MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cây cột sắt phơi nắng phơi mưa suốt 1.600 năm nhưng không hoen rỉ: Người cổ đại dùng công nghệ gì mà đời sau mãi trầm trồ, thán phục?

13-05-2024 - 10:44 AM | Tài chính quốc tế

Thật khó tin khi biết rằng từ thế kỷ thứ 5, người Ấn Độ đã tạo ra được cột sắt khổng lồ, phơi mưa phơi nắng suốt 1.600 năm nhưng không hề hoen rỉ.

Cây cột sắt phơi nắng phơi mưa suốt 1.600 năm nhưng không hoen rỉ: Người cổ đại dùng công nghệ gì mà đời sau mãi trầm trồ, thán phục?- Ảnh 1.

Nằm bên trong khu phức hợp Qutb Minar đã được UNESCO công nhận là di sản của thế giới, công trình có tên Trụ Sắt (Iron Pillar) đứng sừng sững và cũng luôn là tâm điểm chú ý. Trong khi ngôi đền này được xây dựng vào đầu thế kỷ 13, cột sắt này có tuổi đời lâu hơn rất nhiều. Nó được tạo ra từ thế kỷ thứ 5.

Nặng 6 tấn với chiều cao 7,2m, cây cột đứng đó suốt 1.600 năm nhưng vẫn nguyên sơ như ngày đầu bất chấp tác động của môi trường, bao gồm cả nhiệt độ khắc nghiệt và tình trạng ô nhiễm gia tăng ở New Delhi, Ấn Độ. Sức bền khủng khiếp của công trình khiến nó làm say lòng những người mộ đạo, những người đến sân thánh đường Quwwat-ul-Islam để hành lễ.

Vậy tại sao cây cột sắt này không hoen rỉ?

Thông thường, các kết cấu sắt và kim loại sẽ bị oxy hóa khi tiếp xúc với không khí hoặc hơi ẩm. Tháp Eiffel là một ví dụ. Để bảo vệ công trình này, người ta đã phủ lên nó một lớp sơn đặc biệt. Còn cây cột ở Ấn Độ không hề có lớp sơn đó. Các nhà khoa học Ấn Độ đã miệt mài đi tìm câu trả lời cho sức bền đáng kinh ngạc của cây cột từ năm 1912 nhưng phải gần một thế kỷ sau, họ mới có câu trả lời.

Năm 2003, các chuyên gia tại Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) ở thành phố Kanpur mới tuyên bố rằng họ đã giải mã được bí ẩn của cây cột sắt. Câu trả lời sau đó được đăng trên tạp chí Current Science.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng cây cột chủ yếu được làm bằng sắt rèn với hàm lượng phốt pho cao (khoảng 1%). Trong khi đó, sắt này không có lưu huỳnh hay magie như sắt hiện đại. Các thợ thủ công cổ xưa còn sử dụng một kỹ thuật được gọi là hàn rèn, trong đó họ nung nóng và rèn sắt thành hình, giữ nguyên lượng phốt pho cao. Phương pháp này hiện không được sử dụng trong các hoạt động sản xuất hiện đại.

Cây cột sắt phơi nắng phơi mưa suốt 1.600 năm nhưng không hoen rỉ: Người cổ đại dùng công nghệ gì mà đời sau mãi trầm trồ, thán phục?- Ảnh 2.

Nhà luyện kim R. Balasubramaniam, tác giả của báo cáo, cho biết những điều này đã tạo ra một cây cột trường tồn. Một lớp mỏng được tạo thành từ hợp chất của sắt, oxy và hydro cũng được tìm thấy trên bề mặt cây cột. Lớp này được hình thành nhờ chất xúc tác liên quan tới hàm lượng phốt pho cao trong sắt, qua đó giúp nâng cao độ bền của cây cột.

Ông Balasubramaniam cũng ca ngợi sự tài tình của các thợ thủ công cổ đại đồng thời khẳng định cây cột chính là “bằng chứng sống” cho năng lực luyện kim của người Ấn Độ từ cổ đại.

Thế nhưng, không chỉ có công nghệ chống rỉ. Cây cột sắt này cũng rất bền. Các tài liệu lịch sử cho thấy một viên đạn đại bác bắn trúng cây cột vào thế kỷ 18 nhưng cũng không thể làm nó hư hại.

Với những thành tựu đó, cây cột hiện được chọn làm biểu tượng của các tổ chức khoa học như Phòng Thí nghiệm Luyện kim Quốc gia và Viện Kim loại Ấn Độ.

Cây cột huyền thoại ra đời như thế nào?

Ngoài ý nghĩa về công nghệ, cây cột sắt cũng mang trong mình loạt bí ẩn về tôn giáo và lịch sử. Một tài liệu được lưu hành rộng rãi cho thấy cây cột có từ thời đế chế Gupta, nhiều khả năng là dưới triều đại của Chandragupta II, còn được gọi là Vikramaditya, vào khoảng thế kỷ thứ 4 và thứ 5.

Theo câu chuyện này, cây cột được dựng lên trong Đền Varah thuộc Udayagiri Caves, gần Vidisha ở Madhya Pradesh. Nó giống tượng đài chiến thắng dành riêng cho Thần Vishnu – vị thần theo Hindu giáo. Người ta cho rằng từng có một bức tượng Garuda, con đại bàng huyền thoại của thần Vishnu, trên đỉnh của cột sắt dù nó đã bị thất lạc. Thế nhưng, giả thuyết khác cho rằng cây cột liên quan đến thiên văn hoặc những triều đại khác trong lịch sử Ấn Độ.

Cây cột sắt phơi nắng phơi mưa suốt 1.600 năm nhưng không hoen rỉ: Người cổ đại dùng công nghệ gì mà đời sau mãi trầm trồ, thán phục?- Ảnh 3.

Dù ra đời trong hoàn cảnh nào thì người Ấn Độ hiện nay vẫn đề cao ý nghĩa văn hóa và nỗ lực bảo tồn cây cột. Một truyền thuyết được nhiều người tin tưởng nói rằng nếu một người tựa lưng vào cây cột và vòng tay về phía sau để ôm trọn nó, điều ước của họ sẽ trở thành hiện thực. Chính bởi thế, đây là một truyền thống rất được người mộ đạo yêu thích.

Thế nhưng, để bảo tồn cây cột, Cơ quan Khảo cổ Ấn Độ (ASI) đã dựng một hàng rào xung quanh để hạn chế con người tác động vào công trình. Việc bảo tồn cây cột cũng rất được chú trọng, nhất là khi những di sản xung quanh đó đã bị phá hủy rồi tái thiết trong nhiều năm qua.

Tham khảo: CNN

Linh Anh

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên