MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO của Tencent đã trở thành người giàu nhất Trung Quốc như thế nào?

11-05-2018 - 14:36 PM | Tài chính quốc tế

Mô hình "siêu ứng dụng" của WeChat thậm chí còn tiến xa hơn cả Facebook khi gần 1 tỷ người dùng hàng tháng của họ được phép nhắn tin, gọi điện, chơi game, gửi tiền, mua sắm, thanh toán tại nhà hàng, đi taxi và thậm chí tham gia vào hẹn hò trực tuyến .

Theo danh sách tỷ phú của Forbes, Ma Huateng hiện là người giàu nhất Trung Quốc. Hôm thứ Năm vừa qua, người đàn ông có biệt danh "Pony Ma" này cũng đã giành được một vị trí trong danh sách 10 CEO quyền lực nhất thế giới năm 2018 của Forbes.

Là CEO và chủ tịch của Tencent, một trong những công ty internet lớn nhất thế giới, Ma là một trong 15 người giàu nhất thế giới. Điều đó hoàn toàn có lý, nếu xét đến khía cạnh khoảng 1/7 dân số thế giới đang sử dụng WeChat - ứng dụng mạng xã hội của Tencent và là đối thủ cạnh tranh của Facebook.

Giá trị tài sản ròng của Ma được cho là đã vọt lên 47 tỷ USD trong tháng Ba, tăng mạnh so với con số 25 tỷ USD vào thời điểm này năm ngoái. Mặc dù giá trị tài sản ròng của ông đã giảm một chút so với các mức cao kỷ lục đó, nhưng ông vẫn là người giàu nhất Trung Quốc với tài sản cá nhân khoảng 45 tỷ USD tính đến thứ Năm vừa qua, Forbes cho biết.

Doanh nhân này lớn lên ở miền nam Trung Quốc, nơi cha ông là giám đốc của một cảng biển quốc doanh lớn. Sau khi tốt nghiệp Đại học Thâm Quyến với tấm bằng khoa học máy tính vào năm 1993, ông đã tìm được một công việc phát triển phần mềm cho máy nhắn tin.

Vào thời điểm đó, cứ 100 người Trung Quốc thì mới có một người sở hữu máy tính. Tuy nhiên, Ma đã ở lại Thâm Quyến, kiếm được 176 USD mỗi tháng từ công việc đầu tiên của mình. Kết quả là, ông đã có một vị trí hàng đầu trong đợt bùng nổ công nghệ cao của Trung Quốc vào giữa những năm 1990.

Năm năm sau khi tốt nghiệp, Ma 27 tuổi đã cùng với 4 người bạn học cũ của mình lập nên Tencent. Họ tạo ra một dịch vụ giống như AOL Instant Messenger, và đặt tên là QQ. Dịch vụ này đã kết nối những người dùng đầu tiên của máy tính để bàn với điện thoại di động và nhanh chóng trở thành nền tảng nhắn tin tức thời lớn nhất của Trung Quốc.

Tencent bắt đầu kiếm tiền thông qua quảng cáo và phí hàng tháng cho người dùng QQ thuộc nhóm "thượng hạng". Đến năm 2001, công ty này đã huy động được hơn 32 triệu USD đầu tư và, vào năm 2004, họ phát hành cổ phiếu ra công chúng ở sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong. Sau đó, vào năm 2011, Tencent ra mắt ứng dụng nhắn tin WeChat chỉ dành cho điện thoại di động của mình như một "thực thể" riêng biệt từ QQ. Kể từ đó WeChat được mệnh danh là " ứng dụng để cai trị tất cả".

WeChat thường được so sánh với Facebook vì sự phổ biến của nó ở Trung Quốc, nơi mà Facebook cùng với dịch vụ nhắn tin WhatsApp của mình bị cấm. Tuy nhiên, mô hình "siêu ứng dụng" của WeChat thậm chí còn tiến xa hơn cả Facebook khi gần 1 tỷ người dùng hàng tháng của họ được phép nhắn tin, gọi điện, chơi game, gửi tiền, mua sắm, thanh toán tại nhà hàng, đi taxi và thậm chí tham gia vào hẹn hò trực tuyến .

Tencent cũng đã đa dạng hóa việc kinh doanh của mình khá thành công ở các đấu trường khác, chẳng hạn như cung cấp điện toán đám mây, đầu tư mạo hiểm bằng trí thông minh nhân tạo và giải trí. Epic Games, một công ty con của Tencent Games, là nơi sản xuất trò chơi "Fortnite" đang rất thịnh hành. Theo Variety, Tencent hiện đang chi 15 triệu USD để đưa nó sang Trung Quốc. Ngay cả khi không có thị trường béo bở đó, "Fortnite" cũng đã trở thành hiện tượng: Theo báo cáo, trò chơi này đã kiếm được 126 triệu USD trong tháng 2 chỉ thông qua các lần mua hàng trong ứng dụng (in-app purchases).

Tencent cũng đã đầu tư vào một loạt công ty phương Tây: Họ có 5% cổ phần của Tesla và 10% cổ phần của Snap, và, theo báo cáo, đã dàn xếp được một vụ trao đổi 10% cổ phiếu với Spotify.

Năm ngoái, Tencent trở thành công ty công nghệ châu Á đầu tiên được định giá trị hơn 500 tỷ USD và hiện là công ty đại chúng có giá trị nhất châu Á.

Tencent thường xuyên phải cạnh tranh với Alibaba, gã khổng lồ trong lĩnh vực thương mại điện tử có vốn hóa thị trường khoảng 500 tỷ USD, vì họ đang cố gắng mở rộng ở Trung Quốc và ở nước ngoài. Hai công ty này đang cạnh tranh để thống trị thị trường thanh toán di động hàng tỷ USD của Trung Quốc thông qua các dịch vụ như Ten Pay và Alipay.

Mặc dù cả hai đã có "lời qua tiếng lại" với nhau, nhưng CEO của Alibaba là Jack Ma, người không liên quan gì đến biệt danh "Pony Ma", năm ngoái đã cho biết ông đánh giá cao sự cạnh tranh vì nó cho phép họ học hỏi lẫn nhau, còn Pony Ma thì nói rằng ông và Jack Ma giống như "anh em trai" khi các công ty của họ đã đạt được sức hút.

Hai CEO đầy quyền lực này đã cạnh tranh danh hiệu người giàu nhất Trung Quốc suốt từ tháng Tám năm ngoái đến nay. Ngay cả giờ đây, dù Forbes đưa Pony Ma vượt lên phía trước một chút so với Jack Ma, nhưng chỉ số tỷ phú Bloomberg hiện vẫn dành lợi thế cho CEO Alibaba, khi tính toán rằng giá trị tài sản của Jack Ma là hơn tài sản của Pony Ma từ 8 đến 10 tỷ USD.

Tuy nhiên, Pony Ma là người châu Á đầu tiên được lọt vào danh sách 10 người giàu nhất trên toàn cầu của Forbes. Nếu xét đến chuyện Trung Quốc là quê nhà của 10% trong gần 2.400 tỷ phú trên thế giới, thì có thể ông sẽ không phải là người cuối cùng.

Thanh Hải

CNBC

Trở lên trên