Cây xanh bị "bức tử" ở Hà Nội: Làm rõ nguyên nhân rồi mới chặt hạ
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, những cây chết bất thường sẽ được Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh xử lý cắt hạ độ cao để đảm bảo an toàn. Sau đó đơn vị này sẽ phối hợp với chính quyền địa phương điều tra nguyên nhân rồi mới chặt hạ đánh gốc đi.
Ghi nhận của phóng viên, cây xanh chết trên nhiều tuyến phố từ lâu chưa được đánh chuyển, trồng thay thế cây mới.
Góc phố Lê Đại Hành- Đoàn Trần Nghiệp một cây xà cừ có đường kính lớn chết khô cả năm nhưng chưa được chặt hạ, nhổ gốc.
Cây chết khô vỏ trên phố Lê Quý Đôn
Vỉa hè vườn hoa trước cửa cơ quan phường Phạm Đình Hổ.
Cây lát trên đường Trần Khát Chân
Thân cây bị tác động hằn sâu, bà Nguyễn Thị Thảo ở đê Trần Khát Chân cho biết: "Cây chết này được trồng cùng với hàng loạt cây xanh khác ở hai bên tuyến phố, thời gian đầu cây phát triển tốt như tất cả các cây khác nhưng khoảng hơn năm nay cây héo lá rồi khô mòn".
Bên cạnh những cây khô chết chưa rõ nguyên nhân, nhiều cây xanh trên đường phố bị người dân xâm hại đóng đinh, treo biển quảng cáo...
Một gốc phượng ở phố Hàn Thuyên bị xây bịt kín.
Thân cây bị khoan bắn biển hiệu của các hàng quán ở phố Trần Khát Chân
Một cành cây bị bắn vít treo biển quán.
Theo Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội là đơn vị dịch vụ công ích được UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ trồng cây, quản lý và chăm sóc cây xanh. Như vậy, có thể thấy cây xanh là tài sản công.
Mọi hành vi cố ý hủy hoại cây xanh phải bị xử lý theo quy định của pháp luật. Căn cứ điểm a khoản 2, điểm a khoản 3, điểm c khoản 4 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác như hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức, trừ trường hợp vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 21 Nghị định này thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Tùy thuộc vào giá trị tài sản bị hư hỏng, tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự bởi các khung hình phạt khác nhau được quy định tại điều luật nêu trên. Trường hợp vô ý hủy hoại cây xanh như vô tình chế các hóa chất nguy hại mà không biết tác hại đối với cây xanh trong trường hợp giá trị tài sản đó là từ 100.000.000 đồng trở lên thì xử lý căn cứ Điều 180 Bộ luật Hình sự 2015, được bổ sung bởi điểm g khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản.
Liên quan hàng loạt cây xanh chết khô đã lâu nhưng chưa được trồng cây thay thế ở nhiều tuyến phố Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, những cây chết bất thường sẽ được Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh xử lý cắt hạ độ cao để đảm bảo an toàn. Sau đó đơn vị này sẽ phối hợp với chính quyền địa phương điều tra nguyên nhân rồi mới chặt hạ đánh gốc đi./.
VOV