Câu trả lời của ngân hàng Việt trước yêu cầu 20 tỷ USD
Sau 5 năm trước yêu cầu đặt ra, nhiều ngân hàng thương mại của Việt Nam đã vượt qua và thậm chí còn ấn tượng hơn về cấp độ.
Tháng 9/2018, Fitch Ratings - tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới ra báo cáo nhấn mạnh: hệ thống ngân hàng Việt Nam có thể thiếu nguồn vốn khoảng 20 tỷ USD để đáp các tiêu chuẩn của Hiệp ước vốn Basel II.
Quy mô tương ứng khoảng 450 nghìn tỷ đồng trở thành thử thách lớn, khi thời hạn áp dụng Basel II được ấn định từ năm 2020. Và ngay sau đó khủng hoảng đại dịch Covid-19 ập tới.
Giá trị tích lũy suốt chục năm
Thử thách lớn mà Fitch dự tính còn kéo dài cho đến nay. Dữ liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải tách thành hai: nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) đã đáp ứng đủ vốn theo Basel II (theo Thông tư 41) và nhóm chưa đáp ứng được.
Dù vậy, phần lớn các NHTM Việt Nam đã vượt qua. Với khoảng 450 nghìn tỷ đồng nói trên, tại thời điểm Fitch ra báo cáo, tổng quy mô vốn tự có của toàn hệ thống mới chỉ quanh 800 nghìn tỷ đồng; đến nay, cập nhật tại 31/3/2023 đã đạt xấp xỉ 1,6 triệu tỷ đồng riêng nhóm áp dụng Thông tư 41.
Quy mô vốn tăng gấp đôi sau 5 năm cho thấy sức tăng trưởng mạnh mẽ của ngân hàng Việt, đặc biệt ở khối NHTMCP tư nhân. Nguồn lực này đến từ nội lực của các thành viên, nhưng có sự phân hóa rất sâu sắc.
Trước thềm báo cáo của Fitch, cuối năm 2017 đầu 2018, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) tạo một dấu mốc quan trọng trong hệ thống: thương vụ IPO thành công với quy mô 300 triệu USD lớn thứ 2 trong lịch sử; thương vụ lớn nhất khi đó thuộc về Vietcombank cách cả chục năm trước (vào năm 2007).
Dấu mốc của HDBank quan trọng, bởi nó đánh dấu một dòng chảy lớn, loạt thương vụ IPO của các ngân hàng Việt đến sau đó, nối tiếp ở Techcombank, rồi Vietcombank, BIDV… Loạt thương vụ này vừa huy động thêm vốn vừa mang lại giá trị thặng dư lớn, tạo một cấu phần cho yêu cầu bổ sung nguồn vốn đáp ứng Basel II.
Trực tiếp và lớn nhất, quá trình tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của hệ thống đã thúc đẩy chuỗi tăng vốn điều lệ ấn tượng trong 5 năm qua, tính từ thời điểm Fitch tính toán nói trên. Lợi nhuận được chuyển tiếp vào sức vốn, theo chính sách cổ tức mà NHNN định hướng và xét duyệt.
Nếu những giai đoạn trước đây, lợi nhuận của các ngân hàng bị phân tán qua chính sách trả cổ tức bằng tiền mặt, thì suốt chục năm qua NHNN yêu cầu chủ yếu chỉ được trả bằng cổ phiếu, qua đó trực tiếp tích lũy và gia tăng sức vốn.
Chính sách cổ tức đó có thể chưa đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận nhà đầu tư và cổ đông, khi họ muốn tiền mặt, nhưng đã giúp hệ thống tích lũy được nguồn lực lớn, giá trị lớn để vươn tầm quy mô nội lực, đạt Basel II và cấp độ còn cao hơn nữa.
Và khi đạt được, NHNN ghi nhận và cho phép một số nhà băng trở lại trả cổ tức bằng tiền mặt như vừa qua tại HDBank, VIB, MB…
Kiểm định sức mạnh qua sóng gió
Basel II và cấp độ cao hơn được nhìn nhận như thế nào?
Khi các NHTM đầu tiên của Việt Nam đạt Basel II, TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính từng đánh giá: Đó là một tin vui đối với người gửi tiền bởi họ có thể chắc chắn rằng đây là ngân hàng có mức độ tín nhiệm cao, mức độ an toàn vốn tốt, đã được một tiêu chuẩn quốc tế công nhận.
Hay theo cách diễn giải của một lãnh đạo NHTM khi trả lời tại hội thảo chuyên đề của Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội nhiều năm trước rằng: Có bộ đồ bảo hộ bền chắc và dày dặn, bạn sẽ chống chịu tốt hơn khi ngã hoặc chịu va đập.
Một cuộc kiểm định quy mô lớn đến ngay khi các ngân hàng vừa đạt Basel II. Cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 ập tới, ảnh hưởng sâu rộng và kéo dài. Sóng gió chưa dừng lại, những phát sinh có ảnh hưởng lớn trên thị trường trái phiếu, biến động lãi suất và tỷ giá trong năm 2022 tạo những thử thách nối tiếp…
Hệ thống NHTM Việt Nam phân hóa sâu sắc qua sóng gió. Nhiều thành viên đã suy giảm lợi nhuận, nợ xấu tăng lên, tốc độ tích lũy vốn tự có chậm lại. Nhưng không phải tất cả, một số mũi nhọn tiếp tục khẳng định sức bền và sức mạnh trong kết quả kinh doanh, cũng như hướng đến cấp độ mới: Basel III.
Ngày 24/7, HDBank công bố đã hoàn tất triển khai toàn diện Basel III Reforms. Hiện một số NHTM Việt Nam cũng đã bắt đầu áp dụng tiêu chuẩn của bộ chuẩn mực này, hướng đến việc triển khai toàn diện.
Basel III chưa phải là cấp độ yêu cầu phải đáp ứng tại Việt Nam như với Basel II được quy định trong Thông tư 41. Nhưng đây là mục tiêu tự thân, các NHTM có đủ năng lực chủ động và tiên phong thực hiện. Chuẩn mực quản trị rủi ro với Basel III giúp các ngân hàng nâng cao năng lực vốn, kiểm tra sức chịu đựng trong những tình huống xấu nhất và quản lý tốt hơn rủi ro thanh khoản.
Ấn tượng hơn, một số ngân hàng Việt đã tiến tới cấp độ Basel III toàn diện trong điều kiện và bối cảnh không thuận lợi, khi vừa trải qua sóng gió từ đại dịch Covid-19, tác động từ những bất ổn trên thị trường toàn cầu và cả những khó khăn nội tại của thị trường trong nước.
Chính điều kiện và bối cảnh bất lợi đó càng làm nổi bật thành quả, nỗ lực của các ngân hàng Việt trong mắt nhà đầu tư, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế. Và Basel III hẳn cũng là một điểm cộng để NHNN ghi nhận khi xem xét giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm, cùng chính sách cổ tức thuận lợi hơn cho cổ đông.
Tổ Quốc