MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Câu lạc bộ thị giá 3 chữ số trên sàn chứng khoán: Doanh nghiệp sản xuất, y tế, công nghệ “chiếm sóng”, vắng bóng nhóm tài chính, bất động sản

Câu lạc bộ thị giá 3 chữ số trên sàn chứng khoán: Doanh nghiệp sản xuất, y tế, công nghệ “chiếm sóng”, vắng bóng nhóm tài chính, bất động sản

Nhóm thị giá 3 chữ số vắng bóng cổ phiếu tài chính, bất động sản, thay vào đó là các lĩnh vực ít mang tính chu kỳ hơn như công nghệ, y tế, bán lẻ, thực phẩm và đồ uống, dịch vụ công nghiệp,…

Thị trường chứng khoán Việt Nam có đến hơn 1.600 cổ phiếu nhưng số mã có thị giá "3 chữ số" (từ 100.000 đồng trở lên) rất ít. Số liệu thống kê tại ngày 8/3 chỉ có 25 cái tên có thị giá 3 chữ số. Đáng chú ý, danh sách lại vắng bóng cổ phiếu tài chính (ngân hàng, chứng khoán, công ty tài chính, bảo hiểm) dù nhóm này chiếm đến gần một nửa giá trị vốn hóa toàn thị trường.

Thực tế, đây là điều không quá khó hiểu khi nhóm tài chính, bất động sản phải thường xuyên nâng cao năng lực về vốn để phục vụ hoạt động kinh doanh. Các hoạt động chia tách cổ phiếu, tăng vốn diễn ra phổ biến là một trong những nguyên nhân khiến thị giá cổ phiếu khó duy trì ở mức cao. Thêm nữa, nhóm tài chính cũng mang nặng tính chu kỳ, việc duy trì đà tăng xuyên suốt trong thời gian dài là không đơn giản.

Nhóm bất động sản cũng chỉ có duy nhất một đại diện là KCN Nam Tân Uyên. Những cái tên trong câu lạc bộ thị giá 3 chữ số đa phần thuộc các lĩnh vực ít mang tính chu kỳ như công nghệ, y tế, bán lẻ, thực phẩm và đồ uống, dịch vụ công nghiệp,… Nhiều doanh nghiệp như FPT, Dược Hậu Giang, Masan Consumer, Viettel Construction, Rạng Đông, Cảng Đồng Nai, Cholimex,… đã duy trì tăng trưởng ổn định trong thời gian dài. Tăng trưởng lợi nhuận bền bỉ là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy giá cổ phiếu đi lên.

photo-1710124141828

Trên bệ phóng tăng tưởng lợi nhuận cao, rất nhiều cái tên trong danh sách thị giá 3 chữ số đã tăng mạnh hàng chục % từ đầu năm 2024. Một số cổ phiếu thậm chí còn đang trên vùng đỉnh lịch sử, có thể kể đến như FPT, BMP, CTR, WCS, HLB, MCH,… Thị giá cao nhưng vẫn hút tiền mạnh và liên tục đi lên, không quá khi cho rằng đây là những cái tên “đắt xắt ra miếng” trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Thêm nữa, các doanh nghiệp trong nhóm thị giá 3 chữ số cũng ít pha loãng cổ phiếu. Lợi nhuận ổn định, dòng tiền đều đặn tích luỹ trong nhiều năm giúp củng cố tiềm lực tài chính cho các doanh nghiệp này. Vì thế, những cái tên trong nhóm hiếm khi phải huy động vốn từ cổ đông hoặc bên ngoài để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Thay vào đó, tiền chủ yếu dùng để chia cổ tức cho cổ đông.

Truyền thống chi trả cổ tức cao

Nhiều cái tên trong nhóm thị giá 3 chữ số có truyền thống chi trả cổ tức cao bằng tiền mặt, đặc biệt có thể kể đến Nhựa Bình Minh, Sữa Quốc tế, Phốt pho Apatit Việt Nam, Bến xe Miền Tây, Mía đường Sơn La,… Cổ đông các doanh nghiệp này có xu hướng nắm giữ dài hạn hưởng cổ tức thay vì “trading” ăn chênh lệch giá. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến thanh khoản của các cổ phiếu thường không cao.

Nổi bật nhất có lẽ là Phốt pho Apatit Việt Nam khi doanh nghiệp này liên tục chia cổ tức khủng sao khi lên sàn giữa năm 2022. Cuối năm ngoái, doanh nghiệp này đã tạm ứng cổ tức 2023 với tỷ lệ 90% bằng tiền. Trước đó, cổ đông của doanh nghiệp hóa chất này thậm chí còn được nhận cổ tức bằng tiền với tỷ lệ lên đến 306% cho năm 2022.

“Bé hạt tiêu” Bến xe Miền Tây cũng chuẩn bị tạm ứng cổ tức năm 2023 với tỷ lệ lên đến 144% bằng tiền. Ngày đăng ký cuối cùng là 15/3, thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 28/3. Trước đó, vào cuối năm 2023, Mía đường Sơn La đã chia cổ tức niên độ 2022-2023 với tỷ lệ lên đến 150% bằng tiền cho cổ đông. Sữa Quốc tế và Nhựa Bình Minh cũng đều chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ rất cao, lần lượt 85% và 65%.

Nhìn chung, cổ phiếu trong nhóm thị giá 3 chữ số thường sẽ phù hợp hơn với chiến lược đầu tư nắm giữ dài hạn. Những cái tên trải rộng trên cả 3 sàn cùng quy mô đa dạng (từ vốn hóa vài trăm tỷ đến tỷ USD) giúp nhà đầu tư thoải mái lựa chọn. Từ các cá nhân - nòng cốt của thị trường có vốn khiêm tốn đến những “tay to” vốn khủng, vốn cỡ nào cũng có cổ phiếu “vừa túi”. Với trường phái này, cổ tức bằng tiền là một yếu tố gần như không thể thiếu.

Về cơ bản, cổ tức tiền mặt với tỷ lệ cao, đều đặn phần nào cho thấy sức khoẻ của doanh nghiệp. Chính sách cổ tức được duy trì đều đặn trên nền tảng doanh nghiệp “ăn nên, làm ra”. Lợi nhuận ổn định, thậm chí tăng trưởng qua từng năm cũng sẽ là yếu tố thúc đẩy cổ phiếu trên thị trường đi lên. Vì thế, nhà đầu tư dài hạn có thể “ung dung” hưởng lãi kép nhờ nắm giữ những cổ phiếu “sòn sòn” cổ tức hàng năm.

Hà Linh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên