MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Câu chuyện thị trường chứng khoán tới quý 1/2022, đâu là cổ phiếu triển vọng cho giai đoạn tiếp theo?

Câu chuyện thị trường chứng khoán tới quý 1/2022, đâu là cổ phiếu triển vọng cho giai đoạn tiếp theo?

"Trong bối cảnh hiện tại, lượng thanh khoản cũng như quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển ở mức bền vững trong tương lai. Đồng thời, nâng hạng thị trường cũng hứa hẹn là câu chuyện hấp dẫn trong vài năm tới", bà Hiền cho biết.

Trao đổi trong buổi tọa đàm trực tuyến chiều 29/9, bà Trần Khánh Hiền – Giám đốc khối phân tích VNDIRECT nhận xét định giá của VN-Index hiện đang ở mức 15,8 lần - thấp hơn trung bình 3 năm (16,2 lần), tương ứng giảm tới 17% so với hồi cuối tháng 7.

Lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng đã giúp định giá thấp hơn lịch sử. Dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2021 sẽ đạt khoảng 26%, kỳ vọng tới năm 2022 sẽ ở mức 21% và sang năm 2023 là 18%. Do đó, định giá so với mức tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam là rất hấp dẫn.

Cùng với đó, quy mô thị trường hiện tại có động lực chính từ các dòng tiền lớn của nhà đầu tư cá nhân trong nước, khác với thời điểm năm 2018 khi đà tăng của các chỉ số được dẫn dắt bởi nhà đầu tư nước ngoài, và khi họ tiến hành rút khỏi thị trường đã khiến thị trường nhanh chóng sụp đó.

"Trong bối cảnh hiện tại, lượng thanh khoản cũng như quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai. Đồng thời, nâng hạng thị trường cũng hứa hẹn là câu chuyện hấp dẫn trong vài năm tới", bà Hiền cho biết.

Câu chuyện thị trường chứng khoán tới quý 1/2022, đâu là cổ phiếu triển vọng cho giai đoạn tiếp theo? - Ảnh 1.

Chuyên gia VNDIRECT tại tọa đàm chiều 29/9 (ảnh chụp màn hình)

Nhóm cổ phiếu tiềm năng cho giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022

Về nhóm ngành tiềm năng cho giai đoạn tiếp theo, ông Cao Minh Hoàng - Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý Quỹ IPA tiết lộ một nhóm ngành kỳ vọng sẽ hưởng lợi trong xu hướng tiêu dùng của người dân hậu COVID-19 là ngành bảo hiểm.

Theo đó, làn sóng dịch bệnh diễn ra khiến nhiều người sẽ quan tâm nhiều hơn về vấn đề sức khỏe cũng như rủi ro về sinh mang. Đây là điều giúp cho ngành bảo hiểm có tiềm năng tăng trưởng và ghi nhận doanh thu tốt. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp trong ngành đang được định giá rẻ với mức tăng trưởng có thể đạt 15%/năm.

Không thể không nhắc tới lĩnh vực liên quan trực tiếp là ngành y tế. Dù trên thị trường chứng khoán chưa có doanh nghiệp quy mô lớn trong lĩnh vực này, song nhà đầu tư vẫn có thể lựa chọn các mã cổ phiếu y tế có quy mô vốn hóa hơn nghìn tỷ với kỳ vọng kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt trong thời gian tới.

Một số nhóm ngành kỳ vọng "đón sóng" hậu đại dịch còn có ngành thương mại điện tử hay hai lĩnh vực vốn hóa lớn nhất thị trường là ngân hàngbất động sản. "Các ngân hàng và công ty bất động sản có quy mô vừa (vốn hóa dưới 1 tỷ USD) là lựa chọn tốt cho nhà đầu tư trong năm 2022", ông Hoàng khuyến nghị.

Nhận định riêng về nhóm cổ phiếu ngân hàng, bà Hiền cho rằng sau khoảng thời gian tăng "nóng" nửa đầu năm 2021, định giá của các cổ phiếu ngân hàng hiện nay đã điều chỉnh 15%- 16% từ vùng đỉnh, như vậy các tác động tiêu cực của dịch bệnh phần nào đã được phản ánh vào giá cổ phiếu

Chiếm vốn hóa lớn nhất thị trường, cổ phiếu ngân hàng có đủ sức thu hút vốn từ dòng tiền ngày càng tăng của nhà đầu tư cá nhân. "Trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư nên ưu tiên ngân hàng có khả năng thúc đẩy cho vay cá nhân để từ đó hưởng lợi suất tài sản tốt hơn, thay vì chỉ nhìn vào các ngân hàng có chi phí vốn thấp. Ngoài ra, cũng cần lựa chọn những ngân hàng có tỷ lệ bao nợ xấu cao", chuyên gia VNDIRECT cho hay.

Ngoài ra, một nhóm cổ phiếu được xem là tiềm năng chính là ngành năng lượng và hạ tầng năng lượng. Trung Quốc đã tiến hành cắt giảm một số tiêu chí về khí thải các-bon và sau đó rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng trong khoảng 1 tháng trở lại đây. Theo bà Hiền, khả năng Việt Nam cũng sẽ lặp lại câu chuyện tương tự như Trung Quốc, do vậy nhà đầu tư có thể chú ý tới các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng sở hữu danh mục đầu tư với chi phí thấp.'

Câu chuyện thị trường từ nay tới quý 1/2022

Câu chuyện thị trường từ nay sang tới quý 1/2022, ông Hoàng Anh Tuấn – Trưởng phòng tư vấn đầu tư VNDIRECT đưa ra 3 luận điểm. Thứ nhất là sự thay đổi thói quen người tiêu dùng sau làn sóng dịch bệnh, điều này sẽ tác động tới những doanh nghiệp thuộc ngành bán lẻ, chứng khoán hay hạ tầng công nghiệp.

Thứ hai, liên quan tới việc Trung Quốc thực hiện các biện pháp nhằm giảm hàm lượng các-bon trong không khí, qua đó giảm những ngành tiêu tốn nguồn nguyên liệu lớn và tiết kiệm năng lượng nhiều hơn. Khả năng cao những ngành sản xuất truyền thống sẽ bị đẩy sang nước khác trong đó có Việt Nam, mà ngành thép là một trong số đó. Điều này sẽ mở ra bức tranh tươi sáng hơn cho ngành thép của Việt Nam, bên cạnh những doanh nghiệp xuất khẩu khác như phốt pho, xi măng...

Cuối cùng là câu chuyện về xe điện - tuy nhiên đây là tầm nhìn dài hạn khi ông Tuấn đánh giá triển vọng của ngành này có thể kéo dài đến năm 2025. Hiện tại, các doanh nghiệp mới đang trong thời kỳ gây dựng nền tảng chế tạo xe và cần nhiều nguồn năng lượng điện. Theo đó, một số doanh nghiệp trong mảng thiết kế, xây dựng điện sẽ được hưởng lợi.

Câu chuyện thị trường chứng khoán tới quý 1/2022, đâu là cổ phiếu triển vọng cho giai đoạn tiếp theo? - Ảnh 2.

Phương Linh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên