MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Câu hỏi còn bỏ ngỏ sau thảm kịch rơi máy bay Ukraine ở Iran: Chiếc Boeing 737 rơi vì lý do kỹ thuật?

09-01-2020 - 13:57 PM | Tài chính quốc tế

Iran từ chối giao hộp đen chiếc Boeing 737 gặp nạn cho phía Mỹ trong tình trạng căng thẳng giữa hai quốc gia khiến nguyên nhân của vụ tai nạn tiếp tục là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Lực lượng cứu hộ vẫn tiếp tục làm việc với đống đổ nát của chuyến bay số hiệu 752 của hãng hàng không quốc tế Ukraine, rơi vài phút sau khi cất cánh từ một sân bay ở thủ đô Tehran, Iran. Sự cố xảy ra chỉ vài giờ sau khi Iran nã tên lửa trả đũa Mỹ vì không kích sát hại tướng Qassem Soleimani, người được mô tả là nhân vật quyền lực số 2 của Iran.

Ở thời điểm hiện tại, nguyên nhân tai nạn vẫn là điều chưa chắc chắn. Báo cáo sơ bộ cho thấy sự cố kỹ thuật là nguyên nhân khiến phi cơ gặp nạn. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng khiến Iran từ chối giao hộp đen phi cơ gặp nạn cho phía Mỹ, quốc gia sản xuất ra chiếc máy bay gặp nạn. Chính vì vậy, thông tin về sự cố chưa được thế giới tiếp cận nhiều.

Trong sự cố ngày 8/1, toàn bộ 176 người, bao gồm 167 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn trên chiếc Boeing 737-800 đều thiệt mạng khi nó rơi chỉ 2 phút sau khi cất cánh. Video xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy máy bay bốc cháy trước khi lao xuống đất, tạo thành một quả cầu lửa bên ngoài thủ đô Iran.

Câu hỏi còn bỏ ngỏ sau thảm kịch rơi máy bay Ukraine ở Iran: Chiếc Boeing 737 rơi vì lý do kỹ thuật? - Ảnh 1.

Chiếc máy bay gặp nạn không phải là mẫu 737 Max tai tiếng của Boeing, vốn đang bị cả thế giới cấm bay. Tuy nhiên, sự cố cũng khiến sự chú ý đổ dồn về phía Boeing, nhà sản xuất chiếc phi cơ gặp nạn. Hãng chế tạo máy bay hàng đầu thế giới vẫn đang phải vật lộn với những bê bối sau 2 thảm kịch của dòng Boeing 737 Max.

Vụ tai nạn xảy ra chỉ vài giờ sau khi Iran tiến hành vụ không kích đáp trả việc Mỹ hạ sát tướng Soleimani. Ngay khi có thông tin về vụ tai nạn, nhiều người nghi ngờ một quả tên lửa đã bắn trúng máy bay. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, không có bằng chứng nào cho thấy giả thuyết này là thực. Dẫu vậy, các hãng hàng không cũng đồng loạt tránh không phận Iran.

Thông thường, người ta sẽ mất cả năm để làm sáng tỏ nguyên nhân một vụ tai nạn máy bay. Tuy nhiên, trường hợp này có thể sẽ lâu hơn. Giới chức Iran cho biết họ không bàn giao hộp đen của máy bay gặp nạn tới Mỹ hoặc giao cho Boeing để tìm nguyên nhân vụ việc. Không ai có quyền trách Iran về điều này vì họ làm đúng luật.

Theo luật pháp quốc tế, quốc gia, nơi tai nạn xảy ra, có toàn quyền kiểm soát cuộc điều tra nguyên nhân sự cố. Boeing, Cục hàng không Liên bang Mỹ hay Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Hoa Kỳ thường sẽ tham gia quá trình điều tra nguyên nhân. Tuy nhiên, khi mối quan hệ giữa Mỹ và Iran đang cao trào căng thẳng, điều này dường như bất khả thi.

"Mỹ sẽ theo dõi sát sao vụ việc và sẵn sàng cung cấp cho Ukraine tất cả những hỗ trợ cần thiết. Mỹ kêu gọi hợp tác toàn diện để điều tra làm sáng tỏ nguyên nhân vụ tai nạn", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết trong một tuyên bố ngày 8/1.

Câu hỏi còn bỏ ngỏ sau thảm kịch rơi máy bay Ukraine ở Iran: Chiếc Boeing 737 rơi vì lý do kỹ thuật? - Ảnh 2.

Hiện tại, Boeing đã gửi lời chia buồn tới các nạn nhân và cho biết họ sẵn sàng làm tất cả để hỗ trợ.

Ở thời điểm hiện tại, phía Iran khẳng định sự cố với động cơ chính là nguyên nhân gây tai nạn. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra nghi ngờ về tuyên bố này, nhất là khi cộng đồng quốc tế không có quyền truy cập vào dữ liệu vụ hộp đen máy bay. Thông thường, sự cố về động cơ hiếm khi dẫn đến một thảm họa như vụ việc vừa xảy ra ở Iran.

Chiếc phi cơ gặp nạn sử dụng động cơ CFM56, một trong những động cơ máy bay phổ dụng nhất thế giới. Nó là sản phẩm của liên doanh giữa General Electric của Mỹ và Safran của Pháp. Trong quá trình đào tạo, các phi công phải trải qua các giả lập trong đó động cơ bị hỏng, buộc họ phải tìm một nơi an toàn để hạ cánh. Sự cố động cơ khiến máy bay bị phá hủy rất hiếm khi xảy ra.

Phi hành đoàn trên chiếc máy bay gặp nạn là những người rất kinh nghiệm. Cơ trưởng là người có tổng cộng 11.600 giờ bay với Boeing 737 và 5.500 giờ bay trong số đó được tích lũy trên vai trò cơ trưởng. Lỗi của phi hành đoàn đã được hãng hàng không Ukraine International Airlines gần như loại trừ hoàn toàn.

Trong khi đó, chiếc Boeing 737-800 gặp nạn luôn trong tình trạng tốt. Nó được bảo dưỡng vào ngày 6/1. Ukraine International Airlines mới nhận chiếc máy bay này năm 2016 và không có vấn đề nào với nó được ghi nhận trong thời gian gần đây.

Máy bay cất cánh từ sân bay Imam Khomeini ở Tehran lúc 6h12 và mất liên lạc lúc 6h14 theo giờ địa phương. Hãng hàng không cho biết máy bay đã đạt đến độ cao 2.400m, một độ cao được các phi công và chuyên gia nói rằng là an toàn trong mỗi lần cất cánh. Trong trường hợp mất độ cao, phi công sẽ thông báo về kiểm soát không lưu và máy bay sẽ không bị mất liên lạc. Đó là điều nhiều người còn cảm thấy khúc mắc.

Tham khảo: CNBC

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên