MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cậu học sinh từng bị bắt nạt trở thành CEO năm 13 tuổi, 17 tuổi kiếm cả triệu USD doanh thu, được ĐH Harvard và Stanford mời làm diễn giả

10-09-2021 - 11:58 AM | Tài chính quốc tế

Cậu học sinh từng bị bắt nạt trở thành CEO năm 13 tuổi, 17 tuổi kiếm cả triệu USD doanh thu, được ĐH Harvard và Stanford mời làm diễn giả

Công ty của Hong đã thành công trong khu vực, đạt 1,2 triệu USD doanh thu hàng năm tại 6 thị trường châu Á, đứng số 1 trong danh mục áo phông của Style Share.

Ở tuổi 17, Sukone Hong đã hiện thực hóa ước mơ kinh doanh của mình bằng cách xây dựng không chỉ một mà là hai doanh nghiệp.

Olaga - công ty đầu tiên là một thương hiệu thời trang của Hàn Quốc do cậu làm CEO. Từ đầu năm đến nay, Hong đã thu về 1 triệu USD doanh thu. Công ty thứ hai của Hong sản xuất đồng hồ thông minh chữ nổi dành cho người khiếm thị. Thời điểm hiện tại, đã có hàng nghìn đơn đặt hàng trước cho sản phẩm này.

Cậu học sinh từng bị bắt nạt trở thành CEO năm 13 tuổi, 17 tuổi kiếm cả triệu USD doanh thu, được ĐH Harvard và Stanford mời làm diễn giả - Ảnh 1.

"Thành công là cách để đáp trả những kẻ bắt nạt. Tôi từng bị khó hòa nhập với trường học và bị bắt nạt. Vì vậy, tôi tìm cách để thay đổi cuộc đời theo hướng tích cực hơn", Hong chia sẻ với CNBC.

CEO 17 tuổi này thậm chí còn được Đại học Harvard và Stanford mời làm diễn giả khách mời nhờ đạt thành công khi còn rất trẻ.

Xây dựng thương hiệu

Hong bắt đầu hành trình kinh doanh từ năm 13 tuổi, khi cậu mới học lớp 8. Do không hòa nhập được với bạn bè ở Seoul, cậu muốn tìm một thứ khác để tập trung vào, đó là bán lại quần áo hàng hiệu trên công cụ tìm kiếm Naver của Hàn Quốc.

Số tiền ít ỏi 150 USD ban đầu của Hong nhanh chóng "bốc hơi". Cậu nhận ra mình cần thay đổi chiến lược và mạnh dạn vay 5.000 USD của ông bà, hợp tác với một doanh nghiệp in áo để lập trang web bán quần áo unisex với thiết kế đơn giản, vui tươi. Đó là sự ra đời của Olaga.

"Không ai mua hàng trong tuần đầu tiên. Nhưng một sáng thứ Hai nọ, có 15 đơn hàng. Đến trưa, con số đó là 50 và đến tối, nó đã tăng lên 80. Trong tuần đó, tôi đã bán được 300 chiếc áo phông", Hong cho biết.

Kinh doanh không chỉ là kiếm tiền

Kể từ đó, thương hiệu 3 năm tuổi của Hong đã trở nên thành công trong khu vực, đạt 1,2 triệu USD doanh thu hàng năm tại 6 thị trường châu Á, đứng số 1 trong danh mục áo phông của Style Share nền tảng hàng đầu dành cho những ai quan tâm đến thời trang và làm đẹp hàng ngày.

Sự phát triển của công ty cho phép Hong thuê 12 nhân viên để xử lý các công việc. Và cậu cũng dùng một phần số tiền kiếm được để trả lại cho bố mẹ học phí tại trường quốc tế ở Seoul mà cậu theo học.

Đây cũng là thời điểm Hong nảy ra ý tưởng cho công việc kinh doanh mới.

"Tôi từng nghĩ kinh doanh chỉ là để kiếm thật nhiều tiền nhưng sau khi chuyển đến trường mới, tôi được hưởng sự giáo dục tốt hơn. Một giáo viên của tôi nói rằng kinh nghiệm kinh doanh của tôi có thể được dùng để tạo ra một công ty giúp đỡ người khác", Hong cho biết.

Không lâu sau, Hong thành lập Paradox Computers – công ty đứng sau sản phẩm đồng hồ thông minh chữ nổi dành cho người khiếm thị.

Cậu học sinh từng bị bắt nạt trở thành CEO năm 13 tuổi, 17 tuổi kiếm cả triệu USD doanh thu, được ĐH Harvard và Stanford mời làm diễn giả - Ảnh 2.

Tìm kiếm đầu tư

Đồng hồ thông minh chữ nổi Braille cho phép người khiếm thị nhận thông tin thời gian thực, chẳng hạn như tin nhắn từ điện thoại. Nó đã đã có mặt trên thị trường được vài năm.

Tuy nhiên, mức giá "cắt cổ" – thường lên tới 300 USD, khiến nhiều người khiếm thị không đủ khả năng mua. Sau khi thực hiện một dự án trường học về người khuyết tật, Hong nhận ra sự thiệt thòi của họ và quyết định sản xuất ra sản phẩm có giá hợp lý hơn.

Cậu bắt đầu tìm hiểu thị trường, nói chuyện với nhiều người khiếm thị để nắm bắt được nhu cầu của họ rồi bàn bạc với các kỹ sư để đưa ra giải pháp. Sau đó, đồng ý với một lời đề nghị đầu tư 300.000 USD đổi lấy 30% cổ phần Paradox Computers.

"Kinh nghiệm là CEO đã giúp tôi. Dù không am hiểu công nghệ, tôi vẫn có thể thuê nhân viên để tạo ra sản phẩm", Hong nói.

6 tháng sau, sản phẩm giá 80 USD của Paradox Computers đã bán được hàng trăm chiếc. Hiện, công ty đang xử lý 3.000 đơn đặt hàng trước từ Trung Quốc.

Tuy thành công với cả 2 công ty nhưng Hong vẫn muốn theo đuổi "sự nghiệp" học hành. "Khi công việc kinh doanh phát triển nhanh chóng, tôi từng nghĩ đến việc bỏ học. Nhưng tôi đã gặp rất nhiều CEO và họ đều nói rằng tôi nên học tiếp lên Đại học".

Nguồn: CNBC

Theo Mộc Tiên

Doanh nghiệp & Tiếp thị

Trở lên trên