CEO AWING: Đừng nhìn khủng hoảng Uber hay bê bối WeWork để đánh giá mô hình kinh tế chia sẻ là ‘cú lừa lớn’ của giới công nghệ
Theo nhận định của CEO AWING, bản chất của nền kinh tế chia sẻ là khiến cho tất cả mọi người đều thỏa mãn, hưởng lợi từ việc tận dụng những tài nguyên bỏ phí. Khi mô hình này bị biến tướng không còn theo ý nghĩa này thì sự đổ vỡ là tất yếu.
Vài năm qua, CEO SoftBank Masayoshi Son gây xôn xao ngành công nghệ toàn cầu và Silicon Valley khi dùng quỹ Vision Fund để đổ tiền vào các startup đình đám như Uber, Slack và WeWork với tham vọng thay đổi cách người dân thành thị các nước ăn uống, đi lại và làm việc. Từ bê bối WeWork và khủng hoảng Uber, vị tỷ phú và quỹ Vision Fund gặp khó khăn lớn khi đã rót 19 tỷ USD đầu tư vào Uber và WeWork.
Tại Việt Nam, WeFit, một startup vận dụng mô hình kinh tế chia sẻ vào ngành chăm sóc sức khỏe và thể hình. Thế nhưng hiện tại startup này đang gặp khủng hoảng với cả 2 đối tượng này khi bị đối tác tham gia kinh doanh tố nợ đọng và bị khách hàng phản đối vì thay đổi chính sách sản phẩm.
Khủng hoảng tại Việt Nam cũng như trên thế giới khiến nhiều người đặt nghi vấn liệu mô hình kinh tế chia sẻ có phải là những “cú lừa lớn” của giới công nghệ?
Giải mã bản chất nền kinh tế chia sẻ
“Về bản chất mô hình như WeWork hay một số startup khác ở Việt Nam không phải thực sự là kinh tế chia sẻ. Thoạt nhìn bề ngoài có vẻ là vậy, nhưng mô hình kể trên sẽ gặp vấn đề về tài chính. Tức là họ luôn phải trả các khoản chi phí vận hành tuyến tính với quy mô dịch vụ, quy mô càng lớn thì chi phí phải trả hàng tháng càng lớn cho các đối tác và có khả năng vượt quá cả doanh thu. Cố ghép thành nền kinh tế chia sẻ nhưng thực tế không thể được, nó không xuất phát một cách tự nhiên”, anh Nguyễn Tiến Dũng, CEO của AWING cho biết. AWING là startup dẫn đầu về công nghệ nền tảng quảng cáo theo địa điểm dựa trên chia sẻ hệ thống Wi-Fi miễn phí tại Việt Nam.
Theo quan điểm của anh Dũng, nguyên tắc của kinh tế chia sẻ là phải có sự kết hợp giữa công nghệ và nguyên liệu thô mới thành một sản phẩm. Với trường hợp đã kể trên, sản phẩm, thị trường và khách hàng cũng có sẵn, vai trò của startup này chỉ là giúp cải biến sản phẩm một chút và thực hiện kinh doanh chuyên sâu.
Tỷ phú Masayoshi Son đổ hàng tỷ USD vào các startup đình đám như Uber, Slack và WeWork.
“Nền kinh tế chia sẻ theo tôi là một thuật ngữ hay nhưng chúng ta cần nói về bản chất của nền kinh tế chia sẻ: Khiến cho tất cả mọi người đều thỏa mãn, hưởng lợi. Mô hình này bắt nguồn từ việc tận dụng những tài nguyên bỏ phí. Ví dụ AWING nhận thấy ở Việt Nam là nước độc nhất vô nhị trên thế giới có Wi-Fi được trang bị khắp mọi nơi. Đây là một nguồn tài nguyên đang bị lãng phí và AWING quyết định kết hợp với nền tảng công nghệ của mình để tạo ra một sản phẩm kinh doanh độc đáo. Mô hình của chúng tôi là kinh doanh để tạo ra tiền cho đối tác có sẵn hệ thống hạ tầng Wi-Fi”, anh Dũng phân tích thêm về kinh tế chia sẻ.
“Tuy nhiên thuật ngữ chia sẻ phải hiểu rộng hơn, là giữa con người chúng ta có thể chia sẻ lợi ích với nhau một cách bền vững. Ví dụ, chỉ cần có một cơ hội kinh doanh tốt mà tạo lợi ích cho khách hàng, nhà cung cấp, từ đó đem lại lợi ích cho chính mình và nhà đầu tư. Quan điểm AWING là khi làm việc đều xác định rõ giá trị các bên nhận được và họ thấy giá trị đấy là xứng đáng. Khi giá trị xứng đáng thì mối quan hệ hợp tác cũng như mô hình kinh doanh sẽ lâu dài, bởi vì tất cả các bên đều hưởng lợi: Khách hàng – đối tác – AWING và nhà đầu tư (win-win-win)”.
Vốn là người đang vận hành doanh nghiệp khá phát triển dựa trên kinh tế chia sẻ, anh Dũng cho rằng mô hình này đang bị hiểu sai lệch do nhiều startup đang biến tướng và không đi đúng với ý tưởng ban đầu. Ví dụ ý tưởng chia sẻ xe khi rảnh của Grab rất đúng nhưng về sau này đi lệch khỏi mô hình kinh tế chia sẻ khi nhiều người đầu tư mua ô tô để chạy Grab và khi không đạt được lợi ích như mong đợi họ (đối tác) sẽ cho rằng mô hình này không mang lại lợi ích.
Sự lựa chọn chân chính
Quay lại với câu chuyện của WeWork, trong hai năm, Vision Fund và SoftBank lần lượt bơm gần 11 tỷ USD vào startup và thổi giá trị vốn hóa của công ty này lên tới 47 tỷ USD. Nhưng bản cáo bạch IPO được công bố hồi tháng 8/2019 cho thấy WeWork lỗ chồng lỗ suốt 3 năm qua. Trong vòng 4 tuần, giá trị vốn hóa của WeWork bốc hơi 37 tỷ USD, chỉ còn lại vỏn vẹn 10 tỷ USD. CEO WeWork phải từ chức, kế hoạch IPO bị hoãn vô thời hạn.
CEO AWING cho rằng đây là hiện tượng bình thường và cách làm của tỷ phú Masayoshi Son là điển hình của giới đầu cơ tài chính. Theo đó họ luôn có cách để làm đẹp số liệu và tìm cách bán cho nhà đầu tư khác hoặc bán ra thị trường chứng khoán thông qua IPO. Những công ty này có những con số rất đẹp về mô hình kinh doanh, số lượng người dùng, doanh số nhưng lợi nhuận ở thì… tương lai. Những nhà đầu cơ tài chính thường không quan tâm nhiều đến sản phẩm lõi hay vấn đề của doanh nghiệp, nhưng những nhà đầu tư giá trị thì có.
“Nhiều người từng đặt câu hỏi cho chúng tôi rằng xây dựng công ty với mục đích gì? Tìm kiếm nhà đầu tư để được rót tiền? Sau đó để bán hay để làm gì?
Theo quan điểm của tôi thì các founder luôn có sự lựa chọn chân chính, không nên đổ lỗi cho môi trường, thời thế hay xu thế đầu tư. Lựa chọn hướng đi chân chính và kiên trì thực hiện mục đích của mình là phẩm chất cơ bản của những nhà lãnh đạo”, anh Dũng chia sẻ.
“Doanh nghiệp này được xây dựng không phải để bán. Vì thế chúng tôi mới chăm chút xây dựng công ty có văn hóa chân chính, có lối hành xử đẹp, vận hành hiệu quả và vì lợi ích tất cả mọi người”, CEO này cho biết.
Những nhà sáng lập doanh nghiệp này đều có tầm nhìn chung muốn giải quyết vấn đề mất cân bằng giữa quảng cáo online và offline. Hiện startup như AWING đang tìm cách đưa quảng cáo digital offline vươn lên, cũng sử dụng công nghệ, AI để giúp offline và online gần gũi với nhau hơn.
Khi startup cần tiền
Thế nhưng làm startup không hề dễ dàng nếu không có nhiều tiền vận hành và buộc phải trông cậy vào nhà đầu tư. Câu chuyện làm chân chính dường như là lý tưởng khá xa vời với những founder đang chật vật với bài toán sinh tồn.
“Chúng ta luôn có sự lựa chọn chân chính. Đâu phải lúc nào có tiền thì mới phát triển được? Ví dụ trong startup bộ phân công nghệ đi nhanh được nhưng bộ phận bán hàng hay tích hợp hệ thống thì chưa chắc đã đi nhanh nổi, vì còn cần phải được sự chấp nhận của thị trường. Nếu không thể đồng bộ, dù động cơ rất khỏe nhưng bánh, xích chưa sẵn sàng thì cũng không thể đi nhanh được. Hãy kiên nhẫn. Lúc khó khăn mới nảy sinh ra sáng kiến”, CEO AWING đưa ra lời khuyên.
Theo anh startup không cần quá nhiều tiền thậm chí ít tiền cũng không sao. Bản chất lúc khởi đầu của khởi nghiệp không có nhiều lựa chọn, không có niềm tin, không có thị trường thì founder nên lựa chọn cái cái gì tốt nhất cho mình lúc đấy và đừng mong chờ cái gì quá hiện thực đang có.
Sai lầm của các startup khi lựa chọn hướng đi không chân chính thường rơi vào tâm lý ở trên đường đua. Đây là tâm lý thường gặp của con người luôn trong trại thái đấu tranh giành giật với tâm hiển thị, tâm tranh đấu hay tâm chấp trước. Muốn lựa chọn hướng đi chân chính cần hiểu rõ để loại bỏ những điều này.
AWING là doanh nghiệp công nghệ chuyên về nền tảng quảng cáo dựa trên chia sẻ hệ thống Wi-Fi miễn phí tại Việt Nam. Hiện startup này là đối tác của những chuỗi lớn như Highlands Coffee, Trung Nguyên, CGV, Golden Gates Group (GGG), Redsun, các sân bay lớn, Vincom, Circle K…
Trí thức trẻ