MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cây xanh trong trường học bật gốc 7 người bị thương: Trách nhiệm thuộc về ai?

04-04-2023 - 09:26 AM | Xã hội

Sự việc cây me cổ thụ ở Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, TPHCM bất ngờ bật gốc đè trúng khiến nhiều người nhập viện cấp cứu, đặt ra câu hỏi về việc trách nhiệm của cơ quan quản lý cây xanh.

Tính đến chiều 3/4 các bệnh viện trên địa bàn TPHCM đã tiếp nhận 7 trường hợp trong vụ cây cổ thụ bật gốc đè nhiều người tại trường THCS Trần Văn Ơn. Trong số bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu có 3 trường hợp nặng và 4 trường hợp bị chấn thương phần mềm. Trong đó có một phụ nữ mang thai tuần thứ 8.

Cây xanh trong trường học bật gốc 7 người bị thương: Trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 1.

Hiện trường cây me cổ thụ bật gốc ở Trường THCS Trần Văn Ơn. Ảnh: Nguyễn Dũng

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Bệnh viện Nhân Dân Gia Định cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận 2 bệnh nhân là anh L.D.H (32 tuổi) và vợ là chị H.T.T (32 tuổi, cùng ngụ tại Quận 1). Người chồng chỉ bị chấn thương phần mềm đã xuất viện nhưng người vợ bị thương nặng.

Chị H.T.T đang mang thai tuần thứ 8, nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, đa chấn thương. Kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT) ghi nhận người bệnh bị rách thận trái độ 2, vỡ gan độ 3, gãy cánh xương cùng bên phải và 1/3 trên thân xương đùi trái.

Bệnh viện Nhân Dân Gia Định đã huy động các bác sĩ liên chuyên khoa thực hiện cuộc phẫu thuật cấp cứu xử lý các thương tích với mục tiêu đảm bảo tính mạng cho người bệnh và thai nhi. Bước đầu, cuộc mổ đã diễn ra thuận lợi, các bác sĩ đang tiếp tục theo dõi, điều trị cho người bệnh.

Tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, BS Võ Hòa Khánh, Trưởng phòng Quản lý Chất lượng cho biết, 2 bệnh nhân trong vụ cây cổ thụ bật gốc gồm chị N.T.A.V (20 tuổi) và bà N.T.L (57 tuổi) được tiếp nhận. Trong đó, cô gái trẻ chỉ bị chấn thương phần mềm đã được xuất viện còn bà L. đang được tiếp tục theo dõi, điều trị với chẩn đoán nứt 9 xương sườn (6 xương sườn bên trái và 3 xương sườn bên phải).

Được biết, trước khi gặp nạn, bệnh nhân N.T.L đang chở con đến trường học. Khi cây cổ thụ bật gốc, cả hai mẹ con đã không kịp chạy. Con trai của bệnh nhân là Đ.N (13 tuổi, học sinh lớp 7, trường THCS Trần Văn Ơn) hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Trao đổi với phóng viên, BS Đặng Xuân Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, bệnh nhi bị gãy 1/3 giữa xương đùi trái, đang được tiếp tục tầm soát các chấn thương ở vùng cột sống, ngực, bụng và xương chậu để có hướng điều trị phù hợp nhất.

Ngoài ra, có 2 nạn nhân khác được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Quận 1 là N.T.A.V (20 tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức) và N.V.T. (21 tuổi, ngụ quận Bình Tân). Qua thăm khám bác sĩ xác định 2 nạn nhân trên không gặp phải chấn thương nặng mà chỉ bị bị xây xát nhẹ nên đã được xuất viện.

TPHCM yêu cầu xác định trách nhiệm

Liên quan đến vụ việc, trao đổi với PV, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TPHCM) cho biết, hiện nay Trung tâm đang chịu trách nhiệm quản lý cây xanh trên đường phố và khu vực công viên. Còn cây xanh nằm trong khuôn viên đơn vị, tổ chức nào thì đơn vị, tổ chức đó quản lý. “Ở đây, cây xanh nằm trong khuôn viên trường học thì trách nhiệm duy tu, quản lý thuộc về nhà trường”- ông Điệp nói.

Ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật - Cty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM cũng cho biết, cây xanh nằm trong khuôn viên trường học thì sẽ do nhà trường quản lý. Hiện Cty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM không quản lý cây xanh trong trường học.

“Theo quy định của Bộ Xây dựng cũng như kế hoạch của Sở Xây dựng TPHCM và Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TPHCM, 1 năm chúng tôi sẽ thực hiện công tác duy tu với cây xanh đường phố và công viên 2 lần (6 tháng/lần) và cố gắng thực hiện kiểm tra, duy tu, cắt tỉa lần đầu tiên trước khi mùa mưa bão đến. Trường hợp phát hiện cây xanh bị sâu bệnh, mục ruỗng, có nguy cơ ngã đổ, sẽ báo cáo Trung tâm để có phương án xử lý kịp thời”- ông Sơn thông tin.

Ông Huỳnh Thanh Phú- Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1 cho biết, hàng năm Sở GD&ĐT đều có công văn nhắc nhở các trường đảm bảo an toàn trường học, trong đó có nội dung chăm sóc, cắt tỉa cây xanh nên nếu xảy ra sự cố thì trường học phải là đơn vị đầu tiên chịu trách nhiệm.

“Tuy nhiên, là đơn vị trường học nên không có chuyên môn, trường phải hợp đồng với Cty cây xanh để rà soát, kiểm tra và tư vấn việc cắt tỉa cảnh, chăm bón phân… Đặc biệt, qua các lần kiểm tra, phía Cty cây xanh sẽ đưa ra dự báo nếu có nguy hiểm, từ đó đưa ra phương án di dời, thay mới…”, ông Phú nói và cho biết, lúc này khi có sự cố xảy ra, trách nhiệm còn có cả bên Cty cây xanh.

Tương tự, ông Nguyễn Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, quận 1 cho hay, hàng năm trường đều có hợp đồng với Cty cây xanh để chăm bón, cắt tỉa cành cây trong trường học. Dù xác định chăm sóc cây xanh là ưu tiên hàng đầu trong đảm bảo an toàn trường học nhưng việc duy trì lại gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí.

“Thông thường, trường sẽ mời Cty cây xanh đến trường kiểm tra, rà soát rồi báo giá chăm sóc. Sau khi có báo giá, nhà trường sẽ họp để cân đối ngân sách, thậm chí là xã hội hóa bằng việc kêu gọi đóng góp từ phụ huynh”, ông Khoa nói.

Chiều 3/4, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã ký công văn gửi Sở GD&ĐT TPHCM, Công an thành phố và UBND quận 1 yêu cầu báo cáo, xử lý liên quan vụ việc.


Theo NGUYỄN DŨNG - VÂN SƠN- HỮU HUY

tienphong.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên