Câu hỏi khiến nhiều nhà sản xuất xe điện suy ngẫm: Liệu các trạm sạc pin có đủ để phục vụ nhu cầu thị trường?
Nhiều câu hỏi đang được đặt ra xoay quanh tính khả thi của các trạm sạc và cường độ lưới điện phục vụ thị trường xe xanh.
Theo hãng tin Fox Business, chiến dịch kêu gọi sử dụng xe điện (EV) cùng một loạt chính sách hỗ trợ của giới chức các nước sẽ mở ra kỷ nguyên vàng cho các dòng xe thân thiện với môi trường. Ngành công nghiệp này theo đó sẽ tiếp tục chứng kiến thêm nhiều cuộc chạy đua thâu tóm ráo riết, từ nguồn cung lithium cho đến từng con chip nhỏ để sản xuất pin xe.
Trong năm 2021, 6 triệu người đã chọn mua xe điện. Con số này được kỳ vọng có thể tăng lên 70% trong năm 2030 và 100% vào năm 2050 khi xe xanh trở xu hướng tiêu dùng mới.
Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn một chút, mục tiêu này được cho là khó có thể trở thành hiện thực. Nhiều câu hỏi đang được đặt ra xoay quanh tính khả thi của các trạm sạc và cường độ lưới điện phục vụ thị trường xe EV, bởi lẽ, việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ xe chạy xăng và động cơ đốt trong ban đầu cũng mất tới 1 thế kỷ.
Thiếu trạm sạc điện
Theo các chuyên gia, số lượng các trạm sạc xe điện công cộng hiện nay khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu trong một thị trường đang trên đà bùng nổ. Ước tính đến cuối thập kỷ này, thế giới cần thêm 40 triệu điểm sạc công cộng nữa mới có thể cân bằng cán cân cung-cầu. Số tiền đầu tư mỗi năm từ nay đến 2030 theo đó rơi vào khoảng 90 tỷ USD.
Ước tính đến cuối thập kỷ này, thế giới cần thêm 40 triệu điểm sạc công cộng nữa mới có thể cân bằng cán cân cung-cầu
Ngay cả khi tốc độ chuyển đổi không nhanh như dự kiến, thế giới vẫn cần bỏ ra khoản tiền không hề nhỏ để đầu tư cho cơ sở hạ tầng các trạm sạc điện. Theo Bloomberg NEF, nếu doanh số xe điện trong năm 2040 chỉ bằng 1/3 so với năm 2030, các ông lớn vẫn cần chi ra khoảng 600 tỷ USD đầu tư cho các trạm sạc.
Bên cạnh việc có quá ít trạm sạc pin công cộng được lắp đặt, công suất hoạt động của ngành công nghiệp này cũng chưa thực sự khả quan. Theo Ủy ban Châu Âu, cứ 10 chiếc xe EV chạy trên đường thì cần 1 trạm sạc điện. Song thực tế, theo khảo sát được thực hiện bởi Volkswagen, nhiều trạm sạc tại Trung Quốc thậm chí không hề hoạt động. Trong số 1 triệu điểm sạc, chỉ có 30-40% trạm là hoạt động liên tục.
Nguyên nhân một phần được cho là đến từ sự chậm trễ trong quá trình phê duyệt kéo dài của nhiều bên liên quan, bao gồm nhà sản xuất, chính quyền địa phương và các nhà cung cấp dịch vụ trung gian.
Phạm vi và tính khả dụng của các trạm sạc công cộng theo đó trở thành mối quan ngại khá lớn khi người tiêu dùng mua xe EV. Trong cuộc khảo sát hồi tháng 12 của công ty AlixPartners, tại 7 quốc gia chiếm 85% doanh số xe điện toàn cầu, giá ô tô điện chỉ đứng thứ 3 trong danh sách 5 lý do người dân không muốn sử dụng xe điện. 3 lý do còn lại đều liên quan đến vấn đề pin sạc.
Tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, nhu cầu đối với các trạm sạc pin công cộng dự kiến sẽ tăng lên rất nhanh
Dẫu vậy, xe EV vẫn có một vài lợi thế, đơn cử như việc chúng có thể sạc tại nhà hoặc nơi làm việc nếu chủ nhân chiếc xe tự sắm thiết bị sạc. Tại Mỹ, 70% ngôi nhà đều có bãi đậu xe - khu vực mà các trạm sạc nhỏ có thể được lắp đặt. Ước tính trong năm 2020, các trạm sạc tại nhà và nơi làm việc chiếm gần 3/4 tổng lượng điện sạc tại Mỹ.
Hiện sau 1 lần sạc, trung bình các dòng xe điện có thể chạy trong phạm vi 400 km. Người Mỹ trung bình đi 50km một ngày. Điều này có nghĩa 8 ngày sau họ mới cần sạc lại. Họ cũng có thể sử dụng các ổ cắm chuyên dụng giá chỉ vài trăm USD (thường được chính phủ trợ cấp) để chi phí cho mỗi lần sạc là rẻ nhất.
Tuy nhiên, khi xe điện ngày càng trở nên phổ biến, chỉ các trạm sạc tại nhà thôi là chưa đủ. Tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, nhu cầu đối với các trạm sạc pin công cộng dự kiến sẽ tăng lên rất nhanh. Các loại trạm sạc qua đêm được cho là sẽ phổ biến hơn so với các trạm sạc tại các trung tâm mua sắm, nhà hàng và rạp chiếu phim. Chi phí lắp đặt thường từ 2.000 đến 10.000 USD cho mỗi điểm sạc.
Các trạm sạc nhanh, giúp xe đi được thêm 100-130 km chỉ sau 20 phút cũng đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt trên các tuyến đường dài. Không tài xế nào muốn chờ đợi quá lâu, vậy nên nhu cầu đối với loại sạc này cũng vô cùng lớn. Chi phí lắp đặt sạc nhanh lại rất tốn kém, ít nhất là 100.000 USD.
Xu hướng mua xe EV và sạc pin xe điện hiện đang trong giai đoạn sơ khai
Theo các chuyên gia thuộc lĩnh vực xe điện, xu hướng mua xe EV và sạc pin hiện đang trong giai đoạn sơ khai, vậy nên, những lo lắng trên là không có cơ sở. Dẫu vậy, việc cần chính xác bao nhiêu trạm sạc pin xe điện công cộng cho mỗi chiếc EV vẫn đang là câu hỏi được bỏ ngỏ.
Nút thắt trong mạng lưới điện quốc gia
Không chỉ riêng các trạm sạc, mạng lưới điện toàn cầu cũng được coi là nút thắt lớn. Bởi lẽ việc thiết lập hệ thống nhiều trạm sạc sẽ gia tăng áp lực lên lưới điện quốc gia, chưa kể những trạm sạc nhanh giúp người dùng không phải chờ đợi hàng tiếng đồng hồ.
Theo Ryan Sitton, cựu cơ quan quản lý năng lượng Texas kiêm Giám đốc điều hành của Pinnacle Believability, xu hướng xe EV trên toàn quốc có thể sẽ gia tăng khoảng 30% nhu cầu đối với lưới điện quốc gia. Nhu cầu điện toàn cầu theo đó sẽ tăng lên gấp đôi.
Đây được coi là thách thức, nhất là trong bối cảnh một số quốc gia lớn như Trung Quốc còn đang phải giải quyết tình trạng thiếu điện trầm trọng. Kể từ cuối tháng 9, tình trạng cắt điện luân phiên ở Trung Quốc đã lan ra 1/2 quốc gia. Nhiều nhà máy phải cắt giảm sản xuất, trong khi đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thậm chí, khủng hoảng điện còn có nguy cơ làm chậm quá trình phục hồi của nền kinh tế và tạo thêm áp lực cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việc thiết lập hệ thống nhiều trạm sạc sẽ gia tăng áp lực lên lưới điện quốc gia
Có thể nói, trong 10 đến 15 năm tới, nhu cầu điện có thể tăng 20,30%. Việc đáp ứng nhu cầu này chỉ nhờ năng lượng sạch theo đó có thể trở thành bài toán mà giới chức các nước khó tìm ra lời giải.
Tiềm năng phát triển
Dẫu vậy, tiềm năng phát triển của các trạm sạc pin xe điện vẫn là rất lớn. Theo tờ Economist, hiện có 3 loại hình doanh nghiệp sắp thống trị lĩnh vực sạc điện toàn cầu.
Một là các nhà sản xuất EV tự cung cấp mạng lưới sạc điện, chẳng hạn như Tesla. Với hơn 25.000 trạm sạc nhanh Supercharger tại hơn 2.700 địa điểm trên khắp thế giới, mạng lưới sạc này đã mang lại lợi thế không hề nhỏ cho gã khổng lồ xe điện. Thậm chí, Tesla còn sử dụng tiêu chuẩn CCS tại châu Âu, cho phép nhiều ô tô của các hãng khác có thể sạc tại các trạm mà không cần sử dụng bộ chuyển đổi. Ngoài Tesla, BMW, Ford, Huyndai cũng đang mở rộng mạng lưới sạc xe của mình.
Thứ hai là các doanh nghiệp chuyên về sạc xe điện. Doanh thu những công ty này tương đối nhỏ, song giá trị thị trường lại đang tăng lên. Được đánh giá cao nhất là ChargePoint với giá trị thị trường khoảng 7 tỷ USD. Công ty kiểm soát 44% thị trường sạc công cộng tại Mỹ và đang mở rộng sang châu Âu. evBox, một công ty Hà Lan sở hữu 300.000 điểm sạc trên toàn cầu cũng được đánh giá cao.
Thứ ba là các công ty năng lượng. Lo ngại việc kinh doanh xăng dầu thua lỗ do ảnh hưởng của các lệnh hạn chế đi lại, các doanh nghiệp này dần lấn sân sang thị trường trạm sạc, trong đó điển hình là công ty dầu khí Royal Dutch Shell. Công ty này hiện đang lên kế hoạch triển khai 500.000 điểm sạc pin xe điện trên khắp thế giới vào năm 2025.
Hiện chính phủ các nước cũng đang thúc đẩy tiêu thụ xe điện. Luật cơ sở hạ tầng mới của Mỹ dành tới 7,5 tỷ USD để lắp đặt 500.000 trạm sạc pin công cộng vào năm 2030. Vương quốc Anh mới đây cũng yêu cầu nhiều hộ gia đình và các điểm bán lẻ phải có trạm sạc riêng cho xe điện.
Trung Quốc hiện là một trong số các quốc gia đi đầu trong lĩnh vực phát triển xe điện, coi trọng việc chuyển đổi điện khí hóa và nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ phía chính phủ. Mạng lưới sạc tại quốc gia này đã cho thấy sự tương quan tăng trưởng với nhiều công nghệ tiên tiến khác. Theo báo cáo từ The People’s Daily, dữ liệu từ Liên minh xúc tiến cơ sở hạ tầng sạc xe điện cho thấy, Trung Quốc hiện cung cấp 2,22 triệu trạm sạc EV trên khắp đất nước, tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2020.
Dẫu vậy, những nghi ngờ xoay quanh triển vọng của ngành công nghiệp sạc xe điện vẫn tồn tại do số lượng các điểm sạc trên toàn cầu chưa hề tương xứng với quy mô mà thế giới cần. Ước tính trong năm 2030, các quốc gia như Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc sẽ chỉ có khoảng 6,5 triệu trạm sạc công cộng, trong khi mục tiêu đặt ra là 40 triệu trên toàn cầu. Khi đó, nhiều ô tô điện sẽ phải tranh giành nhau chỗ sạc, còn người lái xe cũng cần phải học cách kiên nhẫn.
Theo: The Economist
Doanh nghiệp và tiếp thị