MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024

10-05-2024 - 09:30 AM | Bất động sản

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 thay vì ngày 1/1/2025 như hiện nay.

Đề xuất Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024- Ảnh 1.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Đất đai là một đạo luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều luật khác có liên quan. Luật Đất đai có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.

Đang hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai theo tiến độ

Về tiến độ xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, đối với các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì soạn thảo: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 quy định về hoạt động lấn biển.

4 dự thảo Nghị định gồm: 1- Nghị định quy định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; 2- Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; 3- Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; 4- Nghị định quy định về giá đất đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai xây dựng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cụ thể, thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định; Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã họp và cho ý kiến đối với nội dung dự thảo các Nghị định; gửi lấy ý kiến bằng văn bản các bộ, ngành, địa phương; đăng tải nội dung dự thảo các nghị định trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Bên cạnh đó, tổ chức lấy ý kiến các UBND, các Sở, ban ngành có liên quan của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông qua tổ chức 4 Hội nghị tại các vùng (miền Bắc, miền Trung, miền Nam Trung Bộ và miền Nam); phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai và dự thảo Nghị định quy định về giá đất.

Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Bộ Tư pháp đã tổ chức họp Hội đồng để thẩm định 4 hồ sơ dự thảo Nghị định này. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Chính phủ theo tiến độ được giao.

Đối với dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chủ động xây dựng nội dung dự thảo Nghị định, gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường để lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, một số hành vi quy định trong dự thảo Nghị định cần được rà soát để thống nhất với quy định của các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai nên chưa thể hoàn thiện để gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Tại Thông báo số 168/TB-VPCP ngày 17/4/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã cho phép Nghị định này được thực hiện quy trình rút gọn để quy định thời điểm hiệu lực đảm bảo đồng bộ với thời điểm Luật có hiệu lực.

Đối với các Thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường gồm: Thông tư quy định kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai; kỹ thuật bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất; Thông tư quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất; Thông tư quy định về hồ sơ địa chính, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Thông tư quy định về nội dung, cấu trúc và kiểu thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, Bộ đã thành lập Tổ soạn thảo các Thông tư, các đơn vị cũng đang tập trung nguồn lực để xây dựng bảo đảm thời gian và chất lượng văn bản.

Đối với các Nghị định do Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo: Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về quỹ phát triển đất và Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và gửi hồ sơ đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa và gửi hồ sơ đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định.

Người dân, doanh nghiệp mong muốn Luật Đất đai sớm được thi hành

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, về công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản của Luật Đất đai cũng đã được các cơ quan tập trung tuyên truyền, phổ biến thông qua các phương tiện thông tin đại chúng trong suốt thời gian qua. Các cơ quan truyền thông đã dành nhiều thời lượng để phổ biến các nội dung cơ bản của Luật Đất đai.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thi hành Luật Đất đai với các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nhiều địa phương trực tuyến đến cấp xã) ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai; chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Đất đai cho gần 400 báo cáo viên các cấp; phối hợp với Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam phổ biến cho các đối tượng là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan; phổ biến cho cán bộ, công chức của Kiểm toán Nhà nước…

Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội nghị phổ biến cho các kiều bào trong và ngoài nước. Theo thông tin của Bộ Ngoại giao, Hội nghị đã thu hút số lượng lớn đại biểu tham dự (khoảng 500 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến), bao gồm: (i) đại diện các bộ, ban, ngành và các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức hiệp hội doanh nhân và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong và ngoài nước; (ii) đại diện các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; (iii) đông đảo kiều bào tham dự trực tiếp tại Hà Nội và 50 điểm cầu tại 30 quốc gia và vùng lãnh thổ ở 04 châu lục (Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Đức, Ba Lan, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Lào, Campuchia, Úc, New Zealand, Tanzania, Ma-rốc,...).

Nhiều địa phương đã tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Đất đai từ cấp tỉnh đến cấp xã: Long An, Bắc Giang, Lào Cai, Thái Bình… Qua các Hội nghị triển khai, phổ biến Luật Đất đai, nhiều địa phương, người dân và doanh nghiệp mong muốn Luật Đất đai sớm được thi hành. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để Luật Đất đai có thể có hiệu lực sớm, nhằm góp phần phát huy nguồn lực từ đất đai, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên đất trong giai đoạn mới, hướng tới mục tiêu phát huy cao nhất nguồn lực đất đai, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế sâu rộng, từng bước hiện thực hóa mục tiêu cuộc cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đề ra; kịp thời đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của Nhân dân.

Đưa Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống

Bộ Tài nguyên và Môi trường dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 252 Luật Đất đai số 31/2024/QH15, mục đích nhằm xây dựng Nghị quyết của Quốc hội để cho phép Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, đưa Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống sẽ khơi thông nguồn lực đất đai, kịp thời giải quyết, xử lý dứt điểm các tồn đọng về đất.

Bên cạnh đó, hỗ trợ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, phát huy tiềm năng, sử dụng hiệu quả cao nhất giá trị nguồn lực đất đai. Đồng thời, qua đó tháo gỡ được những khó khăn trong tiếp cận đất đai phục vụ sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư, đóng góp lớn cho việc hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, ổn định về xã hội, lợi ích thiết thực cho nhân dân.


Theo Tuệ Văn

Báo Chính phủ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên