MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Câu chuyện tạo nên lịch sử chỉ có Nokia mới làm được

11-12-2016 - 16:33 PM | Tài chính quốc tế

Đây là câu chuyện có thật về những công nhân từng làm việc ở một xưởng sản xuất của Nokia, trụ sở Phần Lan sau khi bị sa thải và rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Sự kiện Nokia tái cấu trúc đã khiến hàng chục ngàn nhân viên mất việc tại nhà máy chỉ trong vài năm. Rời công ty, những người công nhân này chỉ muốn giữ lại một thứ duy nhất, đó là một phương thức để liên lạc với các đồng nghiệp cũ.

Verena Rentrop và Elsie Parumog, hai cựu nhân viên cách nhau tới nửa vòng trái đất, đã thường xuyên trò chuyện và có ý kiến lập nên một nhóm trên Facebook có tên "Beyond Nokia" (tạm dịch: Sau khi rời Nokia) để phục vụ nhu cầu trên.

Rentrop nhớ lại: "Buổi chiều hôm đó, tôi gửi lời mời tới tất cả các đồng nghiệp cũ tại Nokia tham gia vào nhóm Beyond Nokia chỉ vì muốn giúp mọi người đỡ buồn, phấn chấn hơn thôi. Chúng tôi chỉ mong có khoảng 1.000 người tham gia là vui rồi".

Nhưng chẳng thể ngờ rằng, suy nghĩ nhỏ nhoi ấy lại trở thành tâm lý chung của rất nhiều người. Chỉ vỏn vẹn vài ngày đã có tới 2.000 thành viên tham gia vào nhóm, khiến Rentrop hết sức bất ngờ. Và chỉ trong 1 tuần sau, hơn 19.000 cựu nhân viên Nokia tham gia nhóm.

"Đó là con số tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới, mọi nhân viên bị sa thải trong 2 năm gần đây đều đã tham gia nhóm", Rentrop nghẹn ngào khi thấy có quá nhiều người đồng cảnh ngộ.

Điều đáng nói là ngay sau khi xuất hiện thông tin Nokia sắp "hồi sinh", hội nhóm còn sôi nổi hơn nữa, ngập tràn những lời ca ngợi, tán dương về công ty cũ. Đủ để hiểu, tình cảm họ dành cho công ty và những người đồng nghiệp cũ lớn lao thế nào.

Đến mức, Sotiris Makrygiannis - người từng giữ chức vụ giám đốc R&D của Nokia ở Helsinki cũng bày tỏ: "Ở đây, mọi người nói về Nokia như một chuyện tình vậy. Tôi chưa thấy một nhóm người nào tôn thờ công ty cũ của họ như vậy. Thật là đáng khâm phục. Hàng chục nghìn người mất việc song vẫn tôn trọng chính công ty sa thải họ".

Để giải thích lí do vì sao, Rentrop chỉ cười và hướng mắt vào slogan của Nokia "Connecting People" (tạm dịch: kết nối mọi người).

"Tôi cảm giác nó không chỉ là một câu quảng cáo thông thường. Đối với nhiều nhân viên của Nokia, nơi đây đã trở thành một gia đình đúng nghĩa".

Ở đây, tình cảm, kỉ niệm được gợi lại trong hàng trăm tin nhắn, hình ảnh được đăng tải lên nhóm hằng ngày.

"Đó đã từng là một công ty có hơn 120.000 nhân viên, và tôi không hiểu tại sao tôi chả thể quay lưng lại với công ty cũ", một thành viên trong nhóm xúc động chia sẻ.

Nokia từng là một nhà sản xuất phần cứng lừng lẫy. Do đó, trong nhóm Beyond Nokia, các thành viên thường xuyên chia sẻ những hình ảnh về các dự án, mô hình điện thoại còn chưa kịp góp mặt trên thị trường.

Từ cây bút, những hình ảnh nhà máy hoang tàn, hay hình ảnh những buổi lễ hội, tất cả đều được giữ lại ở đó, nơi dành cho những kỉ vật.

Ở đó, người ta còn bàn tán nhiều về socola nữa. Khi các nước châu Âu đều muốn biến tấu để có những loại socola độc đáo, riêng chỉ có quê nhà của Nokia đất nước Phần Lan xinh đẹp là giữ nguyên chất socola truyền thống.

"Những thành viên trong nhóm thường kể về những câu chuyện du lịch khắp thế giới, từ châu Mỹ đến châu Á, nhưng họ luôn thèm cảm giác nhấm nháp những thanh socola Fazer từ Phần Lan. Đó là món quà du lịch ý nghĩa, và đáng quý nhất đối với tất cả các đồng nghiệp cũ của tôi", Rentrop chia sẻ.

Đây là sản phẩm Nokia tuyệt vời nhất, đứa con gái 12 tuổi của chúng ta.
"Đây là sản phẩm Nokia tuyệt vời nhất, đứa con gái 12 tuổi của chúng ta".

Đôi khi những câu chuyện đời thường, hay những câu đùa vui cũng xuất hiện trên nhóm. Như mô phỏng lại một công ty Nokia toàn cầu, với nhiều văn phòng trên khắp thế giới, những cuộc hội nghị lớn... chỉ để tán dóc và kể chuyện tình cảm. Cũng nhờ đó, rất nhiều người đã tìm thấy nửa kia của cuộc đời mình.

Giờ đây, Beyond Nokia đã có hẳn một website dành cho "Nokia People", tiếp tục thực hiện sứ mệnh kết nối những đồng nghiệp cũ từng làm việc với nhau cùng mở rộng gia đình Nokia. Beyond Nokia giờ đây đã có hơn 21.000 thành viên và tiếp tục gia tăng hàng ngày.

Từ Đan Mạch đến Brazil, Mỹ tới Hungary, hay Phần Lan, Trung Quốc, từ khắp mọi nơi trên thế giới, các cựu nhân viên Nokia đều kết nối với nhau thông qua một thứ gì đó đặc biệt. Không thể gọi tên nhưng vô giá trong cuộc sống mãi về sau.

Theo Hoàng Yến

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên