MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Câu đố tưởng chừng đơn giản nhưng sẽ phân định rõ bạn là người thông minh vượt trội hay chỉ có IQ "thường thường bậc trung"

28-09-2020 - 10:14 AM | Sống

"Anh lại trả lời sai rồi", vị giáo sĩ bật cười còn chàng sinh viên trẻ luôn cho rằng mình tài giỏi bỗng chốc trở nên tuyệt vọng.

Người Do Thái được coi là dân tộc thông minh nhất thế giới. Sự thông minh của họ không chỉ diễn ra ở 1 vài thế hệ mà đã được khoa học chứng minh là di truyền qua nhiều đời. Rất nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra, người Do Thái có kỹ năng giao tiếp và tính toán vượt trội hơn hẳn. Chỉ số IQ trung bình của họ là 110 so với chỉ số trung bình 100 của toàn cầu.

Số lượng nhà khoa học, những người đoạt giải Nobel là người Do Thái nhiều vô kể. Một số cái tên xuất chúng thuộc dân tộc này có thể kể đến như nhà văn, nhà thơ Paul Heyse, nhà hóa học Adolf von Baeyer, nhà sinh vật học Élie Metchnikoff, nhà hóa sinh học Hans Adolf Krebs, nhà vật lý học Albert Einstein,...

Từ lâu nay, những câu chuyện giáo dục của người Do Thái luôn được các dân tộc thế giới đánh giá cao bởi nó thể hiện được nhiều khía cạnh của cuộc sống, đồng thời giúp rèn luyện trí thông minh, khả năng suy nghĩ, phân tích vấn đề một cách logic.

Câu đố tưởng chừng đơn giản nhưng sẽ phân định rõ bạn là người thông minh vượt trội hay chỉ có IQ thường thường bậc trung - Ảnh 1.

Người Do Thái được đánh giá là tộc người thông minh nhất thế giới.

Câu chuyện "Hai người cùng chui ra khỏi ống khói, ai sẽ là người đi rửa mặt?" dưới đây chính là một ví dụ điển hình. Nếu trả lời được câu hỏi này thì xin chúc mừng: Bạn quả thật là một người có trí tuệ phi thường.

Có một anh sinh viên sở hữu thành tích học tập rất tốt. Anh từng tốt nghiệp đại học UC Berkeley và mới bảo vệ thành công luận án về Triết học của Socrates. Để hoàn thành vài hạng mục trong đó, anh cần tìm hiểu về cuốn Talmud – Trí tuệ của người Do Thái.

Anh sinh viên sau đó đến tìm một giáo sĩ Do Thái nổi tiếng trong thành phố để xin được giảng dạy thêm. Tuy nhiên vị giáo sĩ cho biết đây là quyển sách sâu sắc nhất về trí tuệ của người Do Thái. Bởi vậy ông quyết định thử thách trí thông minh của anh sinh viên bằng một câu hỏi, để xác định xem anh có đủ trí tuệ lĩnh hội cuốn sách hay chưa.

Câu hỏi của ông vô cùng đơn giản: "Hai người đàn ông cùng leo ra khỏi một ống khói, một người mặt mũi sạch sẽ còn một người lại nhem nhuốc, dính đầy muội than. Ai sẽ là người đi rửa mặt?".

"Đây mà là câu hỏi mang tính logic ư? Rõ ràng người đàn ông mặt bị lấm bẩn sẽ đi rửa mặt", anh sinh viên nhanh nhảu trả lời.

"Sai rồi", vị giáo sĩ bình thản đáp. "Người đàn ông "mặt bẩn" sẽ nhìn sang người đàn ông "mặt sạch" và cho rằng khuôn mặt mình cũng sạch. Trong khi đó, người đàn ông "mặt sạch" nhìn người "mặt bẩn" và nghĩ rằng mặt mình cũng bẩn. Nói cách khác, người "mặt sạch" sẽ đi rửa mặt".

Câu đố tưởng chừng đơn giản nhưng sẽ phân định rõ bạn là người thông minh vượt trội hay chỉ có IQ thường thường bậc trung - Ảnh 2.

Quá sốc trước đáp án, anh sinh viên xin giáo sĩ cho mình thêm 1 cơ hội. Ông gật đầu đồng ý nhưng vẫn đưa ra câu hỏi cũ. Chàng trai nghe xong không khỏi thắc mắc bởi chẳng phải đáp án là người đàn ông "mặt sạch" hay sao?

Thế nhưng lần này, giáo sĩ lại cười và đưa ra một đáp án khác hoàn toàn: "Sai rồi! Cả hai người sẽ đều rửa mặt. Người "mặt sạch" nhìn người "mặt bẩn" sẽ nghĩ mặt mình cũng bẩn. Vì thế, người "mặt sạch" sẽ đi rửa đầu tiên. Sau đó, người "mặt bẩn" thấy rằng người "mặt sạch" cũng đã đi rửa mặt, do đó người "mặt bẩn" cũng đi rửa theo".

"Xin hãy cho tôi một cơ hội nữa", anh sinh viên nài nỉ.

Giáo sĩ gật đầu nhưng vẫn tiếp tục đưa ra câu hỏi cũ. Điều nay khiến anh sinh viên bối rối thật sự: "Chẳng phải đáp án là cả hai người đàn ông đều đi rửa mặt sao?".

"Anh lại sai thêm lần nữa! Không ai trong số họ sẽ đi rửa mặt cả. Người đàn ông "mặt bẩn" thấy người "mặt sạch" nên nghĩ mình cũng sạch sẽ và không đi rửa. Còn người "mặt sạch" sẽ thấy rằng người "mặt bẩn" không đi rửa thì anh ta cũng sẽ không cần đi rửa", vị giáo sĩ trả lời.

Câu đố tưởng chừng đơn giản nhưng sẽ phân định rõ bạn là người thông minh vượt trội hay chỉ có IQ thường thường bậc trung - Ảnh 3.

"Xin thầy hãy tin tưởng vào con thêm lần nữa. Con biết con đủ thông minh để học Talmud và hãy hỏi con câu khác", anh sinh viên cố nài nỉ. Tuy nhiên vị giáo sĩ vẫn không thay đổi câu hỏi. Đến lúc này, chàng trai trẻ gần như tuyệt vọng và gào lên đáp án mà vị giáo sư vừa nói lúc trước: "Không có ai đi rửa mặt cả".

"Anh lại sai rồi! Anh hãy giải thích cho tôi: "Tại sao hai người cùng chui ra khỏi một ống khói mà lại có người bẩn có người sạch?. Đây vốn dĩ là một câu hỏi vô nghĩa và phi lý mà thôi", vị giáo sĩ cười đáp.

Bài học rút ra từ câu hỏi hóc búa này là: "Nếu bạn có thông minh, tài giỏi đến mấy mà cứ mù quáng đi tìm hiểu, giải đáp những vấn đề vốn đã sai ngay từ đầu thì kết cục sẽ chẳng thể tìm ra được đáp án đúng nào cả".


Theo Thanh Hương

Pháp luật và bạn đọc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên