Cây làm giàu cho nông dân vùng đất khó Tiền Giang
Thanh long là cây trồng truyền thống tại huyện Chợ Gạo - địa phương nằm trong nhóm các huyện thị vùng duyên hải phía Đông còn nhiều khó khăn của tỉnh Tiền Giang.
- 28-10-2017Trồng thanh long ruột đỏ theo công nghệ Israel cho hiệu quả cao
- 25-09-2016Vì sao Tiền Giang chưa khuyến khích người dân trồng thanh long?
- 18-09-2016Trồng thanh long cho thu nhập cao
Tiềm năng kinh tế của cây thanh long được phát huy giúp nông dân làm giàu, nông nghiệp - nông thôn đổi mới theo hướng hiện đại, tăng thêm nguồn cung nông sản hàng hóa có giá trị tiêu dùng và xuất khẩu tham gia thị trường.
Hiệu quả từ cây thanh long
Theo ông Trần Văn Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo, cây thanh long thích hợp với thổ nhưỡng địa phương, dễ trồng, năng suất cao và đầu ra thuận lợi. Trung bình trong năm, nông dân sản xuất 3 vụ; trong đó, có 2 vụ nghịch và 1 vụ thuận đạt năng suất bình quân 30 tấn/ha. Giá bán bình quân 20.000 đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ, 10.000 đồng/kg đối với thanh long ruột trắng. Trừ chi phí, bà con lãi bình quân 400 triệu đồng/ha đối với thanh long ruột đỏ và 200 triệu đồng đối với thanh long ruột trắng, cao gấp nhiều lần so với trồng độc canh cây lúa 3 vụ/năm.
Thời điểm trái vụ, có lúc giá thanh long lên mức kỷ lục, đạt từ 50.000 - 60.000 đồng/kg thanh long ruột đỏ và 25.000 - 30.000 đồng/kg thanh long ruột trắng. Mỗi héc ta thanh long ruột đỏ có giá trị 1,5 tỷ đồng, nông dân lãi cả tỷ đồng. Với thanh long ruột trắng có giá trị 750 triệu đồng/ha trở lên, trừ chi phí, người dân còn lãi trên 500 triệu đồng. Người trồng thanh long vùng chuyên canh giàu lên rất nhanh.
Chăm sóc vườn thanh long.
Ông Lê Hữu Thệ, Bí thư Huyện ủy Chợ Gạo cho biết, để phát huy tiềm năng cây trồng chủ lực, ngay từ năm 2008, UBND tỉnh Tiền Giang đã cho phép địa phương triển khai Đề án phát triển cây thanh long Chợ Gạo đến năm 2015 và tầm nhìn 2020. Có 12/19 xã, thị trấn được xác định nẳm trong qui hoạch phát triển vùng trồng chuyên canh thanh long hướng đến xuất khẩu. Nhiều nội dung quan trọng được huyện triển khai quyết liệt trong giai đoạn 2008 - 2015 như: Chuyển giao khoa học kỹ thuật thâm canh, đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ vùng chuyên canh mà đặc biệt là lưới điện hạ thế, giao thông, thủy lợi; trợ giúp nông dân về vốn đầu tư phát triển sản xuất; mở rộng mạng lưới tiêu thụ giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa hướng tới xuất khẩu theo chủ trương liên kết “4 nhà”…
Trong khuôn khổ đề án, địa phương đã tổ chức hàng ngàn cuộc chuyển giao kỹ thuật thâm canh tiên tiến như trồng thanh long theo ngưỡng an toàn VietGAP hoặc GlobalGAP, xử lý thanh long cho trái rải vụ theo phương pháp xông đèn, ủ phân hữu cơ để bón cho cây trồng, quản lý dịch hại tổng hợp nâng hiệu quả phòng chống sâu bệnh… thu hút trên 24.000 lượt nông dân.
Địa phương còn đầu tư gần 5 tỷ đồng kéo gần 13 km đường dây điện trung thế và gần 24 km đường dây điện hạ thế, trên 28 tỷ đồng thi công 28 tuyến đường nông thôn... phục vụ việc tiêu thụ nông sản hàng hóa vùng chuyên canh. Cùng đó là mạng lưới đường huyện, đường tỉnh được hoàn thiện, tạo thuận lợi giao thông, phát triển kinh tế - văn hóa xã hội… Hàng năm, địa phương huy động khoảng 80.000 ngày công lao động kiện toàn mạng lưới thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương… đáp ứng nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất.
Khi tham gia đề án, người dân được hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư xây trụ bê tông trồng thanh long và được ngân hàng cho vay vốn với định mức 90 triệu đồng/ha để phục vụ sản xuất. Nông hộ cũng đầu tư trên 300 bình hạ thế công suất từ 50 đến 100 KVA phục vụ xử lý vườn thanh long cho trái rải vụ.
Nhờ đó, diện tích thanh long trồng mới đạt trên 2.600 ha và cải tạo gần 600 ha thanh long; nâng tổng diện tích thanh long toàn huyện lên 5.430 ha, trong đó có 1.200 ha thanh long ruột đỏ còn lại giống thanh long ruột trắng truyền thống - tăng gần 3 lần so với năm 2008. Toàn vùng hiện có 220 ha được cấp chứng nhận VietGAP hoặc GlobalGAP. Sản lượng hàng năm đạt khoảng 100.000 tấn quả, tăng hơn 3 lần so với năm 2008. Ước tính, tổng kinh phí nông dân đầu tư phát triển vùng chuyên canh thanh long hàng hóa tại huyện Chợ Gạo từ 2008 đến nay lên đến 381 tỷ đồng.
Hầu hết nông dân khi chuyển đổi từ trồng lúa hoặc cây trồng khác sang trồng chuyên canh thanh long đều "đổi đời". Điển hình như ông Võ Văn Chuột, một cán bộ hưu trí cư ngụ tại xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo. Gia đình ông có 0,8 ha (8.000 m2 đất), trước đây trồng lúa không hiệu quả. Ông chuyển sang lập vườn trồng dừa cũng không thành công. Được khuyến khích, ông cải tạo vườn dừa trồng chuyên canh thanh long. Hiện vườn thanh long của ông đã 8 - 9 năm tuổi, cho sản lượng mỗi năm từ 16 - 20 tấn quả. Sau khi bán, trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lãi ròng hơn 200 triệu đồng.
Chung niềm vui, ông Lê Đình Quang, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo cho hay, gia đình có 1,5 ha đất canh tác. Trước kia, ông cũng trồng lúa năng suất cao, rồi chuyển sang trồng nếp bè thâm canh mỗi năm 3 vụ nhưng làm quần quật chỉ đủ ăn. Những năm thất bát, đời sống rất khó khăn. Nhận thấy cây thanh long mang lại cho nông dân cơ hội mới, ông chuyển toàn bộ sang trồng chuyên canh giống cây này. Hiện nhà ông có vườn thanh long ruột trắng 9.000 m2 (0,9 ha) mỗi năm cho sản lượng khoảng 36 tấn quả, sau khi bán trừ chi phí còn lãi khoảng 200 triệu đồng. Cùng đó, 5.000 m2 (0,5 ha) thanh long ruột đỏ mới trồng dự kiến sang năm sẽ thu hoạch lứa đầu tiên. Vừa qua, ông còn vinh dự được nhận Bằng khen Thủ tướng Chính phủ về thành tích sản xuất – kinh doanh giỏi tiêu biểu.
Giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa
Một trong những thành công đáng ghi nhận là gắn việc xây dựng, mở rộng diện tích vùng chuyên canh với giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa bằng những biện pháp tích cực. Đó là tổ chức mạng lưới thu mua, tiêu thụ, tiến tới hình thành những tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp kết nối cùng nông dân để đưa trái thanh long đến với thị trường trong và ngoài nước.
Theo ông Lê Hữu Thệ, Bí thư Huyện ủy Chợ Gạo, địa phương đã hình thành 1 Hợp tác xã, 4 Tổ hợp tác có quy mô diện tích vùng chuyên canh trên 100 ha đang sản xuất theo tiêu chí VietGAP. Mạng lưới này, trung bình mỗi năm thu mua, tiêu thụ từ 6.000 - 10.000 tấn sản phẩm. Bên cạnh đó, có 3 doanh nghiệp và 44 cơ sở thu mua quy mô hộ gia đình với sản lượng tiêu thụ hàng tháng trên dưới 1.000 tấn. Nhờ mạng lưới đó, trái thanh long Chợ Gạo đã đến với thị trường các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ Cát Tường là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về sản xuất - tiêu thụ - xuất khẩu trái thanh long ở Tiền Giang cho biết, mỗi năm, đơn vị xuất khẩu trên 100.000 tấn trái cây sang các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia.
Để đáp ứng nguồn nguyên liệu ổn định chế biến xuất khẩu, doanh nghiệp vừa xây dựng vùng nguyên liệu cho riêng mình vừa tổ chức 3 điểm thu mua nông sản hàng hóa, chủ yếu là thanh long tại 3 địa bàn trọng điểm là: Tầm Vu (Châu Thành, Long An), Chợ Gạo (Tiền Giang) và tại Công ty (Quốc lộ 50, Tp Mỹ Tho). Hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty góp phần giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 500 lao động.
Ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang khẳng định, tỉnh xác định thanh long Chợ Gạo là một trong nhóm cây ăn quả chủ lực có lợi thế cạnh tranh của địa phương. Hiện thanh long không chỉ phát triển riêng trên địa bàn Chợ Gạo như trước đây mà đang được trồng nhiều tại các địa phương khác như Gò Công Tây, Tân Phước, Châu Thành… Riêng huyện Chợ Gạo đang phấn đấu đến năm 2020 mở rộng diện tích vùng chuyên canh lên từ 6.500 - 7.000 ha.
Báo tin tức