MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Câu chuyện xúc động đằng sau người phụ nữ chung sống với 2 chồng ở miền Tây

28-06-2024 - 18:31 PM | Sống

Mặc dù chị Tiền sống cùng lúc với 2 người chồng, nhưng gia đình luôn hạnh phúc. Hai người chồng của chị Tiền coi nhau như anh em ruột, thân thiết đến mức không thể rời nhau quá 5 ngày.

Đến ấp Vĩnh Khánh 1, xã Vĩnh Tế (TP Châu Đốc, tỉnh An Giang), hỏi câu chuyện sống cùng lúc với 2 người chồng của chị Nguyễn Thị Bích Tiền (37 tuổi), ai cũng biết đến.

Hơn 4 năm kể từ khi được cộng đồng biết đến, gia đình chị Tiền vẫn luôn nhận được cộng đồng quan tâm của cộng đồng. Có người nghi hoặc, khó hiểu, nhưng cũng không ít người cảm phục tình thương mà những thành viên trong gia đình chị Tiền dành cho nhau.

Hiện 6 thành viên của gia đình chị Tiền gồm hai người chồng và ba con của chị (1 người con với chồng trước và 2 người con với chồng sau) đang chung sống đầm ấm, tình cảm ngày càng trở nên khăng khít đến mức "không thể thiếu nhau".

Câu chuyện xúc động đằng sau người phụ nữ chung sống với 2 chồng ở miền Tây- Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Bích Tiền.

Những trớ trêu cuộc đời khiến người phụ nữ có 2 chồng

Chị Tiền chia sẻ, chồng đầu của chị là anh Nguyễn Văn Bé Hai (47 tuổi), vốn là người tứ cố vô thân, phiêu dạt đến TP Châu Đốc rồi được cha chị Tiền cưu mang. Khi ấy, chị Tiền mới 19 tuổi, ở lâu sinh tình cảm, chị và anh Hai thành vợ chồng nhưng không hôn thú.

Hai người được cha mẹ chị Tiền chia cho một miếng đất cạnh nhà để ở. Sống cùng nhau 5 năm, hai người sinh được một người con trai (hiện 17 tuổi). Chị Tiền tự nhận mình là người nóng tính, vì vậy mà chị và anh Hai hay xảy ra cãi vã. Trong một lần không làm chủ được hành vi, anh Hai tát chị Tiền 2 cái, bực mình, chị ôm đồ bỏ nhà đi hẳn, xuống Sóc Trăng làm thuê, đồng thời tuyên bố ly hôn.

"Lúc tôi đi là không còn tình cảm gì nữa. Nhưng vì cái nghĩa, cha mẹ tôi vẫn để anh ấy ở lại trên mảnh đất của ông bà, đứa con chung cũng được anh Hai chăm sóc. Không còn là vợ chồng với tôi, nhưng anh ấy vẫn hiếu thuận với cha mẹ tôi như lúc trước, nên mẹ tôi rất quý", chị Tiền cho biết.

Đi làm được 2 năm, chị Tiền quen đồng nghiệp là anh Nguyễn Văn Kiên (năm nay 34 tuổi, quê ở Kiên Giang). Dù biết chị hơn tuổi, lại qua một đời chồng, trong khi mình là trai tráng chưa từng có vợ, nhưng anh Kiên vẫn chủ động theo đuổi, luôn giúp đỡ và bày tỏ sự quan tâm chị Tiền mỗi khi có dịp.

Rồi trong dịp sinh nhật chị Tiền, anh Kiên tặng bánh, tặng hoa và bày tỏ lời cầu hôn. "Xúc động mất một lúc tôi mới bình tĩnh được, tôi cũng khuyên anh ấy về tình cảnh của mình nhưng anh rất quyết tâm. Thế là tôi đồng ý", chị Tiền tươi cười kể lại chuyện cũ.

Câu chuyện xúc động đằng sau người phụ nữ chung sống với 2 chồng ở miền Tây- Ảnh 2.

Chị Tiền và chồng cũ (bị tai nạn liệt giường) yêu thương các con cùng cha khác mẹ.

Hai người tổ chức một tiệc cưới nhỏ để báo hỷ với họ hàng, bạn bè. Lần này chị Tiền cùng chồng đi làm đăng ký kết hôn "dù chẳng biết tấm giấy có giá trị đến đâu".

Rồi chuyện éo le xảy ra vào một đêm mưa hơn 10 năm trước, cha mẹ chị Tiền gọi điện thông báo việc anh Hai bị tai nạn nguy kịch. Ông bà đều đã già, con thì còn quá nhỏ, trong gia đình ngoài chị Tiền không còn ai có thể chăm sóc anh Hai ở thời điểm đó.

"Nghe tin như sét đánh, tôi đột nhiên bật khóc. Tôi xin chồng cho về quê để chăm sóc anh Hai, chị sợ bị cấm cản. Nào ngờ vừa nói ra, anh Kiên đã giục phải về gấp, rồi anh ấy lấy xe máy chở tôi mấy trăm cây số từ Sóc Trăng về An Giang giữa đêm mưa gió", chị Tiền kể.

Bất ngờ hơn nữa, khi về đến An Giang, anh Kiên lại giành phần chăm sóc anh Hai từ A từ Z vì sợ vợ mệt. Hành động đặc biệt của con rể khiến bà Trương Thị Phượng (mẹ chị Tiền) thời điểm đó rất tự hào và thốt lên rằng "con gái tôi có phúc, lấy được đúng người".

Chồng mới chăm sóc chồng cũ như anh ruột

Sau hơn một tháng nằm viện, anh Hai được cho về nhà trong tình trạng mất khả năng vận động, hỏng một mắt nên phải nằm liệt giường từ đó đến nay. Vì anh Hai không thể tự làm việc gì, anh Kiên quyết định ở lại An Giang để giúp vợ chăm sóc chồng cũ. Anh Kiên cũng chủ động tìm những công việc có thể sắp xếp được thời gian để tiện chăm sóc anh Hai.

Câu chuyện xúc động đằng sau người phụ nữ chung sống với 2 chồng ở miền Tây- Ảnh 3.

Anh Kiên chăm sóc chồng cũ của vợ mình như anh em ruột.

Chị Tiền nhận xét, anh Kiên rất hiền, ít nói, chỉ làm và làm. Về An Giang được một năm, chị Tiền và anh Kiên có một đứa con đầu. Ba năm trước, đứa con thứ 2 tiếp tục chào đời. Cả 2 lần chị Tiền đều sinh khó, phải mổ, gánh nặng tiền bạc, chăm sóc gia đình tất cả đè lên anh Kiên, vậy nhưng theo lời kể anh Kiên chưa từng phàn nàn một lời nào.

"Anh Kiên luôn giành phần chăm sóc anh Hai mỗi khi có thể, hơn 10 năm rồi không hề thay đổi. Tắm rửa, đút cơm, thay tã cho anh Hai, mọi việc anh Kiên đều làm khéo lắm. Có lần anh ấy về quê bên Kiên Giang, nhưng mới 5 ngày đã quay lại và nói rằng nhớ anh Hai quá không chịu được", chị Tiền nói.

Anh Kiên thì cho biết, từ nhỏ mẹ đã bỏ anh cho bà nuôi mà không hề quan tâm. Bà của anh cũng mất sớm, nên anh đã lớn lên mà thiếu sự quan tâm, chăm sóc hay tình cảm gia đình. Khi quen chị Tiền, anh cảm nhận được hơi ấm gia đình, từ đó nảy sinh tình cảm khó diễn tả bằng lời. Anh đã tự nhủ rằng "sẵn sàng làm tất cả để chị Tiền hạnh phúc".

"Vợ tôi nhiều tuổi hơn, nên tôi cố tình để tóc dài, da đen làm mình trông già hơn, cho vợ khỏi tủi thân mặc cảm. Về đây sống với anh Hai lâu ngày, tôi cũng coi anh ấy như anh ruột. Gia đình có vợ chồng tôi, anh Hai và 3 đứa con luôn sống quây quần, đầm ấm", anh Kiên chia sẻ.

Nhận xét về anh Kiên, anh Hai và bà Phượng (mẹ chị Tiền) đều có chung nhận định rằng đó là người duy nhất chiều được tính chị Tiền. Cả nhà đều cầu mong và cố gắng để gia đình luôn vui vẻ.

"Hai rể, đứa nào cũng hiếu thảo, có miếng gì ngon là gọi mẹ vợ đầu tiên. Đặc biệt đứa nào cũng nấu ăn rất ngon, trước đây là thằng Hai nấu, giờ là thằng Kiên, con gái tôi chẳng phải vào bếp. Chồng tôi mất năm ngoái, suốt thời gian ông ốm bệnh cũng chỉ một tay rể Kiên chăm sóc. Con gái tôi có phúc mới lấy được chồng yêu thương như vậy, tôi cũng an lòng", bà Phượng nói.

Lãnh đạo ấp nơi gia đình chị Tiền sinh sống cho biết, về mặt pháp lý, chị Tiền có đăng ký kết hôn anh Kiên. Việc vợ chồng chị Tiền, anh Kiên đưa anh Hai về nuôi có thể xem là hành động cưu mang người hoạn nạn. Thời gian qua, gia đình chị Tiền luôn hòa thuận, vì vậy cũng được người dân trong ấp quý mến.

Theo Bửu Ngọc

Phụ nữ số

Trở lên trên