepsi – những khách hàng lớn của mình. 

Công việc của các công ty tư vấn là phải tối ưu hóa lượng phát sinh ở từng mắt xích trong chuỗi cung ứng của DN. Các công ty này đưa ra tư vấn và hỗ trợ để lập hồ sơ, đánh giá phân tích các số liệu thị trường để xem xét hoạt động sản xuất của DN có phù hợp không, giá giao dịch với các đối tác nước ngoài có đúng với giá thị trường không. Sau đó các công ty tư vấn sẽ đưa ra kết quả cuối cùng là đưa ra tỉ suất lợi nhuận phù hợp cho DN. Việc các công ty tư vấn lên tiếng tố cáo chính khách hàng của mình là điều không thể xảy ra.

Một vấn đề nữa đó là với những tập đoàn nước ngoài vào Việt Nam, họ được hỗ trợ rất nhiều từ các phòng thương mại và công nghiệp của mình (Eurocharm, Amcharm,…) Mới đây, phòng thương mại và công nghiệp châu Âu Eurocham đã  cho rằng quá trình kiểm tra chuyển giá ở Việt Nam là “không rõ ràng hay không đủ rõ ràng”. Việc các phòng thương mại này lên tiếng bảo vệ DN nước mình là điều tất yêu và các cơ quan Thuế trong nước cũng phải suy nghĩ về điều này.

Sự vào cuộc của báo chí và “thượng đế”

Việc chuyển giá để trốn thuế được ghi nhận ở nhiều nước trên thế giới chứ không riêng ở Việt Nam, thậm chí ở cả những nước lớn. Chúng ta cũng không thể kêu gọi đạo đức hay việc DN tự thay đổi để làm lợi cho đất nước sở tại. Bởi một DN hoạt động kinh doanh, điều quan trọng nhất đối với họ là họ có thể kiếm được bao nhiều tiền, là tối ưu hóa lợi nhuận chứ không phải là vấn đề đạo đức.

Trong tình hình cơ quan Thuế khó có thể xử lý ngay được các DN đang tiến hành chuyển giá, trốn thuế, thì phương thức để xử lý những DN này lại được đặt lên vai giới truyền thông và người tiêu dùng. 

Tại Anh, Starbucks cũng dính vào nghi án trốn thuế khi báo cáo lỗ liên tục nhưng vẫn mở rộng kinh doanh. Trước khi cơ quan thuế vào cuộc, công luận và người tiêu dùng đã nhanh chóng tẩy chay các quán Starbucks, và kết quả là Starbucks phải lên tiếng xin lỗi và công bố kế hoạch sẽ tự nguyện nộp 32 triệu USD tiền thuế doanh nghiệp trong 2 năm 2013 và 2014 bất kể kết quả kinh doanh có thua lỗ hay không. 

Thậm chí, việc cam kết sẽ đóng thuế của Starbucks càng làm làn sóng phản đối rở nên căng thẳng hơn trước lời tuyên bố có phần hình thức này, bởi Starbucks vẫn khẳng định họ không hề vi phạm bất cứ nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý nào khi kinh doanh tại Anh. 

Vụ việc cho thấy sức ép từ báo chí và khách hàng đôi khi lại giúp mọi việc được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả hơn là chờ đợi pháp luật.

Tại Việt Nam, một điều dễ nhận thấy, thông tin chuyển giá của các doanh nghiệp lớn đều được ghi nhận qua phát ngôn của các cán bộ ngành Thuế thay vì một văn bản chính thức nào. Lời nói của các cán bộ ngành Thuế nhằm mở đường cho công luận, nhằm tạo sức ép đến các DN trong tầm ngắm hơn là hướng tới việc xử lý doanh nghiệp ngay lập tức.

Có lẽ trong thời điểm cơ quan thuế đang "bó tay" như hiện tại, báo chí và người tiêu dùng là biện pháp duy nhất và nhanh nhất để các DN lớn cân nhắc lại nghĩa vụ đóng thuế của mình. 

Trang Lam

dungtq

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên