MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO Ecopark: "Tết đối với tôi là sự gần gũi gia đình, bạn bè và với mọi người ở công ty”

29-01-2017 - 09:34 AM | Bất động sản

Tết thì phải dành cho gia đình, cho người thân và cho cả bản thân nữa nhưng đối với tôi không có chuyện cách li giữa công việc thì ở cơ quan còn về nhà thì là gia đình. Nên tôi không tách bạch, với tôi điều đó không cần thiết…

Đó là những chia sẻ của vị CEO năm nay đã ở tuổi “thất thập cổ lai hi” Đào Ngọc Thanh, đang điều hành khu đô thị Ecopark xung quanh câu chuyện về Tết cổ truyền của những vị CEO bận rộn.

Ông Đào Ngọc Thanh sinh năm 1946, là số ít CEO ở độ tuổi 70 hiện còn điều hành ở một doanh nghiệp lớn, điều thú vị là vị CEO này còn là lãnh đạo cấp cao của nhiều doanh nghiệp khác như Cotana Group, HUDLand, Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thành Nam…Tết đến, xuân về ông Đào Ngọc Thanh đã có những chia sẻ hết sức thú vị với chúng tôi xung quanh những câu chuyện về Tết cổ truyền.

Thưa ông, năm hết Tết đến ông nghĩ gì về công việc của mình?

Bản thân tôi đã 30 năm dạy học, khi sang Ecopark điều hành cũng đã được mười mấy năm. Tôi cũng đã đi nhiều, tiếp xúc nhiều và thấy cuộc sống muôn hình muôn vẻ, không ai biết được mình dừng ở điểm nào.

Tôi chỉ mong những ngày mình còn sống có thể làm được điều gì đó. Tất nhiên làm kinh doanh là để kiếm tiền nhưng đối với tôi ở độ tuổi này (tuổi 70 -PV) thì không phải là tất cả.

Bởi vì, thứ nhất cũng đã đến ngưỡng rồi. Thực sự đây cũng là một nghề để mình phát triển lên một level mới cao hơn, tốt hơn. Nói đến BĐS, người ta hay nhắc tới Phú Mỹ Hưng hay Ciputra nhưng đó đều là của người nước ngoài.

Tôi nghĩ, mình là người Việt Nam sao lại không làm được khu đô thị nào. Tất nhiên, không phải là riêng tôi mà trên tôi còn có ông chủ tịch, dưới tôi còn có nhiều người khác. Nhưng rõ ràng chúng tôi đều có chung quan điểm, đến đây là như đến Việt Nam.

Nếu nói năm hết Tết đến mình nghĩ gì? Nếu nói là thành công cũng đúng, nhưng thực ra để nói thật sự thành công, xuất sắc thì không phải.

Ông thường làm gì trong dịp nghỉ Tết, công việc đầu năm mới của ông là gì?

Ở khía cạnh công việc, những người tầm tuổi như tôi vào những ngày Tết này thì như thế nào? Tôi nghĩ rằng, làm được như thế này xung quay tôi có một số “fan” hâm mộ rất đông. Từ anh em cán bộ, trợ lý, anh em nhân viên đều như con cháu trong nhà, đó là niềm vui. Ngoài ra, tôi có rất đông cựu học sinh, sinh viên để giao lưu và chia sẻ.

Tôi nghĩ rằng, Tết đến là một sự giao lưu là sự gặp gỡ. Khái niệm Tết đối với tôi là sự gần gũi gia đình, bạn bè, với mọi người ở công ty. Không có chuyện cách li giữa công việc thì ở cơ quan, còn về nhà thì dành cho gia đình, không phải ham muốn nghỉ ngơi thì đi du lịch.

Công việc của tôi cũng đã phải đi rất nhiều nơi trên thế giới, là sự giao lưu. Nên tôi không có sự tách bạch. Tết thì phải dành cho gia đình, cho người thân và cho cả bản thân nữa. Đối với tôi không còn điều đó, và không cần thiết. Công việc đó là sự vui vẻ, điều quan trọng là điều chỉnh thời gian biểu của cuộc sống.

Trước đây, khi còn ở ĐH Xây dựng dường như cả cuộc đời tôi gắn với nó. Tôi đã từng trải qua những năm tháng khó khăn nhất khi còn chiến tranh. Bản thân tôi đến nay cũng đã trải qua hơn 10 năm bệnh hiểm nghèo. Trong 10 năm thì có 5 năm lần lên bàn mổ. Tất cả những cung bậc cuộc sống tôi đã trải qua hết rồi.

Cuộc sống phải tự tin và hứng khởi với công việc. Chính những mối quan hệ, giao lưu đã giúp tôi sống tốt.

Ở thời điểm hiện tại ông đang điều hành công ty lên tới 2000 người, vậy Tết ở doanh nghiệp của ông có ý nghĩa như thế nào?

Tết đến xuân về, chúng tôi cũng như nhiều DN khác cũng phải ngồi lại với nhau xem năm vừa qua thành công hay không thành công. Tuy nhiên, theo tối tổng kết là sự gặp lại, chứ không phải cái gì ghê gớm.

Tết ở Ecopark thường là câu chuyện rất bận rộn. Nhân viên an ninh gần như không có Tết để đảm bảo an toàn cho cư dân, du khách. Những ngày này chúng tôi đang phải lo đường hoa Tết để phục vụ người dân có nơi vui chơi giải trí. Hoặc anh em lo chỗ để xe ô tô cũng đủ mệt.

Tôi nghĩ rằng, Tết ở Ecopark là niềm vui nhưng cũng là một “trận đánh” lớn. Từ lãnh đạo đến nhân viên đều rất vất vả. bạn cứ tưởng tượng chẳng hạn chỉ 1 đưa trẻ lạc ở Ecopark cũng là chuyện không đơn giản.

Vì thế, không chỉ nhân viên an ninh của Ecopark mà còn phải có sự phối kết hợp cả lực lượng công an địa phương. Lo từng gốc cây, cột đèn, điện, mạng internet, chỗ ăn, chỗ chơi, thực phẩm…bởi Ecopark không đơn thuần như những dự án khác.

Có quan điểm cho rằng bỏ Tết cổ truyền, đặc biệt là người trẻ không có nhiều thời gian dành cho Tết. Là một CEO cũng rất bận rộn công việc, ông có suy nghĩ gì về điều này?

Tôi không nghĩ như vậy. Hàng ngàn đời nay ông bà ta đã có cái Tết này, tự nhiên giờ văn minh hơn chút lại bỏ đi thì không được.

Tôi nghĩ cái gì cũng để tự nó vận động thì sẽ trường tồn. Đến một ngày nào đó dân không thích Tết, không thịt lợn, không gói bánh trưng thì Tết sẽ teo lại. Do sự phát triển văn hóa còn mọi sự cưỡng chế đều không thành công. Đừng bao giờ áp đặt, cái đó chỉ là nhất thời, dân mới vạn đại.

Sự bật rộn hay không là do chính mình. Ở công ty tôi có 2000 nhân viên, còn có người nọ người kia. Tại sao nghĩ là cứ phải mình, tại sao tôi có thể ngồi đây và đang nói chuyện với bạn được. Hãy cứ thư thái và ung dung làm việc có khoa học.

Bây giờ thông tin rất dễ dàng, tôi đi nước ngoài cả nửa tháng nhưng công việc tôi vẫn có thể giải quyết qua email, và ở công ty trợ lý của tôi có thể dùng chữ ký điện tử để phát hành.

Không phải tôi làm mỗi ở đây mà còn làm nhiều nơi. Ai cũng có gia đình, người yêu, bạn bè…cuộc sống muôn vẻ. Tôi già rồi thì còn đỡ hơn nhưng lớp trẻ họ còn có bạn bè, vui chơi giải trí…nhiều hơn. Mình hãy cứ sống đời thường thì sẽ thoải mái.

Xin cám ơn ông!

Gia Bảo (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên