"Cây ôm Phật" nghìn năm tuổi kỳ bí ở Trung Quốc: Nhìn vào hốc nhỏ trên thân mới thấy hình ảnh khiến ai cũng phải cúi đầu
Điều đặc biệt và đầy bí ẩn nhất về cây long não cổ thụ này chính là trên thân có một cái hốc, bên trong chứa đựng tượng Phật cao 60cm.
- 05-06-2022Cây xoài 'thần kì' cho 300 giống quả khác nhau từ màu sắc đến hình dáng của cụ ông 80 tuổi ở Ấn Độ
- 04-06-2022Loại cây người Việt coi là rau gia vị, thế giới dùng làm thuốc "cứu" tiêu hoá, giảm đau
- 01-06-2022Cây cà chua lập kỷ lục "mắn đẻ" nhất thế giới, gánh còng lưng 1.269 trái lúc lỉu trên cái thân nhỏ bé
Thiên nhiên đã sáng tạo ra những kiệt tác tài tình. Những tảng đá với nhiều hình thù khác nhau, vô số địa hình và hiện tượng kỳ lạ... khiến con người phải há hốc mồm trước sự sáng tạo kỳ diệu của thiên nhiên!
Trung Quốc có một cây long não cổ thụ vô cùng kỳ bí ở Phúc Kiến. Một vị Phật ẩn mình trong hốc cây nghìn năm tuổi to bằng lòng bàn tay. Đến nay, chân tướng của "cây ôm Phật" này vẫn còn là một bí ẩn.
"Cây ôm Phật" nghìn năm tuổi
Cây long não ôm tượng Phật ở thôn Khảo Đình, thành phố Kiến Dương (Phúc Kiến, Trung Quốc). Nơi đây có rất nhiều cây long não cổ thụ. Ngay cả giữa mùa hè, bạn cũng không thể cảm nhận được sự oi bức gay gắt vì đã có những tán cây rộng lớn tỏa bóng mát rượi.
Ngay lối vào thôn Khảo Đình có một cây long não vô cùng hùng vĩ, cành lá vươn rộng tỏa bóng mát xanh mướt. Được biết, cây long não cổ thụ này cao 36 mét, đường kính thân 10,5 mét, tán rộng 900 mét vuông, có tuổi đời hơn 1.000 năm.
Điều đặc biệt và bí ẩn nhất về cây long não cổ thụ này chính là trên thân có một cái hốc, bên trong có tượng Phật cao 60cm. Những ai "yếu bóng yếu vía" vô tình nhìn vào hốc cây, sau đó phát hiện bên trong có mặt tượng Phật chắc chắn sẽ bị giật mình hoảng hốt.
Tuy nhiên, hiện tượng cây long não ôm tượng Phật đã thu hút rất nhiều Phật tử khắp mọi miền Trung Quốc đến bái lễ.
"Cây ôm Phật" ở Phúc Kiến là cảnh quan độc nhất vô nhị của Trung Quốc. So với đầu tượng Phật ẩn mình trong rễ cây cổ thụ ở Thái Lan thì cây long não nghìn năm đã ôm trọn tượng Phật trong thân to lớn.
Cảnh tượng kỳ bí này chắc chắn tạo ra rất nhiều nghi hoặc. Làm thế nào mà bức tượng Phật có thể nằm bên trong thân cây như vậy?
Câu chuyện phía sau về "cây ôm Phật"
Theo lời kể của người dân địa phương, có một câu chuyện bí ẩn không kém đằng sau cây long não cổ thụ này.
Bức tượng Phật được tạo hình ngay trong vết nứt trên thân cây long não bởi các đệ tử của Chu Hi (một nhà thư pháp, nhà sử học, nhà triết học, nhà chính trị và nhà văn Trung Quốc thời nhà Tống) để tưởng nhớ ông. Khi cây long não càng lớn, vết nứt trên thân càng bị thu hẹp và cuối cùng đã ôm trọn tượng Phật vào trong.
Tuy nhiên, một số người lại có quan điểm khác. Theo đó, họ cho rằng cây cổ thụ ôm tượng Phật chỉ là một sự sắp đặt nhằm mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch của địa phương. Sau đó, họ đã thêu dệt lên câu chuyện về Chu Hi để thêm phần kỳ bí và trang nghiêm vì dù gì vùng đất này cũng có liên quan đến vị thánh nhân thời nhà Tống này.
Do đó, cây cổ thụ nghìn năm ôm tượng Phật ở Phúc Kiến đến nay vẫn còn là một bí ẩn.
Ngoài ra, bên cạnh cây long não cổ thụ còn mọc thêm một cây long não nhỏ 300 tuổi. Vì vậy, người dân địa phương gọi hai cây long não này là "cây Mẫu Tử", đồng thời được xếp vào danh sách 46 cổ thụ lâu năm nhất Trung Quốc.
Cây cổ thụ kỳ bí đã thúc đẩy du lịch của cả thôn, và nhiều người đến đây chỉ để ngắm cây long não nghìn năm tuổi này.
Thật ra, du khách đến thôn Khảo Đình không phải chỉ với mục đích chứng kiến "cây ôm Phật", mà còn thăm viếng ngôi miếu thờ Thái Bảo Hầu Vương. Văn hóa đời sống của khu vực phía bắc Phúc Kiến chịu nhiều ảnh hưởng của Thái Bảo Hầu Vương, thậm chí còn mạnh mẽ hơn cả đền thờ Quan Vũ (vị tướng lĩnh nổi tiếng thời kỳ cuối nhà Đông Hán và thời Tam Quốc). Người dân đến miếu thờ mỗi ngày để dâng hương bái lễ.
Làng Khảo Đình tọa lạc bên chân núi Thanh Sơn, ba mặt còn lại được vây quanh bởi dòng sông xanh ngọc bích êm đềm. Phong cảnh nơi đây yên tĩnh và mộc mạc, ngập tràn hơi thở dân gian giản dị. Thôn Khảo Đình còn là nơi được giới học giả, văn nhân yêu thích từ xa xưa.
Nguồn: Sohu
Trí thức trẻ