MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cay đắng ví điện tử số 1 Trung Quốc: Chịu thiệt vì cuộc đấu đá khốc liệt của 185 ứng dụng thanh toán trực tuyến cho ‘miếng bánh’ 12 nghìn tỷ USD lớn nhất thế giới

02-06-2024 - 16:28 PM | Tài chính quốc tế

Ứng dụng ví điện tử hàng đầu Trung Quốc đã bị chính phủ yêu cầu giảm thị phần thanh toán di động, điều chưa từng diễn ra trước đây.

Mới đây, hãng Tencent Holdings đã được các cơ quan chức năng Trung Quốc yêu cầu giảm thị phần thanh toán di động trong ứng dụng WeChat của họ. Đây là một động thái chưa từng thấy trong lịch sử toàn ngành.

Mục đích của yêu cầu này chủ yếu nhắm đến việc thanh toán qua quét mã QR vốn đang ngày càng phổ biến tại Trung Quốc.

Động thái trên đã làm rúng động toàn ngành ví điện tử với 185 tổ chức thanh toán phi ngân hàng ở Trung Quốc, vốn đang là nền kinh tế thanh toán không tiền mặt lớn nhất thế giới với 943 triệu người sử dụng.

Hiện WeChat Pay và AliPay đang là 2 ứng dụng ví điện tử lớn nhất tại thị trường này.

12 nghìn tỷ USD

Dù cùng thống lĩnh thị trường ví điện tử nhưng WeChat Pay lại đang dẫn trước AliPay về thị phần với tỷ lệ 3:2 nhờ tận dụng tốt khoảng thời gian khủng hoảng của đế chế nhà Alibaba khi người sáng lập Jack Ma "vạ miệng".

Cay đắng ví điện tử số 1 Trung Quốc: Chịu thiệt vì cuộc đấu đá khốc liệt của 185 ứng dụng thanh toán trực tuyến cho ‘miếng bánh’ 12 nghìn tỷ USD lớn nhất thế giới- Ảnh 1.

Thậm chí xét về số lượng giao dịch, WeChat còn nhỉnh hơn AliPay do có nhiều giao dịch giá trị nhỏ được thực hiện hơn.

Nhờ khả năng tiếp cận được cả những người lớn tuổi ở vùng sâu vùng xa, nơi người già dùng WeChat để giữ liên lạc với lớp trẻ đi làm trên thành phố, nên ví điện tử của Tencent có độ phổ biến rất cao ở Trung Quốc.

Tính đến tháng 3/2024, WeChat có khoảng 3 tỷ người dùng tích cực hàng tháng.

Chính điều này khiến ví điện tử WeChat Pay trở thành con gà đẻ trứng vàng cho Tencent.

Trên thực tế, hãng tư vấn Analysys cho rằng mảng thanh toán di động và ví điện tử ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang ngày càng sinh lời do nhu cầu sử dụng tăng cao trong lớp trẻ.

Số liệu của Analysys cho thấy tổng giao dịch di động qua nhà cung ứng dịch vụ bên thứ 3 đã đạt 92,38 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 12 nghìn tỷ USD trong quý I/2024.

Trong đó riêng giao dịch quét mã QR đã đạt 15,59 nghìn tỷ Nhân dân tệ.

Bởi vậy không có gì khó hiểu khi sức mạnh quá lớn của WeChat Pay khiến chính quyền Bắc Kinh lo lắng, tương tự như những gì Alibaba từng phải đối mặt.

Kiểm soát

Trên thực tế đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc can thiệp vào lĩnh vực thanh toán trực tuyến.

Năm 2021, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã đề xuất dự thảo điều tra chống độc quyền bất cứ dịch vụ phi ngân hàng nào chiếm một nửa thị phần thanh toán trực tuyến. Ngoài ra, bất cứ 2 thực thể nào chiếm 2/3 thị phần cũng sẽ bị điều tra.

Cay đắng ví điện tử số 1 Trung Quốc: Chịu thiệt vì cuộc đấu đá khốc liệt của 185 ứng dụng thanh toán trực tuyến cho ‘miếng bánh’ 12 nghìn tỷ USD lớn nhất thế giới- Ảnh 2.

Tuy nhiên, những điều khoản này đã bị xóa bỏ khi luật mới về thanh toán trực tuyến và phí điện tử tại Trung Quốc có hiệu lực từ tháng 5/2024.

Thay vào đó, luật mới cho biết bất kỳ tổ chức thanh toán phi ngân hàng nào nếu độc quyền cũng sẽ phải chịu hình phạt, tuy nhiên cụ thể thế nào là độc quyền thì không được nêu rõ.

Trước tình hình này, WeChat đã tăng phí giao dịch với một số trường hợp. Tuy nhiên có vẻ ứng dụng này vẫn vào tầm ngắm của các cơ quan chức năng Trung Quốc.

Câu chuyện cũng dễ hiểu khi mảng tài chính trực tuyến và các mảng liên quan, bao gồm WeChat và dịch vụ điện toán đám mây của Tencent tăng trưởng doanh thu đến 15% trong năm 2023, đạt 203,8 tỷ Nhân dân tệ, đóng góp 33% tổng số cho tập đoàn.

Báo cáo tài chính của hãng ghi rõ sự tăng trưởng nhanh này chủ yếu đến từ nhu cầu gia tăng thanh toán trực tuyến.

*Nguồn: Tổng hợp

Theo Băng Băng

An Ninh Tiền Tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên