Cây cầu tàu hỏa đi chung với ô tô, xe máy còn sót lại ở Bắc Giang
Cầu Cẩm Lý bắc qua sông Lục Nam thuộc tuyến quốc lộ 37 nằm trên địa bàn huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Đây là một trong những cây cầu cuối cùng của cả nước dùng chung đường sắt và đường bộ.
Theo anh Vũ Trí Minh, nhân viên gác cầu Cẩm Lý, sở dĩ có tình trạng trên vì các tài xế xe tải từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương chạy đến Lạng Sơn chọn qua đường này thay cung đường khác bởi vừa rút ngắn được hàng chục km, vừa tránh được một số trạm thu phí. |
Trải qua hơn 40 năm sử dụng, cùng với việc hàng ngày phải chịu trọng tải lớn của các lượt xe, đến nay cầu Cẩm Lý đã xuống cấp nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến người tham gia giao thông khi qua cầu. Anh Nguyễn Văn Hùng, lái xe container tuyến Hải Phòng - Lạng Sơn cho biết dù thường xuyên qua cầu nhưng lần nào cũng có cảm giác lo lắng. Có lúc thấy gần chục chiếc container cùng "bò" qua cầu mà rùng mình, ngồi trên xe mà cảm nhận rõ cây cầu như đang rung lên dưới chân mình. |
Vì thiết kế ban đầu chủ yếu phục vụ tàu hỏa nên mặt cầu rất nhỏ, chỉ có một làn lưu thông, vì vậy người tham gia giao thông qua cầu gặp nhiều khó khăn, bất tiện. Các xe qua đây thường phải chờ đèn đỏ khoảng 4 -5 phút nhường đường cho làn xe đối diện lưu thông. Khi gặp tàu hỏa có khi phải chờ chục phút, đoàn xe ùn tắc kéo dài hàng cây số. Nhiều lái xe không tuân thủ tín hiệu đèn cố tình vượt lên, dẫn đến tai nạn hay ùn tắc kéo dài. |
Thiết kế làn đường dành cho xe máy, xe đạp rất nhỏ, chỉ rộng khoảng hơn 1m, thành lan can mỏng và thấp, mặt dưới được kết lại bằng những tấm bê tông. Giữa làn dành cho xe máy và làn dành cho ô tô khoảng cách lớn, thiếu an toàn. Đã có những tai nạn đáng tiếc xảy ra như ô tô đâm vào rào chắn, người đi xe máy rơi xuống sông. |
Dù đã có biển cấm nhưng nhiều người tham gia giao thông qua cầu vẫn cố tình vi phạm đi vào làn dành cho ô tô vì làn xe máy gập ghềnh khó đi. Chị Thu Nga - một người dân cho biết, dù ngày nào cũng qua cầu nhưng luôn có cảm giác sợ hãi, "tim muốn bắn ra ngoài, những lần qua cầu gặp gió to thì không dám thở". |
Hàng năm, cầu Cẩm Lý vẫn được đơn vị quản lý là Công ty Đường sắt Hà Lạng sửa chữa như bảo dưỡng hệ thống thanh sắt và ốc vít, thay mới thanh nan.. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, cầm chừng chứ không giải quyết dứt điểm được xuống cấp, nguy cơ mất an toàn của cầu. Đây là tuyến đường sắt nhánh, được đầu tư rất ít, kinh phí sửa chữa thường phải lấy từ tiền của tuyến khác đập vào, ông Nguyễn Văn Trọng, phó Giám đốc Công ty Đường sắt Hà Lạng cho biết. |
Hiện nay, các chuyến tàu chạy qua cây cầu thưa thớt, chủ yếu là tàu hàng. Tuy nhiên, theo lịch tàu chạy, nhân viên ngành đường sắt phải dọn đất đá do phương tiện đường bộ qua cầu rơi vào đường ray để tránh tàu bị trật bánh |
Tháng 8/2021, Bộ GTVT đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt đề xuất dự án mở rộng 4 cầu Xương Giang, Như Nguyệt, Gianh, Quán Hàu và hầm Đèo Ngang trên quốc lộ 1, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc với tổng mức đầu tư dự kiến 2.223 tỉ đồng.
Trong đó, cầu Như Nguyệt bắc qua sông Cầu nối liền Bắc Ninh với Bắc Giang trên đường BOT Hà Nội - Bắc Giang. Cầu Xương Giang cũng nằm trên tuyến BOT Hà Nội - Bắc Giang, bắc qua sông Thương, nằm trên địa bàn Bắc Giang. Đây là hai cây cầu chỉ có hai làn xe ô tô, trong khi BOT Hà Nội - Bắc Giang có 4 làn xe nên thường xuyên gây ra ùn tắc.
Sau đề nghị của Bộ GTVT, UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị rút cầu Như Nguyệt ra khỏi danh mục dự án dùng vốn ODA Hàn Quốc. Tỉnh này sẽ dùng ngân sách của tỉnh để mở rộng cầu Như Nguyệt. Thay vào đó, UBND tỉnh Bắc Giang đề xuất đưa vào danh mục dự án mở rộng cầu Cẩm Lý.
Trong chỉ đạo mới đây, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang làm việc, thống nhất với Bộ GTVT để đưa dự án mở rộng cầu Xương Giang trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang và cầu Cẩm Lý vào danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn ODA Hàn Quốc giai đoạn 2023-2026.
Tiền Phong