CEO AirAsia: Một thông điệp mạnh mẽ là cái ngành du lịch Việt Nam cần nhưng không nên tự làm khó mình khi so sánh với Thái Lan
"Ngành công nghiệp du lịch Thái Lan không phải là câu chuyện của 1 năm trước mà họ đã bắt đầu làm trong 50 năm", CEO AirAsia Tony Fernandes thẳng thắn. Theo ông, không thể so sánh Việt Nam với Thái Lan.
- 07-12-2018Việt Nam tính thu 45 tỷ USD từ du lịch trong 7 năm tới
- 06-12-2018Quảng bá du lịch Việt: Chỉ có ít triệu đô, dùng thế nào cho hiệu quả?
- 06-12-2018Quảng bá du lịch Việt Nam thua cả… Lào, Campuchia
"Tôi đánh giá cao ngành du lịch của ASEAN", Tony Fernandes, CEO AirAsia nói với một số phóng viên khi được hỏi về ngành công nghiệp không khói này. Ông cho biết Thái Lan đã đầu tư rất mạnh vào du lịch trong một thời gian dài với số tiền khổng lồ.
"Thái Lan làm quá tốt, quá hăng hái và mạnh mẽ", ông nhấn mạnh.
Đối với Việt Nam, ông Tony dành nhiều lời khen, trong đó, thế mạnh nổi trội là sự mới lạ, đẹp đẽ của đất nước hình chữ S. Đất nước trải dài với rừng, biển, và lịch sử văn hoá lâu đời ở mỗi vùng miền được vị CEO này nhìn nhận là điều thực sự hấp dẫn du khách. Việt Nam cũng đã dành được nhiều thành công đối với du lịch, theo ông Tony.
Dù vậy, ngành du lịch của Việt Nam vẫn còn non trẻ mà như CEO AirAsia nói là "không nên tự làm khó mình" khi so sánh với Thái Lan.
"Ngành công nghiệp du lịch Thái Lan không phải là câu chuyện của 1 năm trước mà họ đã bắt đầu làm trong 50 năm. Việt Nam là một đứa trẻ trong ngành này. 10 năm trước không ai ở Anh biết đến Việt Nam nên không thể so sánh Việt Nam với Thái Lan được", ông Tony thẳng thắn nói. Tuy nhiên, ông cho rằng cơ hội để đất nước hình chữ S vươn lên là có.
Nhắc lại câu chuyện của AirAsia bắt đầu khởi nghiệp với 2 máy bay cùng khoản nợ lên đến 40 triệu RM (đồng USD Malaysia), chỉ sau thời gian ngắn đã tạo ra bình minh mới cho thị trường hàng không châu Á hay sự thành công của Vietjet do bà Phương Thảo làm CEO, ông Tony nhấn mạnh không gì là không thể.
Để làm được những điều này, CEO AirAsia cho rằng cần có chiến lược phù hợp và làm việc thật chăm chỉ. Trong đó, ông lưy ý đến câu chuyện xây dựng thương hiệu. Bởi nhắc đến Malaysia, ngay lập tức khẩu hiệu "Malaysia – truly Asia" hay với Thái Lan là "Amazing Thailand". Câu hỏi đặt ra là Việt Nam sẽ là gì, sẽ giúp cho du khách được trải nghiệm những gì.
Một thông điệp mạnh mẽ cần có và được truyền đi, theo CEO Tony Fernandes, đó là cách để Việt Nam có thể được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn.
Tony Fernandes không phải là người duy nhất đề cập đến xây dựng thương hiệu du lịch cho Việt Nam, ông John Lindquist, thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh cũng lưu tâm về vấn đề này.
Ông cho rằng khi xây dựng thương hiệu, cần định hướng giá trị rõ ràng với từng nhóm khách. Điều này đã được Dubai, Malaysia, Thái Lan làm rất tốt.
Tuy nhiên, ông John chỉ ra thực tế là khâu quảng bá của Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế. Theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam chỉ đứng thứ 80 trong danh sách 136 quốc gia về hiệu quả quảng bá cho du lịch. Chỉ số này thấp hơn nhiều các quốc gia khác trong khu vực, đứng sau cả Lào (vị thứ 53) và Campuchia (thứ 73).
Khoản chi tiêu cho hoạt động quảng bá du lịch ở Việt Nam là rất ít ỏi, vẻn vẹn 2 triệu USD, trong khi đó Australia, Anh, hay các nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia... chi tiêu đến hàng chục hoặc hàng trăm triệu USD cho hình ảnh.