MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO ACB Từ Tiến Phát: Người học thức cao, nhân viên ngân hàng vẫn bị thao túng tâm lý, bị lừa đảo, do đó phải giải quyết vấn đề thấu đáo cuối cùng là công nghệ

28-05-2024 - 21:05 PM | Tài chính - ngân hàng

Lãnh đạo NHNN cho biết, quy định chuyển tiền trên 10 triệu đồng trở lên phải xác thực sinh trắc học cân bằng giữa ngăn chặn gian lận lừa đảo và vẫn đảm bảo trải nghiệm khách hàng xuyên suốt. Đại diện ACB thì cho biết, để thực hiện các nội dung của nghị định 2345, ngân hàng phải đầu tư không nhỏ, trong khi không thu phí khách hàng. Tuy nhiên, việc đầu tư này đáng "đồng tiền bát gạo".

photo-1716905006881

CEO ACB Từ Tiến Phát

 

Theo Quyết định 2345 của NHNN, từ 1/7/2024, yêu cầu các giao dịch chuyển tiền trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử có giá trị cao trên 10 triệu đồng/lần, hoặc vượt quá 20 triệu đồng/ngày, thanh toán hóa đơn trên 100 triệu đồng phải được xác thực bằng sinh trắc học khớp đúng với dữ liệu sinh trắc học lưu trong chip của thẻ CCCD. 

Tại họp báo "Ngày không tiền mặt" 2024 với chủ đề "Thúc đẩy phát triển thanh toán không tiền mặt an toàn" đang diễn ra vào chiều nay 28-5, do báo Tuổi Trẻ phối hợp Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước tổ chức, lãnh đạo NHNN đã giải thích rõ hơn về lý do lấy con số 10 triệu đồng làm mốc yêu cầu xác thực sinh trắc học. 

Ông Lê Anh Dũng - phó vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, NHNN đã nghiên cứu rất kỹ để khi ban hành quyết định có thể cân bằng giữa xác thực giao dịch ngăn chặn gian lận lừa đảo nhưng vẫn đảm bảo trải nghiệm khách hàng xuyên suốt. Mốc 10 triệu là con số phù hợp, vì 70% giao dịch chuyển tiền hiện nay là dưới 10 triệu đồng.

"Tôi tin rằng những khách hàng chân chính, họ có điều kiện tiếp cận ngân hàng, hoặc thông qua eKYC đều sẵn sàng cập nhật thông tin sinh trắc học vì điều này bảo vệ quyền lợi cho người dùng", ông Dũng nói. 

Cũng tại họp báo, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB cho rằng, mặc dù việc truyền thông được đẩy mạnh thời gian qua nhưng hoạt động lừa đảo vẫn diễn ra, thậm chí tần suất cao hơn. "Nhận thức là một vấn đề, nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề thấu đáo cuối cùng là công nghệ thì rất khó. Nhiều người lừa đảo nói rằng họ thị thao túng tâm lý, rất nhiều có học thức rất cao, thậm chí là nhân viên ngân hàng. Khi bị thao túng tâm lý, họ không cưỡng lại được hành vi đó", ông nói.

CEO ACB cho biết, để thực hiện các nội dung của nghị định 2345, các ngân hàng phải đầu tư không nhỏ, trong khi không thu phí khách hàng. Tuy nhiên, việc đầu tư này đáng "đồng tiền bát gạo" bởi nó mang lại sự an toàn cho khách hàng. Và khi khách hàng được bảo vệ, họ sẽ tìm đến sử dụng các dịch vụ của ngân hàng, sử dụng giao dịch không tiền mặt nhiều hơn.

ACB đang trong giai đoạn cuối cùng áp dụng 2345, dự kiến trong tháng 6 tới sẽ thông báo cho khách hàng đăng ký xác thực thông tin. "Nhiều người lo lắng khi thực hiện nghị định này phải xác thực gương mặt sẽ ảnh hưởng trải nghiệm khách hàng, nhưng chúng tôi đảm bảo thực hiện rất mượt. Khách hàng chỉ mất lần đầu xác thực, Tap NFC của căn cước công dân với điện thoại là có thể bắt đầu đăng ký", ông Phát khẳng định.

Lan Anh

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên