MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Câu chuyện về sự sụp đổ của một gia đình tỷ phú nổi tiếng bậc nhất nước Nhật

29-06-2017 - 10:19 AM | Tài chính quốc tế

Phía sau vụ phá sản của tập đoàn Takata, tập đoàn sản xuất túi khí ô tô một thời từng đứng thứ hai thế giới, là một sự sụp đổ khác.

Suy sụp và “bán mình” cho tập đoàn Trung Quốc

Đó chính là sự sụp đổ của gia đình sáng lập tập đoàn Takada – một trong những gia đình tỷ phú nổi tiếng nhất nước Nhật, theo bài báo mới được Bloomberg đăng tải.

Ngày thứ Hai tuần này, Takata nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ và Nhật đồng thời thông báo kế hoạch bán gần như toàn bộ bộ phận sản xuất các sản phẩm an toàn dành cho ô tô với giá 1,6 tỷ USD cho tập đoàn đối thủ Key Safety Systems thuộc sở hữu của người Trung Quốc hiện đang hoạt động tại Mỹ.

Trong thập kỷ qua, Takata đối diện với một tấn kịch buồn khi các sản phẩm túi khí do hãng sản xuất ra đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 17 người và làm hơn 100 người khác bị thương.

Takata đã phải tiến hành một trong những đợt triệu hồi sản phẩm lớn nhất trong lịch sử ngành ô tô thế giới. Và cho đến tận hiện tại Takata vẫn chưa thể công bố chi tiết nguyên nhân lỗi của sản phẩm dù đã mất quá nhiều thời gian tìm hiểu và điều tra.

Câu chuyện buồn của Takata đang khiến những nhà đầu tư vào cổ phiếu tập đoàn vô cùng lo lắng và thất vọng với khả năng tài sản cổ phiếu của họ sắp biến thành “giấy lộn”. Chính gia đình nhà sáng lập tập đoàn cũng chịu một cú sốc lớn khi tài sản của họ bốc hơi đến 2,7 tỷ USD. Gia đình Takada hiện đang sở hữu khoảng 60% cổ phiếu của Takata.

Ở thời kỳ đỉnh cao năm 2007, giá trị vốn hóa thị trường của Takata được tính toán ở mức khoảng 400 tỷ yên, tức tương đương 3,6 tỷ USD. Khi đó mỗi năm gia đình Takada thu về khoảng 1 tỷ yên tiền cổ tức. Khủng hoảng thu hồi sản phẩm bắt đầu, giá trị cổ phần của gia đình sáng lập giảm từ hơn 300 tỷ yên xuống chưa đầy 2 tỷ yên.

Không lâu nữa, giá trị cổ phần có thể sẽ giảm xuống con số không nếu họ phải hoàn thành nốt trách nhiệm của đợt thu hồi túi khí sắp tới, dự kiến chi phí lên đến 10 tỷ yên và thuộc phần trách nhiệm của tập đoàn Takata chứ không phải tập đoàn mới thâu tóm Takata.

Luật sư tại văn phòng luật của Adire Legal Professional Corporation tại Tokyo, ông Tatsuya Ikeda, nhận xét: “Hiện nay Takata đối diện với khả năng nợ chồng chất bởi chi phí thu hồi sản phẩm tăng cao. Khi nợ vượt quá tổng tài sản, nhìn chung cổ phiếu coi như mất hết giá trị. Cổ phiếu Takata đã gần như vô giá trị rồi.”

Sự phẫn nộ của cổ đông

Trong buổi họp cổ đông được tổ chức vào ngày thứ Ba tuần này ngay sau khi Takata nộp đơn xin bảo hộ phá sản, nhà đầu tư không khỏi phẫn nộ chất vấn lý do tại sao gia đình Takada chậm trễ phản ứng với cuộc khủng hoảng túi khí và nhiều đợt thu hồi sản phẩm sau đó.

Một nhà đầu tư 48 tuổi người Osaka tức giận nói: “Nếu gia đình sáng lập phản ứng nhanh nhạy hơn, họ đã xử lý được khủng hoảng. Thật không thể hiểu nổi cách họ quản lý tập đoàn như thế nào.”

CEO của tập đoàn, ông Shigehisa Takada, gia nhập tập đoàn Takata ngay sau khi ông tốt nghiệp đại học Keio danh tiếng tại Nhật vào năm 1988. Năm 2007, ông được chọn làm CEO tập đoàn thay thế cho cha mình, ông Juichiro Takada.

Đến năm 2013, ông Shigehisa Takada đưa Stefan Stocker, cựu chủ tịch của Bosch tại Nhật, vào vị trí CEO còn ông giữ chức chủ tịch. Thế nhưng 18 tháng sau đó, cựu chủ tịch Bosch rời khỏi Takata, Shigehisa trở lại đảm nhiệm chức vụ CEO.

Khi cuộc khủng hoảng thu hồi túi khí bùng phát và tập đoàn phải thực hiện hàng loạt đợt thu hồi sản phẩm, ông đã đưa ra rất nhiều thông báo xin lỗi khách hàng nhưng chỉ trên báo chí chứ không xuất hiện công khai.

Khi tập đoàn Takata bị yêu cầu phải điều trần trước Quốc hội Mỹ, ông sai một số quản lý cấp thấp hơn đi. Mãi cho đến tháng Sáu năm 2015, ông mới chịu xuất hiện và xin lỗi trước công chúng. Cách phản ứng né tránh trách nhiệm của CEO tập đoàn đã khiến sự phẫn nộ của công chúng dâng cao hơn.

Cũng chính CEO tập đoàn đã xem thường quá mức sự kiên nhẫn của những cổ đông lớn nhất. Ban đầu, cổ đông lớn của tập đoàn kiên nhẫn chờ đợi Takata giải quyết khủng hoảng, họ tin vào giải pháp âm thầm làm việc với các nhà cung cấp và ngân hàng có liên quan. Tuy nhiên, quá trình này mất quá nhiều thời gian và không mang lại nhiều hiệu quả. Giới truyền thông bắt đầu loan tin Takata chuẩn bị phá sản.

Cổ đông Takata đề nghị cần phải công khai các cuộc thương thảo về nợ với ngân hàng, công bố thông tin khủng hoảng minh bạch hơn đến cổ đông. Thế nhưng đến khi đó, khi tin đồn phá sản lan rộng hơn, sức ép của các tổ chức tài chính lên Takata đã lên đến mức “không thể chịu nổi”.

Thời hoàng kim của Takata

Những gì đang diễn ra khác hoàn toàn với khoảng thời gian làm ăn thịnh vượng của tập đoàn vào thập niên 1960. Bắt đầu từ năm 1960, Takata đa dạng công việc kinh doanh, mở rộng sang việc sản xuất dây đai an toàn trên ô tô cho nhiều hãng xe Nhật, ngành ô tô khi đó đang dẫn đầu sự phát triển của các ngành công nghiệp Nhật.

Takata là công ty duy nhất có sản phẩm đai an toàn đạt chuẩn của Cơ quan an toàn giao thông Mỹ (NHTSA) vào năm 1973.

Vài năm sau đó, Honda yêu cầu Takata sản xuất túi khí. Honda nắm cổ phần nhỏ tại Takata và sau đó hai bên cùng hợp tác để sản xuất sản phẩm này. Takata nhanh chóng phát triển lên vị trí dẫn đầu trong ngành sản xuất các sản phẩm an toàn dùng trong ô tô, hãng có rất nhiều khách hàng lớn trên thế giới như Ford, BMW, Fiat.

Trong những năm tháng làm ăn thịnh vượng, nhân viên của Takata thường nhắc đến nhà sáng lập của tập đoàn, ông Juichiro Takada, như một “vị vua”, ông đã qua đời năm 2011. Nhưng nay, tất cả ánh hào quang đã không còn nữa, họ đối diện với một tương lai đen tối của Takata thời kỳ hậu phá sản.

Theo Trung Mến

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên