Cầu khỉ, cao tốc và Corona
Chính phủ đang đếm từng tuần cho chặng đường nước rút phát triển kinh tế năm 2020. Còn 25 tuần là hết năm thì chúng ta phải đếm từng ngày ngăn “bùng nổ” Corona khi con virus này cười nhạo mọi dự báo.
- 10-08-2020Thu nhập phi công Vietnam Airlines giảm sốc trong dịch Covid-19
- 09-08-2020Dịch COVID-19 ảnh hưởng thế nào đến ngành ô tô Việt Nam?
- 08-08-2020Bộ Y tế: Tất cả các địa phương đều phải chuẩn bị phương án chống dịch ở mức độ xấu
Vào những ngày cuối đông đầu xuân vừa rồi, lúc còn chưa có được cái tên chính thức là COVID-19, Corona đã gây bão táp lên các châu lục. Một niềm hy vọng được nhen nhóm lên là nó sẽ ra đi khi nắng hè lên rực rỡ.
Việt Nam chiến thắng vẻ vang trong trận đầu, được nhiều quốc gia ngưỡng mộ khi không một người dân nào thiệt mạng vì đại dịch, số người dân bị nhiễm bệnh trên một triệu dân thấp nhất thế giới.
Việt Nam cũng một niềm hy vọng Corona, trong nắng hè sẽ lùi xa và quả nhiên điều đó diễn ra. Gần 100 ngày chói chang đi qua, không xuất hiện một ca nhiễm mới nào từ nội địa.
Nhưng hy vọng chỉ là hy vọng. Corona vẫn sống khỏe, thậm chí còn hung hăng hơn, ngay cả ở nơi nóng bỏng cháy của lục địa đen, nó cũng càn quét không tha.
Sự trở lại của con virus nguy hiểm này ở thành phố đáng sống Đà Nẵng như một thực tế tất yếu. Việt Nam không có được sự may mắn như hồi mùa xuân. Corona tìm được đúng địa chỉ để tái xuất, đó là các bệnh viện, nơi có nhiều hơn cả những người dân ốm yếu. Ngót 2 tuần, nó lấy đi sinh mạng của 11 người.
Không còn niềm hy vọng nắng vàng rực rỡ sẽ mang chúng đi, cả thế giới lại đặt niềm hy vọng vào vaccine. Vẫn chưa rõ vaccine bao giờ có, Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra những nhận định chưa lấy gì làm chắc chắn.
Lúc thì cơ quan này nói rằng đừng mong chờ có "viên đạn bạc" nào tiêu diệt được COVID-19; lúc lại đưa ra khuyến cáo về chủ nghĩa dân tộc trong "cuộc chiến" vaccine, các nước giàu không thể độc chiếm vì dù có độc chiếm vẫn không loại bỏ được dịch bệnh khi các nước nghèo còn trong làn sóng lây nhiễm…
Việt Nam cũng hy vọng vào vaccine. Tuy nhiên, nhìn ra thế giới, ngay ở quốc gia đứng vị trí số 1 về các giải Nobel khoa học là nước Mỹ mà vẫn đang loay hoay trong nghiên cứu, thì Việt Nam hiểu hơn bao giờ hết phải "tự mình cứu mình", triết lý hàng nghìn năm qua của người Việt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu, "thần tốc truy vết, dập dịch kiên quyết".
Đau xót nghe tin những người dân qua đời, Thủ tướng nhắn nhủ đội ngũ các y bác sĩ, "cố hết sức giữ lại cuộc sống cho người bệnh" và nhắc đi nhắc lại lưu ý ngăn ngừa nguy cơ lây nhiềm đối với người có bệnh nền, mãn tính, người cao tuổi. Bộ Y tế đã lập tức ra lời kêu gọi người cao tuổi không ra đường trong thời điểm này.
Thế giới đang trong chuỗi ngày kỳ lạ, hy vọng, không còn hy vọng, rồi lại hy vọng.
Còn Việt Nam, một đất nước kiên cường và đau thương thời chiến, phát triển bứt phá và mãnh liệt thời bình, chỉ luôn vươn lên trong hy vọng, như ca từ nhạc Trịnh, không bao giờ tuyệt vọng vì "yêu quá đời này".
Đại dịch COVID-19, dẫu là thách thức chưa từng có trong nhiều thập kỷ, nhưng cũng vẫn chỉ là thách thức, theo khẳng định của Chính phủ, "trong tầm kiểm soát".
Nhiệm kỳ này từng gặp phải những thách thức thậm chí chạm ngưỡng vượt tầm kiềm soát và kết quả là đều đã vượt qua.
Có thể kể đến một ví dụ.
Đầu năm 2016, trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói thẳng thực trạng, "ngân sách đi dây mà trong những năm tới, có thể đứt dây thì chúng ta chết".
Ngân khố quốc gia rất khó khăn, Chủ tịch Quốc hội khi đó là ông Nguyễn Sinh Hùng thấy, "không còn đồng nào cho phát triển".
Năm đầu tiên của nhiệm kỳ Chính phủ khóa mới được khởi đầu bởi các con số nợ tính đến cuối năm 2015, nợ Chính phủ 50,3% (vượt trần quy định là 50%).
Nghĩa vụ chi trả nợ lãi trực tiếp năm 2015 nếu tính cả trả nợ gốc thì bằng trên 26% tổng thu ngân sách nhà nước. Mà một trong những giới hạn an toàn nợ công là tổng số nợ hằng năm phải trả không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước.
Sự khó khăn của thời kỳ đó còn là sức khỏe doanh nghiệp. Doanh nghiệp giải thể, phá sản trong năm 2011 là khoảng hơn 50.000, đến năm 2015 lên tới gần 80.000.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, "Phần lớn trong số họ (cộng đồng doanh nghiệp) không có tiếng nói, chỉ lầm lũi thinh lặng như đang đi trên cái cầu khỉ, lưng bị đè nặng bởi khối đá mệnh lệnh, họ cúi đầu dò dẫm từng bước một để sao cho khỏi rơi xuống sông, không thể ngẩng đầu lên cũng như không thể nhìn xa ra bên ngoài được, nên luôn trong tình trạng ưu phiền, kiệt sức".
Tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp diễn ra ngày 17/5/2017, Thủ tướng công bố với các doanh nghiệp Chỉ thị số 20 về việc không thanh tra doanh nghiệp một năm quá một lần. Ảnh: VGP
Nhận diện ngân sách nhà nước muốn qua thời kỳ khó khăn thì phải vực dậy doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mở màn cho nhiệm kỳ Chính phủ khóa mới với Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp.
Ông phát đi thông điệp rất dân giã, "doanh nghiệp, Chính phủ là cây đa dựa thần, thần dựa cây đa" và tuyên bố mở ra thời kỳ ngẩng cao đầu của doanh nghiệp trong đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước.
Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm, Thủ tướng trực tiếp chủ trì ít nhất 25 cuộc xúc tiến đầu tư tại các địa phương cùng hàng trăm cuộc họp, làm việc, tiếp xúc về tình hình phát triển doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực.
Tính ra, không có ngày nào Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ không làm việc với doanh nghiệp, bàn về doanh nghiệp. "Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không chỉ trăn trở, sốt ruột, mà còn đồng cam cộng khổ cùng doanh nghiệp", Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định, "Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mang đến cho doanh nghiệp cả bánh mì và hoa hồng".
Bước chân ra hẳn thời kỳ khó khăn, không những vậy, các con số liên quan đến phát triển doanh nghiệp còn đạt mức kỳ tích.
Năm 2016, lần đầu tiên, số doanh nghiệp thành lập mới vượt 100.000 doanh nghiệp. Năm 2017, kỷ lục được phá vỡ khi có khoảng 127.000 doanh nghiệp được thành lập. Kỳ tích tiếp tục với năm 2018, hơn 130.000 doanh nghiệp thành lập mới. Năm 2019, trên 138.000.
Song hành cùng nhịp chân bước ra hẳn thời kỳ khó khăn, nền kinh tế có "của ăn của để". Bội chi và nợ công ngày càng giảm sâu, tốc độ tăng nợ công đã giảm hơn một nửa. Nếu như giai đoạn 2011 - 2015 tốc độ tăng nợ công là hơn 18% thì giai đoạn 2016-2020 chỉ hơn 8%. Thu ngân sách luôn tăng cao hơn tăng trưởng kinh tế.
Duy trì sự bền mầu cho bức tranh tươi sáng này, Chính phủ dỡ bỏ các cây "cầu khỉ" và xây dựng hàng loạt "cao tốc" rộng đường cho doanh nghiệp phát triển.
Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực vào 1/8/2020 là một điển hình cho "cao tốc". Thủ tướng ví "đại bàng hay chim sẻ" tức là mọi thành phần kinh tế đều có chung cơ hội sải cánh trên "cao tốc" này.
Cũng bởi lẽ đó, giữa thời kỳ bất thường vì COVID-19, 7 tháng đầu năm 2020, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động vẫn lên tới 103.800 doanh nghiệp, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Giữa thời kỳ bất thường vì COVID- 19, ngân sách nhà nước cũng không xấu như dự báo và Bộ trưởng Tài chính quả quyết không bao giờ phải quay lại thời kỳ "đi dây".
Corona chắc chắn không thể nào uy hiếp một Chính phủ đã từng đứng trước lằn ranh "có thể đứt dây".
Kỳ thi THPT Quốc gia 2020 là một kỳ thi đặc biệt khi diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang hoành hành. |
Ngay lúc này, Kỳ thi THPT Quốc gia đang diễn ra như kế hoạch, bất chấp sự quần thảo của dịch bệnh.
Những cô, cậu học trò tuổi 18, đeo khẩu trang, chăm chú giải đề văn, "ngay cả ở vùng sa mặc khô cằn Sahara, nơi mà mỗi năm chỉ có một hai cơn mưa, nhưng mỗi khi có giọt nước hiếm hoi trút xuống, thì các loài thực vật lại vội vã nảy mầm và nở hoa…"
"Sống hết mình cho hiện tại, sẽ đưa sự sống, dù nhỏ bé, vươn đến ngày mai…"
Chinhphu.vn