MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO Chatwork: “Việt Nam là thị trường trọng tâm tại châu Á”

04-10-2019 - 15:30 PM | Doanh nghiệp

Sau khi IPO trên sàn chứng khoán Tokyo, công cụ chat phổ biến bậc nhất tại thị trường Nhật Bản sẽ có nhiều kế hoạch dành cho thị trường Việt Nam.

Bằng cách mang lại cho nhiều doanh nghiệp Nhật một phương cách quản trị trò chuyện công việc bảo mật và năng suất rất cao, Chatwork đã trở nên phổ biến ở Nhật với hơn 70% thị phần và chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo Stock Exchange ngày 24 tháng 9 năm 2019 với giá trị khoảng 51 tỷ yên (472 triệu USD). Ông Yutaka Horie, phụ trách phòng Chiến lược Toàn cầu của Chatwork, cho biết, thị trường Việt Nam và Đông Nam Á là bước chinh phục kế tiếp.

Công cụ này được phát triển vào năm 2011 và nhanh chóng chiếm hơn 70% thị phần công cụ nhắn tin trong doanh nghiệp ở Nhật với sứ mệnh "Làm cho quá trình làm việc trở nên thú vị và sáng tạo hơn". Các doanh nghiệp có thể kết nối trong nội bộ, giữa các phòng ban, cấp bậc quản lý để xử lý các công việc điều hành liên quan cũng như để tương tác, làm việc với đối tác, khách hàng bên ngoài. Qua đây, gia tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí...

Ưu điểm nổi bật của Chatwork là có tính bảo mật cao, chỉ dành riêng cho hoạt động của doanh nghiệp và có nhiều tính năng như có thể giao tiếp trong nhóm xuyên biên giới, gửi tin nhắn bất kỳ lúc nào dù có kết nối mạng hay không; chia sẻ tập tin ở mọi định dạng… Các tính năng của Chatwork đáp ứng 3 xu hướng làm việc hiện đại bao gồm làm việc từ xa, trao đổi và lưu trữ mọi thứ trên di động; yêu cầu bảo mật dữ liệu ngày càng cao.

CEO Chatwork: “Việt Nam là thị trường trọng tâm tại châu Á” - Ảnh 1.

Ông Masaki Yamamoto - CEO/CTO công ty Chatwork đánh chuông IPO sáng 24/9 ở sàn giao dịch chứng khoán Tokyo

Đến nay, Chatwork không chỉ cung cấp một công cụ chuyên dùng để trao đổi thông tin và quản lý công việc dựa trên công nghệ điện toán đám mây, mà còn thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng một phương cách liên lạc nhanh - gọn và ngay tức thời; quản lý truyền thông nội bộ và trao đổi công việc hợp tác... Chẳng hạn, Chatwork Live đã ra đời như là một chức năng giúp doanh nghiệp có thể tiến hành cuộc họp truyền hình trực tiếp với các thành viên trong Công ty.

Công cụ này có thể thực hiện gọi video với tối đa 14 thành viên trong nhóm và gọi thoại với tối đa 100 thành viên trong nhóm. Luật sư Fujii Sou, Giám đốc Công ty Luật First & Tandem Spint của Nhật, người đã ứng dụng Chatwork cho công việc tư vấn pháp luật chia sẻ, ứng dụng này đã giúp ông có thể tương tác với khách hàng mọi lúc, mọi nơi một cách thuận tiện. Ông có thể làm việc ở bất cứ đâu nên đã thỏa mãn được đam mê du lịch khắp thế giới. Như năm 2017, ông này có đến 111 ngày ở nước ngoài nhưng vẫn tư vấn cho 70 khách hàng, đạt doanh thu trên 92 triệu yên.

CEO Masaki Yamamoto cho biết, sau 7 năm, Chatwork đang phục vụ 2,75 triệu người dùng, hơn 225.000 doanh nghiệp trên toàn cầu. Nguồn thu đến từ việc áp dụng mô hình thu phí (bắt đầu từ 4 USD mỗi tháng/tài khoản). Tốc độ tăng trưởng doanh thu hơn 155% trong năm 2018 so với năm trước. Ước tính nửa đầu năm 2019, doanh thu đạt 853 triệu yên (khoảng 8 triệu USD).

CEO Chatwork: “Việt Nam là thị trường trọng tâm tại châu Á” - Ảnh 2.

Ông Masaki Yamamoto - CEO/CTO (bên trái) và Ông Naoki Inoue - CFO (bên phải) tại buổi họp báo.

Trước khi IPO, công ty này huy động được 2,5 triệu USD ở vòng Series A từ GMO Venture vào năm 2015, tiếp đó là 12,5 triệu USD ở vòng Series B từ JAFCO Japan, SMBC Venture và các nhà đầu tư khác. 

Là một nền kinh tế năng động bậc nhất hiện nay tại khu vực, Việt Nam được lãnh đạo của Chatwork đánh giá là một thị trường trọng tâm tại Đông Nam Á. Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước thách thức phải cải tổ và tối ưu năng suất làm việc, đây cũng là một nhiệm vụ trọng tâm mà Chatwork quyết định đồng hành và kiên trì cùng các doanh nghiệp nội địa. "Chúng tôi tin rằng Chatwork có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam về mặt công cụ và giải pháp cụ thể để đạt được năng suất cao theo các mô hình quản lý tiên tiến của Nhật Bản", ông Yutaka Horie cho biết.

Trước mắt, Công ty sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp ở ba mảng khách hàng chính: nhóm dịch vụ chuyên môn như kế toán, kiểm toán, pháp lý; nhóm sản xuất, chế biến hàng hoá, chuỗi cung ứng; và nhóm các doanh nghiệp thuộc top bán lẻ, phân phối.

Đồng thời, Chatwork còn triển khai sáng kiến Chương trình Trò chuyện Kinh doanh (Business Chatting Program-BCP) như một cầu nối giữa các doanh nghiệp đang sử dụng công cụ này ở nhiều quốc gia. Ở vai trò điều phối, BCP đã và đang giúp hơn 380 doanh nghiệp chủ động tìm kiếm đối tác kinh doanh - nhà cung cấp trong quá trình mở rộng thị trường giữa Việt Nam, Nhật Bản, Đài Loan và sắp tới là các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên